Đa số giảng viên ĐH quan niệm đúng về đổi mới PPDH

Đa số giảng viên ĐH quan niệm đúng về đổi mới PPDH

(GD&TĐ)-Đa số các nhà quản lí và giảng viên các trường ĐH (87,2%) quan niệm đúng về bản chất của việc đổi  mới  PPDH. Đó là việc chuyển dạy học theo kiểu truyền thụ một chiều của giảng viên sang kiểu dạy học phát huy tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo trong hoạt động học tập của SV.

Đây là một trong những kết luận từ nghiên cứu thực trạng đổi mới PPDH ở ĐH của các chuyên gia thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, Vụ Giáo dục ĐH, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ GD&ĐT.

Tập thể nghiên cứu đã phỏng vấn gián tiếp các đối tượng là cán bộ quản lí, giảng viên và SV của 43 trường ĐH, trong đó có  367 nhà quản lí cấp trường và cấp khoa (48 lãnh đạo trường, 319 nhà quản lí cấp khoa), 1342 giảng viên, 1386 SV; phỏng vấn sâu tại 7 trường ĐH là ĐHSP Hà Nội, ĐH Y - Dược Thái Nguyên, ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM, ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM và ĐH Cần Thơ...

Cũng theo nghiên cứu này, đa số các nhà quản lí và giảng viên cho rằng việc đổi mới PPDH cần được tiến hành một cách đồng bộ với việc đổi mới chương trình đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ giảng viên để nâng cao chất lượng đào tạo ở ĐH. Trong các nhân tố thúc đẩy việc đổi mới PPDH, nhân tố “giảng viên ý thức được tầm quan trọng của việc đổi mới PPDH” được xếp ở vị trí cao nhất. Tuy nhiên, sự chỉ đạo của cán bộ quản lí các cấp có vai trò quyết định tới hoạt động  đổi mới PPDH của giảng viên. 

Kết quả của nhóm nghiên cứu cho thấy, đa số giảng viên hiểu biết và có kĩ năng sử dụng tốt nhóm phương pháp thuyết trình, một số PPDH hiện đại có tác dụng phát huy cao tính tích cực, tự lực, chủ động, sáng tạo ở sinh viên còn rất xa lạ với số đông giảng viên, việc sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Giảng viên sử dụng rất có hiệu quả và tương đối hiệu quả chiếm tỉ lệ cao với các phương pháp: thuyết trình kết hợp vấn đáp (42,9% rất có hiệu quả, 55,1% tương đối hiệu quả); thuyết trình kết hợp sử dụng các phương tiện nghe – nhìn (46,5% và 50,2%); thảo luận, làm việc theo nhóm (41,6% và 55,2%); tổ chức seminar (27,9% và 64,1%); dạy học theo tình huống (31,9% và 59,8%).

Với một số phương pháp, tỉ lệ giảng viên sử dụng không hiệu quả tương đối cao. Ví dụ, phương pháp đóng vai (24,2% sử dụng không hiệu quả), dạy học theo tiếp cận môđun (24,5%), dạy học bằng grap (47,0% sử dụng không hiệu quả); E-learning (30,5% sử dụng không hiệu quả); dạy học theo dự án (27,6%), dạy học hợp tác (24,9% sử dụng không hiệu quả).

Đánh giá về những khó khăn, trở ngại việc đổi mới PPDH ở ĐH, các nhà quản lí, giảng viên và SV tương đối thống nhất rằng các yếu tố cản trở mạnh nhất tới việc đổi mới PPDH là: Cơ sở vật chất hạn chế, lớp học quá đông, trình độ ngoại ngữ yếu, và  tình trạng SV chưa chuẩn bị tốt về phương pháp học tập. Các phiếu trả lời của SV lại nhấn mạnh thêm tới các yếu tố cơ sở vật chất, thư viện và phương pháp đánh giá chưa phù hợp.

Một trong những kết luận quan trọng của nghiên cứu là cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đảm bảo phục vụ cho hoạt động dạy học của giảng vên và SV. Thiếu nhất là phụ tá thí nghiệm, sau đó là phòng học chuyên dụng, tiếp đó lần lượt là phòng thí nghiệm, máy tính, phương tiện nghe nhìn, thiết bị dạy học, tài liệu tham khảo, giáo trình. Thiếu hụt giáo trình, tài liệu tham khảo là ít nhất, chỉ có 25-30% giảng viên cho là còn thiếu. 

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.