Từ đầu tháng 4/2021 cho đến nay, có những thời điểm, độ nhiễm mặn tại cửa thu của nhà máy nước Cầu Đỏ bằng 1/3 độ mặn của nước biển.
Nước nhiễm mặn và thiếu cục bộ
Anh Nguyễn Nam Thắng (trú đường Chúc Động, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) phản ảnh: “Không những nước bị nhiễm mặn mà ngày nào, vào cuối giờ chiều là nước không chảy lấy một giọt. Chỉ đêm khuya thì mới bắt đầu có nước trở lại”.
Những hộ dân nằm cuối nguồn các tuyến ống của quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, nếu dùng trực tiếp từ vòi thì nước chảy rất yếu. Thậm chí, vào những giờ cao điểm như buổi tối và đầu giờ sáng còn không có nước để sử dụng.
Chị Phan Thị Sen (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) nói: “Cứ chiều tối là cả nhà không có nước để nấu ăn, tắm rửa giặt giũ. Những nhà xung quanh dùng bơm trợ lực nữa là không hứng được một giọt nào.
Mới đầu mùa hè, khách du lịch chưa nhiều, các khách sạn chưa hoạt động hết công suất mà đã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”.
Bà Huỳnh Thị Cà (phường Nại Hiên Đông) cho biết, do nhà không có bồn dự trữ nên sáng nào bà cũng phải hứng nước dự trữ. Nhưng nước chảy yếu nên hứng nước cũng chỉ đủ dùng đến tối là hết”.
Trên diễn đàn đô thị Đà Nẵng, rất nhiều ý kiến phản ảnh nước sinh hoạt thiếu, yếu và có vị mặn. Qua theo dõi, độ mặn nguồn nước thô tại cửa thu nhà máy nước Cầu Đỏ hơn 10 ngày qua có lúc vượt ngưỡng 1.000mg/l.
Đỉnh điểm như ngày 9/4, độ mặn là 9.328mg/l – bằng 1/3 độ mặn của nước biển. Ngày 6/4, có lúc đã vượt mức 5.000mg/l, ngày 10/4 là 8.000mg/l. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc đảm bảo nước sinh hoạt cho thành phố.
Giải thích nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ông Hồ Hương – Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, từ cuối tháng 3, nước từ thượng nguồn chưa về đến Cầu Đỏ mà chỉ về đến trạm An Trạch với mực nước rất thấp. Do đó, công ty đã vận hành trạm bơm phòng mặn An Trạch để cấp nước cho thành phố.
Công suất của trạm An Trạch đã được cải tạo trước Tết Nguyên đán nên vẫn đảm bảo cung cấp 280.000 - 290.000m2/ngày đêm. Do vậy, chỉ một số khu vực cuối tuyến thì nước mới bị yếu.
Dawaco đang trình phương án xây đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ. Giải pháp này đã từng được Đà Nẵng thực hiện vào năm 2020 để không phải quá phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng lưu.
Chưa có giải pháp triệt để
Trước đó, từ giữa tháng 3/2021, Bộ Tài Nguyên & Môi trường đã có công văn gửi UBND TP Đà Nẵng lần thứ 2, đốc thúc việc khẩn trương nâng cấp, lắp đặt bổ sung đường ống dẫn nước từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ.
Giải pháp này sẽ đảm bảo cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng kể cả trường hợp Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nhiều ngày không thể khai thác.
Tuy nhiên, hiện việc nâng cấp, lắp đặt bổ sung đường ống chưa được triển khai thi công. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì nguy cơ thiếu nước cấp cho TP Đà Nẵng là rất lớn. Nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân TP.
Theo phân tích của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng thì mực nước tại đập dâng An Trạch hạ thấp trong một số thời điểm có nguyên nhân từ việc đập tạm tại sông Quảng Huế (Đại Lộc, Quảng Nam) bị sạt lở trong mùa mưa lũ cuối năm 2020.
Điều này dẫn đến tỉ lệ phân lưu nước về sông Vu Gia ít hơn lưu lượng nước chảy về sông Thu Bồn. Việc vận hành các hồ thủy điện đang gặp một số khó khăn do thừa điện mặt trời và ảnh hưởng của Covid – 19 làm cho nhu cầu tiêu thụ điện bị chia sẻ.
Mới đây, ngày 6/4, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã có công văn yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 phối hợp vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để đảm bảo cung cấp nước an toàn cho TP Đà Nẵng.
Cục này cũng yêu cầu các đơn vị này phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, độ mặn tại cửa lấy nước của Nhà máy nước Cầu Đỏ và mực nước sông Yên tại Trạm bơm phòng mặn An Trạch để vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia bảo đảm cấp nước an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của Đà Nẵng.