Đào tạo Huấn luyện viên khởi nghiệp trong đại học: Cần khung chương trình chuẩn

GD&TĐ - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành xây dựng khung chương trình đào tạo Huấn luyện viên khởi nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Quốc gia.

Các học viên tham gia khóa đào tạo HLV khởi nghiệp tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTTU.
Các học viên tham gia khóa đào tạo HLV khởi nghiệp tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Ảnh: NTTU.

Vai trò quan trọng

Theo TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Quốc gia, huấn luyện viên (HLV) đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) nói riêng.

HLV giúp các startup xác định mục tiêu và tầm nhìn rõ ràng hơn trong chiến lược phát triển; xây dựng chiến lược mới, mang tính khác biệt, phát triển chiến lược kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo.

Bằng các kỹ năng, bộ công cụ có được HLV giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp hiểu được cách tiếp cận, giải quyết các vấn đề theo tư duy sáng tạo.

Theo ước tính, số lượng HLV toàn cầu hiện có khoảng 100.000 người, mức tăng trưởng 6 - 8% về số lượng.

Theo thống kê của một số tổ chức quốc tế, số lượng HLV tăng trưởng theo thời gian như năm 2016 khoảng 53.000 người, năm 2020 khoảng 71.000 người và năm 2024 lên 100.000 người.

Riêng với Châu Á, năm 2022 có khoảng 8.600 HLV, chiếm khoảng 7% số lượng toàn cầu, mức doanh thu với nghề này đạt 248 triệu USD. Theo TS Đàm Quang Thắng, số liệu trên cho thấy dư địa phát triển HLV khu vực Châu Á là khá lớn, là nghề nghiệp có tiềm năng với nhu cầu thị trường toàn cầu.

dam-quang-thang.jpg
TS Đàm Quang Thắng, Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Quốc gia chia sẻ trực tuyến tại khóa đào tạo. Ảnh: Hà An.

Tại Việt Nam, theo một thống kê không chính thức cả nước có khoảng 100.000 HLV ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Tuy nhiên, số liệu từ Liên đoàn huấn luyện quốc tế (ICF) cả nước có khoảng 170 HLV được cấp chứng chỉ. Để trở thành HLV chuyên nghiệp được cấp chứng nhận còn hạn chế.

“Điều này thể hiện Việt Nam chưa có nhiều HLV chuyên nghiệp, phần lớn hoạt động bán thời gian. Chúng ta chưa có hoạt động đào tạo HLV khởi nghiệp một cách bài bản, có chứng nhận chính thức”, TS Thắng nói. Ông mong muốn các trường đại học tham khảo xây dựng mô hình đào tạo HLV phù hợp với mục tiêu phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong nhà trường và quốc gia.

Cần khung chương trình chuẩn

Do chưa có sự chuẩn hóa, chương trình đào tạo bài bản, được công nhận với nghề HLV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề tài nghiên cứu “Nâng cao năng lực chuyên sâu cho đội ngũ tiên phong, dẫn dắt cố vấn, huấn luyện viên chuyên nghiệp, nhà đầu tư thiên thần, giảng viên nguồn ToT”.

Theo TS Hoàng Thịnh Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm sáng tạo và ươm tạo khởi nghiệp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thành viên Ban chủ nhiệm đề tài), HLV được coi là "bệ đỡ" cho các startup ngay giai đoạn đầu tiên, bao gồm định hướng chiến lược, phản biện các sản phẩm và mô hình kinh doanh, hỗ trợ kỹ năng, kết nối hệ sinh thái, đồng hành tạo động lực cho đội ngũ.

Thực tế, các dự án khởi nghiệp cần đội ngũ HLV chuyên nghiệp nhưng hiện thiếu chuẩn năng lực quốc gia cho HLV khởi nghiệp nên cần có bộ tiêu chuẩn, khung tham chiếu về vai trò, kỹ năng, năng lực đầu ra cho HLV.

Tiếp đến theo TS Nhân, các nội dung đào tạo HLV chưa sát với thực tiễn Việt Nam với nhiều chương trình còn mang nặng tính lý thuyết, chưa cập nhật theo mô hình quốc tế. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo HLV khởi nghiệp, sau quá trình học lý thuyết kéo dài 10 ngày, học viên sẽ thực hành theo mô hình 1 kèm 1, tức học viên sẽ huấn luyện cho các nhóm dự án khởi nghiệp của nhà trường.

“Mô hình đào tạo thực chiến giúp nâng cao năng lực, kỹ năng cho HLV khởi nghiệp. Đây là cơ sở chúng tôi công nhận và cấp chứng chỉ uy tín cho học viên cũng như xây dựng bộ tài liệu đào tạo HLV khởi nghiệp có tính nội địa hóa. Chương trình sẽ có đủ điều kiện để học viên có thể hành nghề, coi nghề HLV như là nghề chính thức”, TS Nhân nói.

b1cf0de1b8c0319e68d1.jpg
TS Hoàng Thịnh Nhân chia sẻ về khung chương trình đào tạo HLV khởi nghiệp. Ảnh: Hà An.

Chương trình học được xây dựng dựa trên 4 trụ cột, chia thành các học phần nhỏ kéo dài 40 - 60 giờ kết hợp lý thuyết, thực hành, trải nghiệm thực tế. Theo TS Nhân, Ban chủ nhiệm đề tài mong muốn nhận được phản hồi từ doanh nghiệp khởi nghiệp và các bên liên quan để hoàn thiện bộ tài liệu chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ không chỉ có giá trị trong nước mà còn hướng tới nhiều quốc gia khác để có bộ tài liệu chuẩn.

“Trường đại học cần được coi là hạt nhân của đổi mới sáng tạo và HLV khởi nghiệp cần chuyên biệt hóa, cũng như cần chiến lược quốc gia để phát triển đội ngũ HLV khởi nghiệp. Để làm được việc này cần sự hợp tác đa ngành giữa trường đại học, nhà nước và doanh nghiệp giúp việc đào tạo HLV gắn với khởi nghiệp theo đặc thù của Việt Nam”, TS Nhân nói.

TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (Chủ nhiệm nhiệm vụ) mong muốn nhận được sự tham vấn của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Điều này tạo ra không gian hợp tác, kết nối và đồng hành để cùng nhau xây dựng một khung chương trình đào tạo Huấn luyện viên khởi nghiệp chuyên nghiệp, phù hợp với bối cảnh thực tiễn của Việt Nam, đặc biệt trong môi trường các trường đại học.

Chương trình đào tạo HLV khởi nghiệp tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành gồm 2 khóa, mỗi khóa 30 học viên kéo dài 10 ngày, kéo dài trong tháng 7 và tháng 8/2025. Khóa đào tạo sẽ trang bị cho học viên những năng lực chuyên sâu bao gồm: Tư duy và phương pháp đổi mới sáng tạo; Thiết kế mô hình kinh doanh và sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP); Kỹ năng giảng dạy và huấn luyện thực chiến; Quản trị tài sản trí tuệ và định hướng thị trường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thêm quốc gia muốn gia nhập NATO

Thêm quốc gia muốn gia nhập NATO

GD&TĐ - Áo đã tuyên bố ý định gia nhập NATO, sau khi nước này cảm thấy đây là bước đi cần thiết trong tình cảnh hiện nay.