Chỉ tính riêng giáo dục, giai đoạn 2020 – 2025, có 6 dự án trọng điểm được thành phố kêu gọi đầu tư. Tuy nhiên, bài toán nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trình độ cao vẫn là thách thức đối với Đà Nẵng.
Nâng cao giá trị gia tăng
Ngoài đề xuất Trung ương thành lập ĐHQG Đà Nẵng, giai đoạn 2020 – 2025, có 6 dự án giáo dục – đào tạo trọng điểm được Đà Nẵng kêu gọi đầu tư, gồm Trường Đào tạo liên cấp quốc tế, Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống quốc tế, Khu đô thị Đại học, Trường Mầm non Khu công nghệ cao, Trường ĐH quốc tế, Trường CĐ đào tạo lao động tay nghề cao theo tiêu chuẩn quốc tế và khu vực.
Theo Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, từ 2016 – 2020, Đà Nẵng thu hút 76.130 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 1,410 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bất động sản – du lịch, giáo dục và y tế.
Tuy nhiên, ngành dịch vụ của Đà Nẵng trong thời gian qua vẫn phát triển chưa cân đối, hiệu quả kinh tế chưa cao. Nguyên nhân khách quan được cho là do xuất phát điểm của Đà Nẵng thấp, quy mô kinh tế, dân số nhỏ, thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ.
Dưới tác động của dịch Covid-19, đặc biệt đợt dich thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, thành phố xác định phát triển dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, làm nền tảng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp công nghệ cao, CNTT…
Theo đó, Đà Nẵng đề xuất hình thành Trung tâm Tài chính tầm cỡ khu vực châu Á tại Đà Nẵng để thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới có giá trị gia tăng cao. Đà Nẵng sẽ phát triển du lịch theo hướng du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, chăm sóc sức khỏe, mua sắm… Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cảng Liên Chiểu; mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển logistics và trung chuyển quốc tế.
Khó tuyển dụng lao động trình độ cao
Đà Nẵng là môi trường đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp (DN). Với khoảng 27.000 DN, Đà Nẵng nằm trong tốp 5 các tỉnh thành có số lượng DN lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, vấn đề chung mà các DN gặp phải chính là khó tìm được nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tại Diễn đàn Thúc đẩy liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tại TP Đà Nẵng vào năm 2019, ông Nguyễn Tiến Quang – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng cho biết: “Kết quả khảo sát cho thấy, lao động ở trình độ càng cao thì DN càng khó tuyển dụng. DN Đà Nẵng thì gặp khó hơn so với các tỉnh, thành cả nước.
86% cho rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động ở cấp giám đốc điều hành, cao hơn 3% so với mức bình quân cả nước. Lao động ở vị trí quản lý, giám sát là 75%, cao hơn cả nước 3%. Công nhân, lao động phổ thông là 32%, cao hơn cả nước 7%. Một số vị trí ít gặp khó khăn hơn bình quân cả nước: Cán bộ kỷ thuật là 63%, thấp hơn 4% so cả nước. Kế toán 23%, thấp hơn cả nước 10% (33%)”.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy chi phí tuyển dụng và đào tạo lao động của DN có xu hướng tăng. Cụ thể, chi phí đào tạo lao động tăng từ 4,5% trên tổng chi phí kinh doanh năm 2016 lên 7,8% năm 2018. Chi phí tuyển dụng tăng từ 4,2% năm 2016 lên 5,9% năm 2018.
Ông Onose Takahisa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, chi hội Đà Nẵng nhận xét: Đà Nẵng có lợi thế ở nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao, làm việc nghiêm túc. Hoạt động hợp tác giữa cơ sở đào tạo các cấp với doanh nghiệp CNTT đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy vậy, thành phố vẫn thiếu nguồn cung kỹ sư CNTT, thiếu văn phòng phù hợp cho các doanh nghiệp CNTT; tốc độ tăng lương cao hơn tốc độ nâng cao kỹ năng.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, để thúc đẩy và phát triển chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ giữa nhà trường với DN, phát triển nguồn nhân lực tại TP Đà Nẵng, cần có những biện pháp cụ thể có tính khả thi cao.
“Về phía TP, với vai trò quản lý Nhà nước, chúng tôi cam kết sẽ thực hiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dự báo nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động… để DN và nhà trường chủ động có kế hoạch định hướng hiệu quả; ban hành các cơ chế chính sách cụ thể và đồng bộ khuyến khích DN tham gia tích cực vào đào tạo nhân lực. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền cũng như phân luồng HS THPT, THCS vào học nghề…”.