Sạt lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, áp thấp nhiệt đới, trùng với thời kỳ hoạt động mạnh của gió mùa Đông Bắc ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Đà Nẵng.
Nguyên nhân gây sạt lở bờ biển
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đà Nẵng đã thông tin về tình hình sạt lở bờ biển dọc tuyến đường Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp- Trường Sa.
Theo đó, đoạn bờ biển này được cấu thành bởi thành phần là cát bở rời. Qua theo dõi, Sở TN&MT Đà Nẵng ghi nhận có 6 khu vực bị sạt lở, gồm: khu vực bãi biển đối diện ngã ba tuyến đường Hồ Thấu - Võ Nguyên Giáp; phía sau dãy nhà hàng Phước Mỹ 2 và Mỹ Hạnh; đoạn từ ngã ba tuyến đường Võ Văn Kiệt - Võ Nguyên Giáp đến trước khách sạn Grand Tourance; từ bãi tắm số 9 đến trước khách sạn Mường Thanh; bãi biển đối diện ngã ba tuyến đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm; bãi tắm Sơn Thủy. Hiện tượng này cũng đã xuất hiện trong các năm 2017, 2018 và tiếp tục trong thời gian từ cuối tháng 12/2020 đến đầu tháng 1/2021.
Đến thời điểm này, bờ biển Đà Nẵng tuy có hiện tượng sạt lở nhưng vẫn tương đối ổn định. Tại các khu vực sạt lở, nước biển có xu hướng xói sâu vào bờ, hình thành các vũng xoáy, ăn sâu vào bãi cát, các vũng xoáy này thường xuyên dịch chuyển theo thời gian.
Đại diện chi cục Biển và Hải đảo TP Đà Nẵng thông tin hiện tượng xâm thực nặng diễn ra vào những năm miền Trung đón bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc, tuy nhiên đến mùa hè thì biển lại mang cát vào trả lại cho bờ. Đơn vị cho rằng qua quá trình theo dõi có thể thấy hiện tượng sạt lở bờ ở Đà Nẵng vì thế vẫn trong tầm kiểm soát. Hiện chi cục đang theo dõi, ghi nhận số liệu 34 đoạn bờ có khả năng sạt lở để phục vụ nghiên cứu chuyên sâu và đánh giá hiện tượng.
Ông Võ Nguyên Chương - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, qua nghiên cứu trong những năm qua, sạt lở này là hiện tượng tự nhiên, theo chu kỳ và trong khả năng kiểm soát. Trước mắt, Sở TN&MT TP Đà Nẵng tiếp tục thực hiện công việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên, cập nhật số liệu về hiện tượng để gửi báo cáo UBND thành phố có các biện pháp xử lý phù hợp cho từng thời gian cụ thể.
Lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, xói lở bờ biển tại khu vực bờ biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa thường xuất hiện vào những ngày có thời tiết cực đoan như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh hoạt động mạnh gây sóng to, gió mạnh và nước dâng trong bão, gió mùa đông bắc. Đến mùa khô, bãi biển được bồi trở lại, đến khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 hàng năm thì bãi biển đạt chiều rộng lớn nhất.
Những năm gần đây, mức độ tác động của xói lở bờ biển khu vực Miền Trung có xu hướng tăng lên và phức tạp hơn cùng với xu thế gia tăng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, gây ảnh hưởng đến hình thái bãi biển, hư hại nhỏ cho một số công trình tại khu vực ven biển.
“Từ những khảo sát thực tế trong thời gian qua tích hợp với nghiên cứu của Chi cục Biển và hải đảo, chúng tôi nhận thấy năm nào gió mùa Đông Bắc càng nhiều, càng kéo dài thì hiện tượng xói lở càng mạnh. Năm nay hiện tượng này xảy ra trùng với khoảng thời gian có 3 đợt không khí lạnh kéo dài. Tất nhiên các Bộ, ngành trung ương cũng như thành phố đang tiến hành nghiên cứu chuyên sâu để đưa ra kết luận khoa học, phục vụ cho các phương án khắc phục bền vững. Đây mới là kết quả của một khảo sát của Sở” - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng thông tin thêm.
Bờ biển Hội An và Đà Nẵng bị xói lở ngày càng nghiêm trọng, ngoài các yếu tố về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan còn có nguyên nhân do con người gây ra hiện tượng mất cân bằng bùn cát. Thông thường lũ lụt mang theo phù sa, cát từ thượng nguồn về đổ ra các cửa biển, bồi đắp cho bãi biển.
Cần có biện pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng
Vấn đề bảo vệ bờ biển Đà Nẵng đã từng được đặt ra từ nhiều năm trước nhưng đến nay thành phố này vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Các chuyên gia khuyến cáo, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần sớm có giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng nếu không muốn rơi vào tình trạng mất bãi biển, khó cứu vãn như biển Cửa Đại, Hội An hiện nay.
Trước tình trạng nhiều khu vực bờ biển Đà Nẵng bị sạt lở, sụt lún do thời tiết cực đoan, các cơ quan chức năng thành phố đã và đang tiến hành các biện pháp khắc phục. Trong khi đó, các chuyên gia đưa ra các khuyến nghị mang tính giải pháp lâu dài để bảo vệ bờ biển Đà Nẵng. Cụ thể, thành phố cần xúc tiến, đẩy nhanh việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, trong đó, cần chú trọng mở rộng dải hành lang bảo vệ bờ biển. Các chuyên gia khuyến nghị các khu vực sạt lở do dòng chảy ven bờ chiếm ưu thế và vùng bãi biển bị xâm thực, khu vực du lịch và khu vực cần tạo bãi cát, phục hồi đường bờ, có thể lựa chọn xây dựng kè mỏ hàn để bảo vệ bờ biển.
Ông Võ Nguyên Chương cho biết, trước mắt Sở TN&MT tiếp tục thực hiện việc kiểm tra, theo dõi thường xuyên, cập nhật số liệu về hiện tượng xâm thực bờ biển để kịp thời báo cáo UBND thành phố có các biện pháp xử lý thích hợp cho từng thời điểm cụ thể. Sở cũng đang hoàn chỉnh hồ sơ thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thành phố Đà Nẵng, trong đó, bao gồm việc tính toán, xác định khoảng cách xói lở bờ biển theo từng giai đoạn ngắn hạn, dài hạn, và khoảng cách thích ứng với nước biển dâng, từ đó xác định độ rộng của hành lang bảo vệ bờ biển.
Do vậy, việc tuân thủ lập hành lang bảo vệ bờ biển với một khoảng cách được xác định khoa học sẽ giúp giảm thiểu và thích ứng với các tác động của sạt lở lở, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế thiệt hại đến tài sản và cơ sở hạ tầng tại vùng bờ thành phố, đảm bảo hài hòa giữ phát triển kinh tế và phòng chống thiên tai.
Tại các khu vực bị sạt lở, hiện Sở và các đơn vị liên quan như chính quyền 2 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch tuyên truyền, khuyến cáo cho các hộ kinh doanh trên bãi biển chỉ thực hiện các công trình, cơ sở vật chất có tính cơ động để dễ dàng di chuyển nhằm hạn chế thiệt hại khi có hiện tượng xói lở bờ biển xảy ra. Cùng với đó là cắm biển khuyến cáo người dân, du khách không tắm biển tại các khu vực bị xói lở để đảm bảo an toàn vì tại các khu vực này thường xuyên xuất hiện các dòng chảy chảy rút xa bờ.
"Về lâu dài, Sở TNMT đã đề xuất UBND TP. Đà Nẵng nhận định cần đánh giá tổng thể, đảm bảo cơ sở khoa học, đặc biệt chú trọng đến biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan xuất hiện trong thời gian gần đây, nhất là các yếu tố tác động khác trong mối quan hệ vùng, khu vực có nguy cơ gây sạt lở nghiêm trọng để có giải pháp nhằm chủ động giảm thiểu tiêu cực từ hiện tượng sạt lở nêu trên", ông Võ Nguyên Chương nói.
------
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021