Đà Nẵng: Yêu cầu kiểm soát nhập cảnh và thực phẩm nhập từ vùng có dịch Covid-19

GD&TĐ - Ban quản lý An toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm 3 năm thành lập BQL ATTP.

UBND TP Đà Nẵng trao tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.
UBND TP Đà Nẵng trao tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm hoạt động

Theo đó, BQL ATTP Đà Nẵng thành lập thí điểm trong 3 năm từ ngày 25/8/2017 theo Quyết định số 1268/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Sau 3 năm hoạt động, BQL ATTP đã thực hiện nhiều hoạt động chuyên môn về quản lý thực phẩm.

Trong đó, BQL ATTP trở thành đầu mối thống nhất tham mưu, ban hành cơ chế, chính sách về an toàn thực phẩm. Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của thành phố; xây dựng và thí điểm chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn với sự tham gia của các hợp tác xã, đơn vị sản xuất và các siêu thị, doanh nghiệp, đơn vị phân phối đầu ra.

Theo BQL ATTP, trong 2 năm 2018 và 2019, BQL đã lấy 2.869 mẫu thực phẩm các loại gửi phòng kiểm nghiệm kiểm tra các chỉ tiêu An toàn thực phẩm. Về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về An toàn thực phẩm, BQL đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, và phối hợp thanh tra, kiểm tra hơn 43.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống; phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 878 cơ sở vi phạm, tổng số tiền xử phạt 3,59 tỷ đồng. Qua thanh tra, kiểm tra liên tục, số cơ sơ vi phạm năm 2019 đã giảm so với năm 2018, từ 587 (2,6%) cơ sở vi phạm xuống còn 291 (1,34%) cơ sở vi phạm.

Bên cạnh đó, phần lớn thực phẩm tiêu thụ tại thành phố đều nhập từ các địa phương khác, BQL đã tổ chức ký kết hợp tác giám sát, kiểm soát bảo đảm An toàn thực phẩm với 7 địa phương có sản lượng nông, lâm, thủy sản cung cấp cho thành phố với số lượng lớn…

Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng BQL ATTP thành phố cho biết, chợ truyền thống có vai trò là kênh phân phối thực phẩm chủ yếu đến người tiêu dùng. Trên cơ sở các văn bản đã ban hành về công tác quản lý an toàn thực phẩm, đơn vị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện triển khai xây dựng các chợ đạt chuẩn về an toàn thực phẩm.

“BQL thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 2.221 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố, đã hướng dẫn và cấp 5 giấy tiếp nhận đăng ký bản tự công bố sản phẩm của doanh nghiệp. Hiện có 28 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm tham gia cam kết cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn. Trên cơ sở những doanh nghiệp tham gia cung ứng, đã có 36 sản phẩm rau, thịt, thủy sản và các loại thực phẩm được xác nhận chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn, để người dân yên tâm lựa chọn sử dụng thực phẩm”, ông Hải thông tin.

Ngoài ra, BQL cũng thường xuyên thực hiện lấy mẫu giám sát, kịp thời cảnh báo và truy xuất nguồn gốc đối với thủy sản không đảm bảo an toàn…

Tại hội nghị tổng kết, UBND Đà Nẵng đã công bố quyết định số 1319/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng; theo đó, quyết định kéo dài thời gian hoạt động của Ban trong thời gian 3 năm kể từ ngày 26/8/2020.

Chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm Covid-19

Người dân đang chọn nguồn thực phẩm.
Người dân đang chọn nguồn thực phẩm.

Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng cho rằng, trong 3 năm qua, BQL đã thể hiện được vai trò cơ quan đầu mối tham mưu giúp UBND thành phố giải quyết nhanh chóng và cơ bản, có hệ thống các vấn đề chủ yếu về An toàn thực phẩm. Thực hiện hiệu quả hơn hoạt động thanh tra, giám sát, lấy mẫu, xử lý sự cố về thực phẩm và giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc điều chỉnh, mở rộng, chuyển đổi hoạt động kinh doanh.

“Ban Quản lý An toàn thực phẩm cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong toàn bộ chuỗi thực phẩm mà các thành viên trong chuỗi đã thiết lập, truy xuất nguồn gốc nội bộ, đối với các chuỗi cung ứng mà các thành viên chưa liên kết lại với nhau thì tiến hành thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với từng giai đoạn…” - ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Ông Lê Trung Chinh cũng yêu cầu BQL ATTP phối hợp với các sở ngành và địa phương thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực kinh doanh này. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh từ các nước có dịch để chủ động ngăn chặn nguồn lây nhiễm Covid-19.

Phó Chủ tịch đề nghị UBND các quận huyện tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát An toàn thực phẩm. Trong đó chủ trọng các loại hình sản xuất thực phẩm, cung cấp tiệc lưu động, kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, đầu tư kinh phí xây dựng chợ đảm bảo An toàn thực phẩm, xử lý dứt điểm tình trạng bán hàng rong các tuyến đường xung quanh các chợ.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở NN&PTNT, Sở Công thương thống kê danh sách các cơ sở thu gom ở các tỉnh cung ứng thực phẩm cho các hộ kinh doanh tại chợ đầu mối Hòa Cường, cảng cá Thọ Quang, các lò giết mổ và phối hợp với BQL ATTP xây dựng cơ sở dữ liệu để triển khai thiết lập truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm nhập từ các tỉnh vào các chợ đầu mối, lò giết mổ.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT phối hợp với BQL ATTP xây dựng lộ trình đảm bảo nguyên liệu cung cấp cho các trường học đều được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Đồng thời, tiếp tục xây dựng khung chương trình giáo dục học đường về An toàn thực phẩm với các buổi tuyên truyền, các chuyến đi thực tế đến trang trại sản xuất nông sản hữu cơ, nông sản công nghệ cao...

Dịp này, UBND thành phố trao tặng bằng khen cho 8 tập thể và 7 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bảo An toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.