“Yết hầu” của Kinh đô Huế
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, di tích Hải Vân quan được xây dựng vào năm 1826, là một đồn lũy quân sự trấn thủ tại đỉnh đèo Hải Vân ngay ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng ngày nay, xưa là ranh giới giữa phủ Thừa Thiên và Quảng Nam.
Hải Vân quan được xây dựng ở một vị trí hết sức đắc địa, vừa hiểm trở cheo leo, là nơi xung yếu nhất được mệnh danh là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Thành lũy này án ngữ trên con đường Thiên lý độc đạo lưu thông từ Kinh đô Huế đến xứ Quảng Nam và ngược lại.
Với độ cao gần 500m so với mặt biển, từ đây có thể quan sát rất rộng về các phía, đặc biệt là toàn bộ vịnh Đà Nẵng. Vì vậy, đây là căn cứ quân sự vững chắc có thể kiểm soát toàn bộ sự lưu thông giữa hai xứ. Hải Vân quan cũng được coi là một thành lũy quân sự có thể chống cự số lượng địch quân gấp nhiều lần.
Hải Vân quan được xây dựng với lối kiến trúc chính vòng tường thành dài khoảng 130m vây quanh con đường Thiên lý độc đạo. Cộng với những bức tường thành kiên cố chắn ngang đến vách núi, một cổng lớn chắn trên đường Thiên lý phía Nam có biển ngạch đề 3 chữ Hán đại tự “Hải Vân Quan”.
Một cổng lớn chắn trên đường Thiên lý phía Bắc có biển ngạch đá Thanh khắc các chữ Hán đại tự “Thiên Hạ Đệ Nhất Hùng Quan”, một cổng phụ ra vào cho binh lính cùng nhà Trú Sở là nơi cư trú và Võ Khố là nhà kho...
Theo mô tả, vào thời điểm những năm 1876 về sau ghi nhận tại đây có 50 lính canh phòng, đến năm 1885 số lính chỉ còn khoảng 5 người và sang đầu thế kỷ 20 thì hầu như đã bị bỏ ngỏ, không còn ai canh gác.
Cho đến khi một đoạn tường thành bị phá vỡ để mở ra con đường mới không thông qua đồn lũy Hải Vân thì quan ải này đã mất dần vai trò kiểm soát và phòng thủ độc đạo, chỉ còn là một cứ điểm quan sát tầm cao.
Trong giai đoạn 1945 - 1975, nhiều hạng mục công trình quân sự được xây dựng thêm ở đây như một số vọng gác, lô cốt hòng trấn giữ con đường huyết mạch này... Đặc biệt là trên đỉnh của 2 cổng Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan còn xây thêm những hệ thống pháo đài công sự để quan sát và đặt súng ống.
Ngày nay, nhiều công trình là dấu tích của các cuộc chiến tranh như lô cốt, tường bao, hào công sự… vẫn còn hiện diện là những đơn nguyên kiến trúc cần xem xét khi tiến hành công tác tu bổ.
Ngày 14/4/2007 Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch có Quyết định 1531 công nhận Hải Vân quan là Di tích cấp quốc gia, một bước tạo đà cho việc khôi phục hiện trạng Hải Vân quan chính thức bắt đầu. 10 ngày sau đó, cuộc làm việc đầu tiên cùng những cái “bắt tay lịch sử” của lãnh đạo ngành hai bên bàn việc tôn tạo di tích ngay trên đỉnh đèo Hải Vân đã được diễn ra.
Dự án cũng sẽ phục hồi nhiều hạng mục di tích như tường thành nhà Nguyễn bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ học, dấu vết trên tường hông Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan. Phục hồi các chòi quan sát, nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu.
Tình đoàn kết của Đà Nẵng và Huế
Theo thỏa thuận giữa 2 tỉnh và thành phố, Dự án Bảo tồn tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan có diện tích sử dụng đất khoảng 6.500m2 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng.
Kinh phí thực hiện trùng tu di tích này được trích từ ngân sách TP Đà Nẵng 50%, ngân sách tỉnh Thừa Thiên - Huế 50% trên tổng mức đầu tư. Và thời gian thực hiện việc trùng tu này kéo dài trong 2 năm.
Theo phương án xây dựng, dự án sẽ tháo dỡ toàn bộ các lô cốt phía trên Hải Vân quan và Thiên hạ đệ nhất hùng quan đến nền gốc tích thời Nguyễn. Đồng thời tu bổ Hải Vân quan, Thiên hạ đệ nhất hùng quan theo các dấu tích nguyên gốc. Phục hồi, thay thế nền cổng lát đá Thanh, hệ thống cối, cổng đá Thanh, tường xây gạch vồ. Gia cố, chống nứt, chống thấm cho các khối xây…
Ngày 19/12/2021, TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa chính thức khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan.
Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế - nhấn mạnh, Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân quan là sản phẩm của tình đoàn kết giữa 2 địa phương trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản của ông cha để lại.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng quyết tâm triển khai công tác trùng tu dự án một cách chuẩn mực với chất lượng cao nhất. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng, trong thời gian tới, Hải Vân quan sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn, là niềm tự hào của người dân hai xứ Thuận - Quảng xưa hay Huế - Đà Nẵng ngày nay.
“Thực hiện dự án này, tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng tạo lập hình mẫu tiêu biểu về phối hợp trong công tác khôi phục, bảo tồn di sản. Bắt đầu từ việc sưu tập dữ liệu, nghiên cứu khoa học, khảo cổ... với công nghệ tiên tiến, xây dựng “ngân hàng dữ liệu số” về Hải Vân quan đầy đủ, chính xác và chuẩn mực. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản, mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách tham quan trong thời gian trùng tu”, ông Trung chia sẻ.
NSND Huỳnh Văn Hùng – nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP Đà Nẵng, người đã có rất nhiều đóng góp để 2 địa phương có được một “tiếng nói chung” trong việc bảo tồn di tích Hải Vân quan - cho hay, việc trùng tu di tích cho thấy đoàn kết, gắn bó giữa 2 địa phương Huế và Đà Nẵng trong việc quản lý và phát triển di sản chung.
“Vì nhiều lý do, di tích Hải Vân quan thời gian dài có nguy cơ trở thành phế tích trong nỗi xót xa của những người làm công tác văn hóa. Những năm qua, lãnh đạo hai địa phương, nhất là ngành văn hóa đã thể hiện trách nhiệm với tiền nhân, với lịch sử cùng nhau làm hồ sơ để xin xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đồng thời, tiến hành khảo cổ tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia để chuẩn bị chu đáo cho dự án”, ông Hùng chia sẻ.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, trở thành điểm đến lý tưởng, hấp dẫn và dần trở thành địa chỉ đỏ trên con đường di sản văn hóa miền Trung”.