Đà Nẵng: Thành phố đáng sống chờ nhà máy xử lý rác đến năm 2024?

GD&TĐ - Bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) nhiều năm qua là điểm “nóng” về môi trường.

Bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu
Bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Ảnh tư liệu

Sau nhiều lần cam kết tiến độ, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn vẫn đang ở giai đoạn thủ tục…

Triển khai các bước trong năm 2022

Liên quan đến vấn đề dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn công suất 1.000 tấn/ngày đêm tại bãi rác Khánh Sơn, tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Anh Thi – Tổ đại biểu quận Ngũ Hành Sơn chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng rằng, trong đề án xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021 - 2030 có nội dung đẩy nhanh công tác đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải đảm bảo tiến độ kế hoạch đề ra.

“Giám đốc Sở TN&MT cho biết, bao giờ hoàn thành dự án xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn? Hiện tại dự án ở giai đoạn nào? Trong trường hợp năm 2023 dự án hoàn thành thì bãi rác Khánh Sơn còn đủ sức chứa hay không?”, đại biểu Anh Thi đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi này, ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng - cho rằng, hiện nay tình hình lượng rác thải thu gom trên địa bàn TP bình quân 1.100 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom rác đạt khoảng 95%. Phương pháp xử lý truyền thống theo hình thức chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn.

“Tổng lượng rác thải sinh hoạt sẽ phát sinh qua từng năm bình quân khoảng 350 - 380 nghìn tấn/năm. Hiện, Ban Quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị đã đưa vào vận hành dự án nâng cấp, cải tạo một số hạng mục tại bãi rác Khánh Sơn với quy mô thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh khoảng 2 triệu tấn.

Tháng 5/2021, ban này cũng đưa vào vận hành thử nghiệm trạm xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 để đảm bảo thu gom toàn bộ nước rỉ rác với công suất 1.750 m3/ngày”, ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cho hay, với mức phát sinh chất thải rắn hiện tại và khả năng phục hồi kinh tế khi kiểm soát được dịch bệnh thì năng lực vận hành xử lý, chôn lấp rác hợp vệ sinh đối với dự án tại Khánh Sơn dự kiến đến cuối năm 2024, nếu có thể kéo dài thì chỉ đến đầu năm 2025.

Về tiến độ triển khai các dự án xử lý rác, ông Tô Văn Hùng cho biết, dự án nâng cấp cải tạo bãi rác Khánh Sơn và công trình xử lý nước rỉ rác giai đoạn 2 đã hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 5/2021.

Đối với Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày đêm, dự án được thực hiện theo hình thức PPP (đối tác công tư – PV) xuất phát từ đề xuất của ADB và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng năm 2017.

Theo ông Tô Văn Hùng, đây là dự án xử lý rác thải lần đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện theo hình thức PPP. “Chúng ta đang làm một việc chưa có tiền lệ và mới chỉ tiếp cận những văn bản hướng dẫn rất mới của quy định pháp luật.

Để triển khai dự án này, chúng tôi đã phải nghiên cứu 4 luật gồm: Luật PPP, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Chuyển giao công nghệ.

Qua phân tích, để triển khai được dự án này theo hình thức PPP có 20 nhiệm vụ. Đến thời điểm này, TP đã triển khai được 10 nhiệm vụ và đang ở giai đoạn chuẩn bị thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”, ông Hùng thông tin.

Ông Hùng cho biết thêm, TP đã có thông báo giao các sở, ngành trên địa bàn thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 1/2022. Ông Hùng cũng thẳng thắn thừa nhận dự án này triển khai chậm nhiều theo kế hoạch.

“Tuy nhiên, các sở, ngành TP đang tiếp cận dự án này với tinh thần rất khẩn trương, vì mốc thời gian phải dừng việc chôn lấp rác chậm nhất đến đầu năm 2025. Dự án này phải được triển khai các bước trong năm 2022”, ông Tô Văn Hùng khẳng định.

Đà Nẵng: Thành phố đáng sống chờ nhà máy xử lý rác đến năm 2024? ảnh 1

Liệu có tiếp tục “xin” lùi tiến độ?

Đối với dự án xử lý rác thải 650 tấn/ngày đêm, ông Hùng cho biết có tất cả 14 thủ tục thì chủ đầu tư đã thực hiện xong 10 thủ tục. 4 thủ tục còn lại chỉ được thực hiện khi phải xong thủ tục liên quan chủ trương đầu tư.

Hiện, TP Đà Nẵng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố xử lý liên quan đến việc chủ trương đầu tư dự án. Nếu chủ trương đầu tư được chấp thuận thì các thủ tục tiếp theo được thực hiện.

“Với mốc thời gian đã đặt ra trong năng lực chôn lấp của bãi rác thì chắc chắn 2 nhà máy xử lý rác thải trên phải được triển khai xây dựng và vận hành chậm nhất trong năm 2024”, ông Hùng nhấn mạnh.

Sau phần trả lời của vị lãnh đạo Sở TN&MT, đại biểu Huỳnh Bá Thành chất vấn thêm: Lần thứ nhất, dự án xử lý chất thải rắn ở Khánh Sơn cam kết hoàn thành trong năm 2020. Lần thứ hai cam kết hoàn thành năm 2023. Lần thứ 3 cam kết phải xong trong năm 2024. “Vậy dự án sẽ chậm trễ, lãnh đạo Sở có “xót” về điều này hay không? Và có khẳng định đưa dự án vào vận hành năm 2024, không lùi nữa hay không?”, đại biểu Thành chất vấn.

Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng nói, đến năm 2024 mà không có nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm thì chúng ta không còn đường lùi.

“Sở dĩ có những lần cam kết thời gian khác nhau thì đều có lý do. Đặc biệt, việc ban hành luật mới thì phát sinh rất nhiều thủ tục liên quan. Đây là dự án đầu tiên được thực hiện theo phương thức PPP nên nhiều sở, ngành lúng túng.

Với trách nhiệm của ngành “đứng mũi chịu sào” thì mạnh dạn cam kết lần này dự án sẽ xong trong năm 2024, nhưng cần sự chung tay góp sức của nhiều sở, ngành khác”, ông Hùng cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.