Đà Nẵng: Làng quê “dậy sóng” vì sốt đất

GD&TĐ - Những ngày này, đài phát thanh xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng liên tục phát đi thông tin về diễn biến thị trường đất đai và cảnh báo người dân cảnh giác trước những đồn thổi của cánh môi giới bất động sản để tránh rơi vào bẫy. Thế nhưng, điều này không làm giảm “độ nóng” của cơn sốt đất kéo dài từ trước Tết Nguyên đán cho đến nay.

“Cò” đất có mặt ở khắp các nẻo đường thôn Nam Sơn. Ảnh: Hà Nguyên
“Cò” đất có mặt ở khắp các nẻo đường thôn Nam Sơn. Ảnh: Hà Nguyên

Bụi tre cũng có giá tiền tỉ

Nhà có hơn 2.000m2 đất, trước Tết khoảng 2 - 3 tháng, không ngày nào là không có người đến hỏi thăm gia đình bà L.T.T ở thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến để đặt vấn đề mua đất. Bà T. kể: “Hồi đầu thì hơi thắc mắc sao lắm người hỏi thế, rồi cứ mỗi ngày họ lại đưa ra một giá khác nhau, mà giá đất của ngày hôm sau cao hơn ngày hôm trước nên càng ngạc nhiên”. Rồi bà T. quyết định bán đất với giá 200 triệu đồng/100m2, “tui cứ nghĩ bán với giá đó là chấp nhận được rồi, vì lâu nay giá đất ở đây cũng chỉ từ 100 - 150 triệu/lô 100m2 thôi”.

Chính bà T. cũng không giấu được sự tiếc nuối khi lô đất cũ của bà được bán lại với giá gấp 4 lần: “Số không giàu được thì đành chịu thôi”. Như đám đất 150m2 của người bà con của bà T. mới bán trước Tết Nguyên đán không lâu với giá 200 triệu đồng, cách đây chưa đầy một tuần, chủ mới đã lại bán sang tay cho người khác với giá 800 triệu đồng.

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng vừa có công văn phản hồi về việc một số thông tin lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây cho rằng, huyện Hòa Vang sẽ được tách thành 2 đơn vị hành chính. Công văn nêu rõ, căn cứ quy định tại Nghị quyết số 1211/UBTVQH13 ngày 23/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, huyện Hòa Vang chưa bảo đảm các điều kiện, tiêu chí để chia tách thành 2 đơn vị hành chính. Vì vậy, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội gần đây về việc TP Đà Nẵng có quận mới được thành lập từ huyện Hòa Vang là không chính xác.

Không khó để có thể cập nhật giá cả đất đai vì chỉ cần ghé vào một quán cà phê bất kỳ ở thôn Nam Sơn những ngày này đều có thể gặp dân môi giới, cò đất. Việc mua bán, chuyển nhượng, sang tên, đặt cọc diễn ra chóng vánh ngay tại các quán nước, chỉ cần người mua “xuống tiền” là được.

Sau khi giới thiệu cho chúng tôi 3 miếng đất được cho là đẹp, đã tách thửa nhưng thấy khách còn ngần ngừ, như để tăng thêm tính thuyết phục, anh Hoàng Tiến - một “cò đất” dẫn chúng tôi đi xem một miếng đất còn nguyên cả bụi tre nằm ngay cuối thôn, xung quanh không có nhà cửa. Anh Tiến kể: “Trước Tết, tôi giới thiệu cho khách mua chỉ có 140 triệu đồng xong rồi gửi lại bán, tuần trước tôi “đẩy” đi với giá gần tỷ. Mình có tiền cứ đầu tư “lướt” sóng là lãi được mấy chục triệu/ngày rồi”.

Không riêng gì thôn Nam Sơn, Lệ Sơn của xã Hòa Tiền, cơn sốt đất tưởng chỉ có ở các khu đô thị mới ở Đà Nẵng như khu vực Hòa Xuân, khu đô thị Phước Lý… giờ đã lan về tất cả các xã của huyện Hòa Vang. Nhiều hộ nông dân, trước cơn sốt đất, đã quyết định đổ đất lấp luôn cả ao, hồ để nhanh chóng bán cho được giá.

Nguy cơ mất đất sản xuất

Ông Ngô Ngọc Trúc - Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến cho biết: “Qua nắm thông tin thì chúng tôi khẳng định là những người môi giới đã tung tin có dự án trên địa bàn, chuẩn bị đền bù giải tỏa, rồi cũng nhóm người này tự đẩy giá lên với nhau, chỉ cần ngồi ở các quán cà phê kháo chuyện với nhau về thông tin đất tăng giá, khan hiếm đất… tạo nên một cơn sốt ảo”.

Theo phân tích của ông Trúc thì chỉ cần có một sổ đất, “cò đất” sẽ đưa đi công chứng chuyển nhượng cho người khác bằng giấy viết tay rồi tiếp tục ra công chứng để chuyển nhượng chứ không sang tên. Chỉ cần “vỡ bong bóng” thì người chuyển nhượng cuối cùng sẽ bị thiệt. Những phân tích của ông Ngô Ngọc Trúc là có căn cứ khi theo như số liệu thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hòa Vang thì có rất ít giao dịch đất đai thực tế tại thời điểm này.

Trước tình hình người dân đổ xô bán đất vườn và cả đất ruộng, UBND huyện Hòa Vang, ngày 1/3, đã ra văn bản về việc chấn chỉnh tình trạng mua bán đất trên địa bàn. Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã giao cho UBND 11 xã thông tin, tuyên truyền cho người dân phải thận trọng trong việc mua bán đất.

“Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất ở, đất sản xuất vì sau này sẽ không còn đất sản xuất, không có đất để cho con cháu làm nhà ở, ảnh hưởng đến tình hình an sinh xã hội, ổn định cuộc sống lâu dài” - Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Phú Hành cảnh báo. Mới đây, trong một hội nghị liên quan đến công tác xóa đói giảm nghèo của TP Đà Nẵng, một vị lãnh đạo đã chia sẻ rằng, trước tình trạng sốt đất ở Đà Nẵng thì những người có nhu cầu đất ở thực sự nhưng có thu nhập thấp thì sẽ không bao giờ mua được và gần như chỉ làm giàu thêm cho một bộ phận dân môi giới, đầu cơ. “Mà đất cứ mua đi bán lại như vậy không phải là đất sống” - vị này cho biết.

Cùng với Đài Truyền hình và Truyền thanh huyện Hòa Vang, hệ thống loa phát thanh của 11 xã của huyện những ngày này đều phát nội dung cảnh báo người dân nên thận trọng khi mua bán đất, khuyến cáo để người dân biết rõ tình hình sốt đất ảo trên địa bàn, trong đó nhấn mạnh việc giới cò đất đang dùng nhiều chiêu trò để “thổi” giá đất trên địa bàn, đẩy giá đất lên cao bất thường để trục lợi. Trong các bản tin phát đi của đài truyền thanh các xã đều khẳng định, khi nào trên địa bàn có triển khai các dự án đầu tư thì sẽ thông tin công khai và công bố quy hoạch để người dân được biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ