Đá thiên thạch: Hiểu đúng để không bị lừa

GD&TĐ - Đá thiên thạch không có giá trị trao đổi vật chất cũng như tâm linh. Nó chỉ có ý nghĩa trong nghiên cứu khoa học. Việc tin theo lời đồn thổi để mua bán loại đá này sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Một viên đá thiên thạch được quảng bá.
Một viên đá thiên thạch được quảng bá.

Bản chất của đá thiên thạch

Những vụ lừa đảo mua bán đá thiên thạch có giá từ vài chục triệu đến hàng chục tỷ đồng vẫn xảy ra, dù đã được các cơ quan chức năng cảnh báo. Nhưng thông tin trôi nổi về đá thiên thạch như có giá trị tâm linh, đá cực kỳ quý hiếm, đắt hơn cả kim cương… khiến không ít người nhẹ dạ tin theo.

Ông Nguyễn Đức Phường, chuyên gia về thiên văn vũ trụ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, thiên thạch là những vật thể tự nhiên từ khoảng không vũ trụ ngoài Trái đất.

Thiên thạch có kích thước đa dạng từ vài mm đến hàng nghìn km. Những thiên thạch có kích thước lớn từ vài trăm m đến nghìn km chuyển động xung quanh Mặt trời được gọi là tiểu hành tinh (asteroid). Những thiên thể có kích thước lớn hơn hạt bụi nhưng nhỏ hơn so với tiểu hành tinh (asteroid) thì được gọi là meteoroid.

Về thành phần, thiên thạch được phân loại, chẳng hạn thiên thạch đá, thiên thạch sắt, thiên thạch đá sắt... Những thiên thạch đá thì thành phần chủ yếu là silicate, thiên thạch sắt cấu tạo chủ yếu là sắt (trên 70%), niken dưới 30%.

Thiên thạch đá sắt thì thành phần phân bố tương đồng cả silicate và sắt... Ngoài các nguyên tố trên thì trong thành phần của thiên thạch có cả các nguyên tố khác như cacbon, oxy... Thiên thạch không phải là kim loại quý như vàng hay kim cương, thậm chí thiên thạch có thể chứa các nguyên tố phóng xạ lại tiềm ẩn những nguy cơ có hại đến sức khỏe con người.

GS Phan Trường Thị, Viện trưởng Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, trò mua bán thiên thạch hiện nay đa phần là lừa đảo, thổi phồng giá trị hoặc bịa ra để kiếm lời. Thiên thạch có hai loại là thiên thạch sắt và thiên thạch đá. Trên thế giới, loại thiên thạch có giá trị nhất là thiên thạch sắt niken, chúng là một phần nhân của các hành tinh (ngôi sao) trong vũ trụ, khi nổ, các mảnh vỡ rơi xuống Trái đất.

Thế giới rao bán rất nhiều những mảnh vỡ này, chỉ cần một vài từ khóa trên mạng là thấy, và giá của chúng không hề đắt. Chắc chắn không có chuyện hàng triệu USD/kg như những kẻ lừa đảo rao bán. Những mảnh thiên thạch vỏ hành tinh có giá một vài USD, còn loại thiên thạch đắt đỏ nhất, hiếm có nhất cũng chỉ lên đến khoảng 3000 USD/mảnh lớn. Tuy nhiên phải nói thêm rằng, loại thiên thạch nhân vũ trụ này cũng rất hiếm hoi.

Cũng theo GS Phan Trường Thị, ở Việt Nam hiện chỉ có khoảng 10kg thiên thạch được trưng bày trong bảo tàng. Chúng không hề có giá trị gì ngoài phục vụ cho mục đích nghiên cứu nên không thể so sánh chúng với đá quý hay trang sức. Có lẽ do rất hiếm khi chúng ta nhặt được thiên thạch nên sự hiếm này được con người cho là quý và những người cơ hội có thể đội giá trị lên gấp hàng nghìn, trăm nghìn lần.

Đối với các nhà khoa học thì thiên thạch là những chứng cứ quan trọng, cung cấp những dữ liệu để nghiên cứu nguồn gốc hình thành hệ mặt trời, hoặc tìm kiếm những dấu hiệu của nước hoặc các điều kiện lý hóa của một hành tinh nếu thiên thạch có nguồn gốc từ hành tinh đó.

Chẳng hạn như các nhà khoa học phân tích các mẫu thiên thạch có nguồn gốc từ sao Hỏa để tìm kiếm thông tin về nước và sự sống nếu có trong quá khứ của hành tinh này.

Đá tectit gần giống với thiên thạch

Theo ông Nguyễn Đức Phường thì nếu một người bình thường sẽ gặp khó khăn để phân biệt đâu là thiên thạch, đâu là một hòn đá bình thường nhưng lại dễ dàng đối với chuyên gia. Tuy nhiên, thiên thạch có những đặc điểm riêng có thể phân biệt được bằng mắt thường. Về khối lượng, với cùng một kích cỡ thì thiên thạch thường nặng hơn và cứng chắc hơn đá thường.

Về màu sắc, thiên thạch thường có màu đen, hoặc ngả màu đen vàng do bị oxy hóa. Về đặc điểm, bề mặt thiên thạch thường đen nhẵn và bóng. Cũng có những thiên thạch bề mặt xuất hiện những vết lõm tròn nhẵn, hoặc các đường sẻ nứt đo quá trình bào mòn và cháy nổ trong không khí. Khi có trong tay một thiên thạch, tốt nhất các bạn nhờ chuyên gia để thẩm định.

Ở Việt Nam không quan sát được thiên thạch rơi. Nhưng qua các mẫu đá tectic tìm thấy ở một số vùng cao nguyên như Tây Nguyên thì có thể khẳng định là đã từng xảy ra hiện tượng này. Ở các vùng Lâm Đồng, Cao Bằng, Yên Bái, đá tectit được bán với giá vài trăm ngàn đồng/kg.

Thực tế, đá tectit không phải là thiên thạch. Tectit bao gồm các mảnh vật chất trên trái đất bị bắn ra trong quá trình xảy ra vụ va chạm của các vật thể ngoài Trái đất. Bên cạnh đó, theo phương pháp xác định tuổi phóng xạ, hầu hết tectit có tuổi trong khoảng vài trăm ngàn tới vài chục triệu năm - quá nhỏ so với độ tuổi xấp xỉ khoảng 4,6 tỷ năm của các thiên thạch.

Hiện ở Việt Nam chưa có đơn vị nào được trang bị kính thiên văn cỡ lớn để quan sát được thiên thạch rơi. Tại Việt Nam cũng chưa có cơ quan nào được giao trách nhiệm chính thức để chuyên theo dõi về thiên thạch cũng như tác động của nó.

Các cơ quan hàng không vũ trụ của Nga và Mỹ vẫn liên tục trao đổi với các nước khi họ có thông tin. Giả sử nếu họ tính toán được quỹ đạo tương đối chính xác của vật thể thiên thạch rơi xuống Việt Nam thì họ sẽ thông báo cho các nhà khoa học nước ta. Việc phòng tránh thảm họa này ở trên thế giới cũng vẫn chưa thể làm được.

Theo ông Nguyễn Đức Phường, trên thế giới đã có mạng lưới kính thiên văn nhưng số lượng chưa đủ nhiều để con người có thể quan sát toàn bộ bầu trời.

Ngoài ra, con người còn phải chú trọng làm những loại kính thiên văn đủ lớn để có thể quan sát được những thiên thể có kích thước nhỏ (nhỏ hơn 10 m) như thiên thạch rơi xuống miền Trung nước Nga vừa qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.