Đà Nẵng: Cán bộ thời 4.0

GD&TĐ - Tại Kỳ họp thứ 8 (bất thường) của HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016 – 2021), các đại biểu đã bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, trực thuộc HĐND TP đối với ông Lê Văn Quang. Đây là cán bộ đầu tiên của Đà Nẵng được cho nghỉ việc trước tuổi (không phải nghỉ hưu) và nhận chính sách hỗ trợ của TP.

Việc động viên cán bộ lớn tuổi thôi việc sẽ góp phần làm trống biên chế, có vị trí cho cán bộ trẻ có năng lực
Việc động viên cán bộ lớn tuổi thôi việc sẽ góp phần làm trống biên chế, có vị trí cho cán bộ trẻ có năng lực

Khuyến khích thôi việc tự nguyện

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 (ngày 12/7), HĐND TP Đà Nẵng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về “chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, lãnh đạo tự nguyện nghỉ công tác để bố trí cán bộ trẻ”.

Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ chủ chốt (cấp trưởng, cấp phó) Thành ủy, HĐND, UBND TP Đà Nẵng; cấp trưởng, cấp phó các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý; Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,5 trở lên so với mức lương cơ sở; Trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp quận, huyện, đang hưởng phụ cấp chức vụ hệ số 0,3 trở lên so với mức lương cơ sở.

Các cán bộ đủ điều kiện áp dụng có tuổi đời trên 55 đối với nam hoặc trên 50 đối với nữ bảo đảm một trong hai điều kiện: Đang giữ chức vụ mà cán bộ trẻ (được tiến cử theo quy định tại Quyết định số 6575-QĐ/TU ngày 11/2/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc ban hành Đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt thành phố đến năm 2025 và những năm tiếp theo) được quy hoạch và dự kiến bổ nhiệm, có nguyện vọng thôi việc, được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền đồng ý cho thôi việc.

Đồng thời, có nguyện vọng thôi việc, được cơ quan quản lý và cấp có thẩm quyền đồng ý cho thôi việc và dự kiến được nhân sự thay thế để thực hiện công tác sắp xếp, bố trí cán bộ.

Theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, cán bộ xin thôi việc ngoài được hưởng chế độ chung theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ còn được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ theo chức danh đang giữ. Trong đó mức hỗ trợ cao nhất là 200 triệu đồng đối với cán bộ là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy và các chức danh khác có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,05 trở lên. Mức hỗ trợ thấp nhất là 100 triệu đồng đối với Trưởng phòng và tương đương công tác tại các cơ quan, đơn vị thuộc khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội cấp thành phố, quận, huyện có hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,3.

Như trường hợp của ông Lê Văn Quang (nhận hỗ trợ 160 triệu đồng), theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, nếu đúng như hồ sơ cán bộ, phải một năm nữa thì mới đến tuổi nghỉ hưu. Ông Quang cho biết, mình sẽ tự đóng bảo hiểm xã hội thêm một năm nữa. Trong một năm đó, ông sẽ nhận lương theo bậc nhưng không có hệ số phụ cấp.

Tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ

Đây không phải là lần đầu tiên Đà Nẵng có chính sách riêng về hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, nghị quyết lần này thu hẹp vào nhóm lãnh đạo, quản lý và không phải tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi mà là tự nguyện thôi việc trước tuổi.

Theo nhận xét của ông Bùi Văn Tiếng - nguyên Trưởng ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, việc “thu hẹp đối tượng vào nhóm lãnh đạo, quản lý là nhằm “tìm ghế” cho số cán bộ trẻ đã được quy hoạch chức danh tương thích. Các điều kiện cụ thể cũng đã được tính toán kỹ để tránh tình trạng chính sách càng hấp dẫn thì người tự nguyện “nhường ghế” lại là những người cần tại vị để tiếp tục bồi dưỡng dìu dắt lớp cán bộ trẻ cho đến lúc nghỉ hưu theo chế độ hiện hành”.

Tuy nhiên, ông Tiếng cho rằng, chính sách này chưa chưa tính đến tiến độ thăng tiến trong công vụ của cán bộ trẻ sẽ phụ thuộc vào sự may mắn. “Có thể được đánh giá cao hơn về phẩm chất và năng lực nhưng cán bộ trẻ được quy hoạch vào chức danh không có người tự nguyện “nhường ghế” sẽ thiếu may mắn so với người may mắn được quy hoạch vào chức danh có người tự nguyện “nhường ghế”, ông Tiếng phân tích.

Ông Võ Ngọc Đồng – Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, qua rà soát, Đà Nẵng hiện có khoảng 300 cán bộ đủ điều kiện để thực hiện chính sách này, trong đó khối Đảng có 69 người, khối chính quyền có 178 người và khối đơn vị sự nghiệp có 69 người. Ông Đồng cũng thông tin rằng, đây mới chỉ là các đối tượng được xem xét, tính toán để động viên chứ không phải tất cả xin thôi việc thì đều được mà “cán bộ muốn từ nhiệm nhưng được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý, có cán bộ thay thế ngay vị trí đó thì mới chấp thuận cho thôi việc” - ông Đồng cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ