Đà Nẵng: Dồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới

GD&TĐ - Chuẩn bị cho năm học 2014 - 2015, Đà Nẵng đã đầu tư 236 tỉ đồng cho việc xây dựng trường lớp, đầu tư trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tăng 57% so với năm 2013. 

Đà Nẵng: Dồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho năm học mới

Thành phố cũng đang nỗ lực để đầu tư xây mới hoặc mở rộng, nâng cấp các trường học để đến năm 2016, 100% học sinh Tiểu học phải được học 2 buổi/ngày, đảm bảo công bằng trong hưởng thụ giáo dục. 

Về lâu dài, Đà Nẵng cũng đã tính đến các giải pháp nhằm rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các trường để hạn chế tình trạng học sinh học trái tuyến, vì nói như ông Nguyễn Xuân Anh – Phó Bí thư Thành ủy, thì “việc quy định tuyển sinh theo hộ khẩu chỉ là giải pháp tạm thời, chính quyền địa phương không thể năm nào cũng kiểm tra, rà soát chuyện này được”.

“Nóng” chuyện trường lớp và kinh phí duy trì bể bơi

Tại buổi làm việc của Thành ủy và UBND Đà Nẵng với Sở GD&ĐT Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho năm học mới, ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: Để có thể “thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố phấn đấu năm học 2015 – 2016 có 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Năm học 2016 - 2017 tất cả học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đều biết bơi, đề nghị UBND thành phố quan tâm đến việc bố trí kinh phí để triển khai việc xây dựng phòng học, bể bơi nhằm thực hiện các chỉ tiêu nói trên”. 

Theo tính toán của ngành GD&ĐT, chỉ riêng ngân sách để đầu tư xây dựng, mở rộng trường lớp đã là 73 tỉ đồng.

Một số địa phương của Đà Nẵng như quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà… đều rơi vào tình trạng thiếu phòng học. 

Ông Nguyễn Đắc Xứng – Phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà - nêu tình trạng, cơ sở 2 của trường THCS Lý Tự Trọng đã xây dựng xong 15 phòng học từ 3 năm nay nhưng không thể tách trường được, hiện chỉ có thể dùng để học ngoại khóa hoặc dạy bồi dưỡng HS giỏi, HS yếu kém trong khi trường rơi vào tình trạng quá tải mấy năm nay.

 Giải thích về tình trạng này, ông Xứng cho biết, do khi xây dựng, cơ sở 2 chỉ được đầu tư xây dựng phòng học mà không có khu hiệu bộ, không có phòng chức năng nên không thể tách trường được, rất lãng phí.

Liên Chiểu đứng đầu danh sách thiếu trầm trọng phòng học ở bậc Tiểu học với 91 phòng học do tăng dân số cơ học, di dân giải tỏa, tái định cư. Trong số này, có 44 phòng học đã được thành phố ghi vốn đầu tư. 

Riêng đại diện UBND quận Thanh Khê kiến nghị thành phố sớm triển khai việc xây dựng Trường Tiểu học An Khê để tránh việc quá tải học sinh cho các trường tiểu học lân cận như tiểu học Bế Văn Đàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quang Sung. Hiện các trường Tiểu học này, số học sinh/lớp học đã vượt xa so với chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. 

Ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng - cho biết: Các địa phương cần sớm hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cho những công trình trường học để kịp ghi vốn đầu tư trong năm 2015, để đến năm 2016, phải đủ chỗ cho 100% HS tiểu học học 2 buổi/ngày như nghị quyết của HĐND thành phố. 

Ông Thơ cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng có liên quan phải tính đến việc xây dựng, khai thác công trình như thế nào chứ không phải là làm công trình cho có, rất lãng phí, như trường hợp của trường THCS Lý Tự Trọng. 

Ông Thơ cũng nêu một trường hợp khác ở trường THCS Trần Đại Nghĩa (quận Ngũ Hành Sơn). Mặc dù được đầu tư xây dựng xong 4 phòng bộ môn nhưng “bên trong trống trơn, không có một trang thiết bị nào cả. Nếu chưa đủ tiền thì đừng có làm, vì làm xong cái vỏ rồi bỏ đó thì cũng như không”.

Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, cần sớm bổ sung kinh phí để ngành GD&ĐT tiến hành duy tu, bảo dưỡng 11 bể bơi hiện có tại một số trường học trên địa bàn. 

Lâu nay trong kinh phí sự nghiệp không có khoản này, nên trong kinh phí năm 2015 cần phải được bổ sung. Theo ông Huỳnh Đức Thơ, sau xây dựng trường lớp, thì việc duy trì bể bơi là “cần thiết phải làm, là ưu tiên số một”. 

Phía ngành GD&ĐT phải thiết lập được mạng lưới bể bơi phù hợp để khai thác hết công năng, tiết kiệm được chi phí vận hành, và “không nhất thiết trường nào cũng có bể bơi, có thể xây dựng theo cụm trường”. 

Ông Thơ cũng cho rằng, có thể kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và khai thác bể bơi theo hướng Nhà nước tạo cơ chế, hỗ trợ một số kinh phí nhất định để vận hành.

Điều hòa chất lượng giáo dục

Ông Nguyễn Xuân Anh cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cũng như sự tuyên truyền sâu rộng thông qua các cơ quan báo đài từ trung ương đến địa phương, năm học này, Đà Nẵng đã làm được một việc mà “tưởng chừng như không bao giờ làm được”, đó là nói không với trái tuyến, chạy hộ khẩu trong tuyển sinh đầu cấp.

“Nhờ quận Hải Châu siết chặt trái tuyến mà tuyển sinh đầu cấp năm nay, quận Thanh Khê tăng thêm đến 700 học sinh” - Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết. 

Ông Chiến cũng kiến nghị, về lâu dài, cần duy trì việc tuyển sinh đầu cấp theo tuyến, sẽ tránh được tình trạng lãng phí trong đầu tư CSVC vì có những trường học không tuyển sinh đủ với quy mô đầu tư xây dựng.

Ông Vũ Hùng - Trưởng ban Văn hóa Xã hội, Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng - nhận xét: Việc quyết liệt siết chặt tuyển sinh trái tuyến năm nay là “một chuyển biến lịch sử” của ngành Giáo dục Đà Nẵng. 

Ông Hùng cũng cho rằng, Đà Nẵng cần tiêu chuẩn hóa việc tuyển sinh đầu cấp bởi siết chặt trái tuyển sẽ điều tiết được HS, GV, chất lượng giáo dục vì thế cũng sẽ dàn đều ra. 

Thế nhưng, ông Nguyễn Xuân Anh nêu quan điểm: “Việc rà soát lại các thủ tục tuyển sinh là cần thiết nhưng đây không phải là biện pháp lâu dài. 

Về lâu dài, ngành Giáo dục phải giải quyết được vấn đề chất lượng giáo dục, phải rút ngắn thậm chí là xóa đi sự chênh lệch giáo dục giữa các địa phương, giữa các trường thì mới thay đổi được nhận thức của người dân trong quan niệm trường điểm”.

Ông Anh cũng nhấn mạnh: Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần sớm tham mưu cho UBND thành phố về ban hành kế hoạch hành động trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29. 

Theo ông Anh, đây là nghị quyết thay đổi toàn bộ diện mạo của nền giáo dục, thế nên, ngành Giáo dục Đà Nẵng phải chuẩn bị tâm thế cho một loạt thay đổi, từ cách dạy, cách đánh giá, tuyển sinh, thi cử…, phải bám sát chủ trương và có những điều chỉnh phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.