Chuyển từ số lượng sang chất lượng
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, toàn thành phố hiện có 943 cơ sở lưu trú với 40.074 phòng, gần 376 đơn vị kinh doanh lữ hành. Đà Nẵng có 85 dự án du lịch đã và đang tiếp tục triển khai với tổng số vốn đầu tư là 7,2 tỉ USD.
Năm 2019, TP đón gần 8,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế ước đạt gần 3,6 triệu người. Hiện có 31 đường bay quốc tế nối với Đà Nẵng với tần suất 48 chuyến/tuần và 9 đường bay nội địa với tần suất 670 chuyến/tuần. Các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng ngày càng đa dạng, hướng tới các dịch vụ chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo như PGS. TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch – Tổng cục Du lịch, “câu chuyện quan trọng của Đà Nẵng hiện nay không phải là bao nhiêu khách mà là làm sao để tăng nguồn thu từ du lịch, người dân cũng được hưởng lợi hơn. Đông khách quá thì sẽ có nhiều vấn đề phát sinh như áp lực về hạ tầng, môi trường.
Du lịch mà cứ chạy theo con số là chết. Đà Nẵng nên phát triển theo sức chứa để phát triển bền vững. Quan trọng nhất là con số chi tiêu trung bình của du khách hàng năm”. Theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng, thời gian lưu trú trung bình của du khách khi đến Đà Nẵng năm 2019 là 2,68 ngày, giảm 0,05 ngày so với năm 2018.
Chi tiêu bình quân một ngày của du khách trong năm 2019 khoảng từ 2,3 - 2,86 triệu đồng/ngày/khách; mức chi tiêu của khách lưu trú nội địa là 1,4 - 1,72 triệu đồng/ngày/khách. Trong khi đó, mức chi tiêu của du khách tại một số quốc gia như Singapore là khoảng 6,3 triệu đồng, Phukhet (Thái Lan) là khoảng 5,26 triệu đồng, Seoul (Hàn Quốc) là khoảng 3,98 triệu đồng, Hà Nội là khoảng 2,5 triệu đồng.
Ở một khía cạnh khác, ông Cao Trí Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nhận xét rằng, Đà Nẵng đang bị mất cân đối lớn về nguồn khách, đồng thời chưa khai thác hết được giá trị văn hóa, thiên nhiên, lịch sử của địa phương để đa dạng hóa các sản phẩm.
Ông Huỳnh Tấn Vinh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, “Đà Nẵng nên kiên quyết với tour giá rẻ. Vì tour giá rẻ chúng ta không có thu nhập gì cả. Họ đến ở tại khách sạn của họ, ăn trong nhà hàng, mua sắm trong khu của họ. Định hướng phát triển sắp tới là nên chuyển từ lượng sang chất”.
Ông Lê Trung Chinh – Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng thẳng thắn thừa nhận một thực tế là du khách đến Đà Nẵng gần như không có chỗ để tiêu tiền. “Ngay ở sân bay Đà Nẵng, khách chỉ ngồi đợi chuyến bay trong khoảng nửa tiếng thôi cũng không biết phải tiêu tiền vào khoản gì. Trong khi đó, sân bay ở nhiều nước lân cận dù có chờ máy bay đến 6 tiếng đồng hồ thì cũng không thiếu các hoạt động để “móc” tiền trong túi khách. Nói thật là Đà Nẵng không biết tặng quà gì mang tính đặc trưng cho khách”.
Mỏ vàng từ kinh tế đêm
PGS.TS Phạm Trung Lương nhận xét rằng, cái thiếu lớn nhất hiện nay của Đà Nẵng là du lịch đêm. “Đà Nẵng có nhiều chợ đêm nhưng chưa có một điểm đến nào thật sự tạo ấn tượng; trong khi đó, các nước trong khu vực coi du lịch ban đêm là mỏ vàng”.
Theo đề xuất của ông Lương thì Đà Nẵng nên điều chỉnh lại quy hoạch, đưa khu du lịch đêm vào quy hoạch chung của thành phố, cách xa các khu vực dân cư và phải có những chính sách riêng đi kèm. “Ví dụ như khu vui chơi giải trí nhạy cảm, cờ bạc thì phải có chính sách đặc thù; có vui chơi thì phải kèm vui chơi mua sắm cho các quý bà”.
Những sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra tại các điểm đến vào ban đêm hiện nay ở Đà Nẵng khó có thể gọi là “kinh tế ban đêm” mà chỉ dừng lại ở mức độ “dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm”.
Lý giải về nguyên nhân, ông Lê Trung Chinh cho rằng: “Đà Nẵng chưa có cụm phát triển du lịch riêng biệt, các dịch vụ giải trí như bar, karaoke, pub còn xen lẫn với nhà dân dẫn đến mâu thuẫn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động phục vụ du khách, giữa vui chơi giải trí và khách lưu trú.
Người dân Đà Nẵng chưa quen các sinh hoạt về đêm nên khó vận động được cộng đồng dân cư cùng chung tay phát triển các dịch vụ phục vụ vui chơi, giải trí đêm”.
Định hướng phát triển du lịch của TP Đà Nẵng đến năm 2030 là sẽ tập trung tăng số lượng khách phân khúc chất lượng cao, có khả năng chi trả cao; đa dạng hóa các thị trường quốc tế, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường.
Cụ thể, theo như bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, sẽ phát triển dịch vụ du lịch về đêm, nghiên cứu xây dựng và ban hành cơ chế thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trong hoạt động du lịch đối với 3 nhóm dịch vụ chính: Ẩm thực, vui chơi giải trí và mua sắm; tiếp tục phát triển và làm mới các sản phẩm du lịch; phát triển du lịch đường thủy bằng cách có cơ chế cho đầu tư bến tàu, cầu tàu, bến du thuyền… Bên cạnh đó, cần thu hút đầu tư tàu thủy lưu trú du lịch tiêu chuẩn 4 - 5 sao với các dịch vụ lưu trú ẩm thực, bar…