Bắt đầu công việc từ 3 giờ sáng đến hơn 23 giờ hàng ngày, người dân làng nghề bánh đa nem TP Hà Tĩnh tất bật chạy đua với thời gian để kịp thời cung ứng các sản phẩm cho thị trường Tết.
Làm từ sáng, tới khuya
Trời vừa tạnh ráo, chị Phan Thị Đào (31 tuổi) chủ cơ sở bánh đa nem Đồng Đào (thôn Bình, xã Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh) cùng các nhân công vội đưa những liếp bánh đa vừa tráng ra phơi. Những ngày qua, trời mưa tầm tã, cơ sở của chị Đào phải huy động toàn bộ quạt sấy nhưng vẫn không đủ số lượng bánh khách đã đặt.
“Trung bình những ngày giáp Tết cơ sở tôi đều bán ra khoảng 40.000 bánh, tương đương với 5 - 6 tạ gạo. Nghề này năng suất bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu thời tiết thuận lợi, bánh làm ra bao nhiêu cũng hết. Đặc biệt vào dịp Tết, chúng tôi làm luôn tay mà vẫn không đủ nhu cầu của thị trường”, chị Đào cho hay.
Không riêng gì cơ sở chị Đào, từ đầu tháng 12 âm lịch, người làm nghề bánh đa nem tại xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đã “vắt chân lên cổ” tăng tốc sản xuất thị trường Tết Nguyên đán 2024. Ba giờ sáng, các cơ sở đã bắt đầu sáng đèn, hối hả bước vào ngày làm việc bận rộn…
Trong khuôn viên gần 300m2, hệ thống máy móc làm bánh của gia đình chị Dương Thị Thanh (thôn Bình) đang bật hết công suất sản xuất cho vụ Tết. Theo chị Thanh, dù hiện nay máy móc đã thay thế nhưng để có chiếc bánh ngon đạt chất lượng, nhiều công đoạn phải được làm thủ công, trong đó có việc chọn và ngâm gạo.
Gạo được ngâm từ tối hôm trước, đến sáng sớm hôm sau sẽ bắt đầu công đoạn xay bột, tráng bánh. Đảo lại liếp bánh, chị Thanh “bật mí” loại gạo được sử dụng làm bánh đa nem là gạo Khang Dân.
Loại gạo này có giá thành rẻ hơn các loại gạo khác. Khi nấu cơm khá khô, nhưng lại rất phù hợp để làm nguyên liệu chính cho bánh ram. Bánh làm ra không bị bết dính, có độ dai. Khi đem chiên rán vỏ bánh giữ được độ giòn mà các loại gạo khác không có được.
Bánh sau khi tráng xong sẽ được trải trên từng tấm phên (hay còn gọi là giàng) làm bằng tre. “Quá trình phơi bánh cũng quyết định không nhỏ đến chất lượng bánh. Gặp thời tiết mưa nhiều như những ngày giáp Tết, chúng tôi phải dùng quạt, máy sấy, hay thậm chí phải đốt lửa hong bánh.
Phương pháp này khiến bánh lâu khô hơn phải mất từ 10 – 12 giờ đồng hồ. Vì vậy mà dịp này cứ trời tạnh ráo chúng tôi đều cố gắng chạy đua với thời gian sản xuất thêm số lượng”, chị Thanh chia sẻ kinh nghiệm hơn 10 năm làm nghề.
Vừa đưa mẻ bánh ra phơi cho kịp nắng, chị Thanh lại tất bật chuẩn bị nguyên liệu để kịp tráng những mẻ bánh tiếp theo.
Bình quân mỗi năm từ sản xuất bánh ram đưa lại thu nhập cho các hộ sản xuất từ 200 - 250 triệu đồng. |
Ổn định nhờ nghề truyền thống
Bà Trần Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Thạch Hưng cho biết, nghề làm bánh đa nem ở thôn Bình có từ xa xưa, nhiều gia đình đã nối nghề qua 3 đời. Trước đây, bánh được tráng thủ công, nhưng những năm gần đây các cơ sở đã đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là trong dịp Tết.
“Năm nay, giá gạo cao hơn hẳn so với mọi năm. Trước đây, gạo chỉ khoảng gần 100.000 đồng/yến thì nay đã tăng lên khoảng 160.000 đồng/yến. Vì vậy, giá bánh cũng tăng hơn so với những năm trước”, bà Thanh cho hay.
Được biết, bánh ram có giá dao động từ 16.000 - 18.000 đồng/tệp (khoảng 100 bánh). Tuy nhiên, thời điểm Tết giá cao hơn, khoảng 20.000 - 30.000 đồng/tệp.
Ngoài đem lại thu nhập cho người dân trên địa bàn, nghề sản xuất bánh đa nem còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các vùng lân cận. Chị Nguyễn Thị Hà (42 tuổi, trú tại xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cho biết, tiền công của chị mỗi ngày từ 200 - 250 nghìn đồng. Những ngày cận Tết, dù đến làm việc sớm hơn, nhưng bù lại các chủ cơ sở cũng hào phóng tăng thêm tiền lương.
Nghề bánh đa nem giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở các vùng lân cận. |
Theo lãnh đạo UBND xã Thạch Hưng, bánh đa nem không chỉ được bán trong tỉnh Hà Tĩnh, mà có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ… Sản xuất bánh đa nem đang là ngành nghề kinh tế chủ lực và góp phần vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của xã Thạch Hưng, bình quân mỗi năm cho doanh thu đạt khoảng 30 tỷ đồng.
Nhận thấy tiềm năng làm bánh ram, nhiều hộ dân đã đầu tư máy móc chuyển hẳn sang làm nghề. Nhiều gia đình cũng trở nên khấm khá nhờ sớm bắt nhịp chuyển đổi cơ cấu nghề.
“Trừ chi phí máy móc, nhân công, trung bình mỗi năm từ sản xuất bánh ram đưa lại thu nhập cho gia đình tôi từ 200 - 250 triệu đồng. So với làm ruộng và các nghề phụ thì nghề truyền thống bánh ram giúp gia đình tôi có cuộc sống ổn định hơn”, chủ cơ sở bánh đa nem Đồng Đào chia sẻ.
Theo số liệu rà soát của UBND xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh), thôn Bình có số hộ sản xuất bánh nhiều nhất xã Thạch Hưng. Toàn thôn có 77 hộ sản xuất bánh đa nem, thu nhập bình quân 5,2 triệu đồng/người/tháng. Tháng 11/2021, làng nghề làm bánh đa nem thôn Bình, xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) đã được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là làng nghề truyền thống.