Cần nắm bắt tâm lý học sinh
Nhiều năm gắn bó với học sinh cuối cấp, cô Nguyễn Thị Lư, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), hiểu rất rõ tâm lý cũng như những áp lực của học trò lớp 12.
Cô Lư chia sẻ: “Các em không chỉ áp lực với khối lượng kiến thức phải học để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, mà các em còn phải chuẩn nghiên cứu, lựa chọn trường, ngành nghề mình sẽ theo đuổi trong tương lai.
Học sinh ở tỉnh miền núi, các em rất đơn thuần, do vậy những giai đoạn quan trọng rất cần sự đồng hành của thầy cô. Theo đó trong các tiết học, tôi luôn cố gắng giảm bớt căng thẳng, áp lực, tạo tâm lý thân thiện, phấn khởi cho học sinh bằng cách đa dạng các phương pháp học, tiếp cận cho học sinh. Bên cạnh đó, trong những tiết hệ thống hoá kiến, chữa bài tập tôi thường thông qua các trò chơi, xây dựng các tình huống giả định”.
Cô Lư cho biết thêm: “Với những cách học đó, học sinh sẽ được tiếp cận kiến thức một cách tự nhiên, không bị ép buộc và nhớ lâu hơn. Đồng thời khi kết thúc làm bài, tôi sẽ cho học sinh đánh giá, chấm chéo lẫn nhau nhằm cho các em cũng sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân”.
Sau một thời gian học, cô Lư sẽ tổ chức cho học sinh làm bài tập để đánh giá năng lực, qua đó phân nhóm học sinh để giảng dạy sao cho hiệu quả. Đối với những học sinh yếu, cô sẽ giao các bài tập phù hợp với năng lực, khả năng để không tạo cảm giác chán nản trong quá trình học, giúp các em nắm chắc kiến thức cơ bản.
“Sau khi học sinh đã hiểu và nắm chắc kiến thức cơ bản, tôi sẽ triển khai cho học sinh làm các bài tập dạng nhận biết, thông hiểu và dần dần sẽ triển khai cho học sinh làm các bài tập vận dụng”, cô Lư chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Lư, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Trường THPT Hoàng Văn Thụ. Ảnh NVCC. |
Hỗ trợ ngoài giờ cho học sinh
Không chỉ đa dạng phương pháp giảng dạy, cô Lư còn thành lập các nhóm zalo để thuận tiện trong việc hướng dẫn học sinh ôn tập tại nhà. Cô Lư chia sẻ: “Quá trình tự học ở nhà đóng vai trò rất lớn đến sự thành công của học sinh. Do đó để hỗ trợ tối đa cho học sinh, tôi đã thành lập nhóm zalo để giao bài tập, chữa bài và hướng dẫn học sinh những phần kiến thức các em chưa hiểu trên lớp thông qua nhóm này”.
Cô Lư cho biết thêm: “Với học sinh của mình, tôi luôn chủ động hỏi han, tương tác với các em thay vì chờ các em tương tác. Bởi tâm lý của học sinh, nhiều em ngại hỏi đặc biệt là những học sinh học yếu. Theo đó trong giờ học, tôi chủ động hỏi, mời các em tương tác để các em mạnh dạn chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học. Thông qua những cách làm như vậy, học sinh đã mạnh dạn và chủ động trao đổi với giáo viên hơn, học sinh chủ động trao đổi với cô giáo hơn”.
Hướng dẫn nắm kiến thức cơ bản thông qua từ khoá, từ trọng tâm của kiến thức cơ bản. Chú trọng hướng dẫn học sinh làm những câu hỏi bài tập làm những câu hỏi liên quan đến phần nhận biết và thông hiểu dần dần làm những câu hỏi khó hơn.
Đồng hành cùng học sinh từ khi còn lớp 10, cô Lư mong rằng bước vào kỳ thi các em sẽ tự tin, bình tĩnh chinh phục các bài thi của mình để đạt được kết quả như mong muốn. Đồng thời, Bộ GD&ĐT ra đề sát với năng lực, có tính phân loại cao.
Đối với cô Lư, thành công của học trò chính là động viên, món quà quý giá nhất không gì sánh bằng. Bởi vậy, mỗi giờ học cô luôn tạo không khí thoả mái để các em không cảm thấy áp lực, không cảm thấy nặng nề.