Đà Nẵng kì vọng đạt đẳng cấp châu lục

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kỳ vọng sẽ đưa thành phố xứng đáng là đô thị biển quốc tế.

TP Đà Nẵng sẽ là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: Xuân Sơn
TP Đà Nẵng sẽ là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Ảnh: Xuân Sơn

Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 kỳ vọng sẽ đưa thành phố xứng đáng là đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và đạt đẳng cấp khu vực châu Á; trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước và ASEAN…

Khát vọng đẳng cấp châu Á

UBND TP Đà Nẵng vừa công bố quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, Thủ tướng đã xác định mục tiêu quy hoạch Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế là trung tâm du lịch quốc tế gắn với trung tâm tổ chức sự kiện quốc tế; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, CNTT; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực và là thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á.

Còn ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho hay, xác định tầm quan trọng của quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho thành phố, vì vậy Đà Nẵng xây dựng dự kiến các nội dung triển khai thực hiện Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong đó, thực hiện hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch sẽ tập trung vào việc rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với quy hoạch thành phố...

“Hoàn thiện cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng; phát huy nguồn lực đất đai, quản lý phát triển đô thị và nông thôn thông qua việc xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất thành phố giai đoạn 2021 - 2025, giai đoạn 2026 – 2030, nâng cao chất lượng lập, quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý quy hoạch kiến trúc đi vào chiều sâu, hướng tới xây dựng các đô thị xanh, thành phố thông minh”, ông Nam thông tin.

Về nguồn lực để thực hiện quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, sẽ huy động vốn đầu tư phát triển dự kiến giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 800 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn FDI khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư...

Ngoài ra, Đà Nẵng còn xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư trên các lĩnh vực về hạ tầng; thương mại, dịch vụ; công nghiệp, nông, lâm nghiệp, thủy sản; cấp nước, thoát nước, môi trường, khoa học công nghệ, GD-ĐT, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội.

Mục tiêu là trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước và ASEAN

Đặc biệt, theo quy hoạch này, về phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực GD-ĐT, trong đó sẽ phát triển Đà Nẵng trở thành trung tâm GD&ĐT chất lượng cao của cả nước và của khu vực ASEAN.

Mở rộng mạng lưới, quy mô GD-ĐT theo hướng đa dạng hóa loại hình, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Xây dựng mô hình trường đạt chuẩn theo hướng hiện đại hóa, chuẩn hóa của các cấp học, ngành học. Phối hợp có hiệu quả giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.

Về phương án phát triển các khu chức năng, trong đó các khu nghiên cứu đào tạo định hướng tổ chức sắp xếp không gian phát triển ngành Giáo dục đảm bảo mục tiêu cơ bản là ở đâu có dân cư, ở đó có trẻ em và phải có trường học, đáp ứng cho 100% trẻ em ở độ tuổi đến trường với bán kính phục vụ phù hợp với quy định.

Đối với các khu đô thị hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất kết hợp mở rộng diện tích đất cho giáo dục. Đối với khu vực phát triển mới, phân bố cơ sở giáo dục đảm bảo bán kính phù hợp cho từng cấp học theo quy định và đáp ứng nhu cầu phát triển quy mô dân số đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam Đà Nẵng tạo thành khu đô thị đại học mới tại quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) trở thành một trong 3 trung tâm đào tạo đại học trọng điểm quốc gia, ngang tầm khu vực và quốc tế.

Hình thành các cơ sở đào tạo, dạy nghề, viện nghiên cứu chuyên ngành cho phân khu công nghệ cao Đà Nẵng để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động chuyên dụng phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, du lịch, cảng biển, logistics, dịch vụ chất lượng cao như: Công nghệ vi điện tử, công nghệ nano, bán dẫn, vi mạch, ứng dụng FPGA, trí tuệ nhân tạo, tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục… đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của vùng.

Trường học ở Đà Nẵng được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Hoàng Vinh

Trường học ở Đà Nẵng được đầu tư khang trang, hiện đại. Ảnh: Hoàng Vinh

Ngoài ra, trong phương án phát triển hạ tầng giáo dục và đào tạo, tiếp tục mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô GD-ĐT theo hướng đa dạng hóa loại hình, đảm bảo định mức cháu/nhóm, học sinh/lớp theo quy định, đảm bảo 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục trung học phổ thông có chất lượng, đến năm 2030, mỗi quận, huyện có 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật cho 3 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp. Kêu gọi đầu tư thành lập các trường quốc tế, trường liên cấp quốc tế…

Phát biểu tại lễ công bố quy hoạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để thành phố tiếp tục tạo kỳ tích lần thứ hai về phát triển kinh tế - xã hội.

Thành phố phải khẩn trương xây dựng lộ trình triển khai và xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch... Công bố công khai, rộng rãi các quy hoạch, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội.

Đặc biệt, tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, coi đây là động lực đột phá.

“Phát triển mạnh hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, gắn kết giữa trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu và nhấn mạnh.

Phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia

Theo quy hoạch, sẽ mở rộng các trường đại học, cao đẳng, trung tâm nghiên cứu đào tạo hiện có, tập trung ở phía Nam thành phố, đặc biệt là Làng Đại học Đà Nẵng để tạo thành Khu đô thị Đại học mới. Phát triển Đại học Đà Nẵng thành Đại học Quốc gia, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực ngang tầm khu vực.

Bên cạnh đó, hình thành mới một số cơ sở đào tạo dạy nghề, viện, trung tâm nghiên cứu chuyên ngành tại phân khu công nghệ cao. Đến năm 2030, xây dựng 7 trường cao đẳng đào tạo nghề chất lượng cao, trong đó có 4 trường cao đẳng có một số nghề đạt cấp độ khu vực và quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nghỉ hè là khoảng thời gian để học sinh thư giãn, tham gia chương trình vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu… Ảnh: ITN

Nở rộ dịch vụ bán trú hè

GD&TĐ - Trong khi ngành GD-ĐT đang nỗ lực giảm tải, trả lại cho học sinh kỳ nghỉ hè đúng nghĩa trọn vẹn 3 tháng thì nhiều phụ huynh xem kỳ nghỉ hè là học kỳ 3.