Đa dạng các hình thức tuyên truyền, giáo dục truyền thống
Vừa qua, em Đinh Thảo Vy, học sinh lớp 9D vinh dự là một trong số 83 em học sinh của trường THCS thị trấn Trùng Khánh được tham gia Chương trình “Tiết học biên cương" tại cột mốc 108 nằm trong khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng tỉnh Cao Bằng.
Em Đinh Thảo Vy hào hứng: “Được các cô chú trong ban quản lý di tích và các chú bộ đội ở đồn biên phòng Sóc Giang chia sẻ đã giúp em thêm gắn bó với thầy cô giáo, bạn bè. Có cái nhìn chân thực hơn về lịch sử, biết trân trọng, tự hào và gìn giữ giá trị truyền thống cách mạng quê hương”.
Đây là hoạt động nhằm hiện thực hoá Kế hoạch số 21 của Phòng Giáo dục và Đào tạo Trùng Khánh về việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng tại các trường học trên địa bàn huyện Trùng Khánh năm 2024.
Thầy giáo Hoàng Văn Trường, Hiệu trưởng trường THCS thị trấn Trùng Khánh cho biết thêm: “Thông qua chương trình “Tiết học biên cương" đã trang bị cho học sinh một số kiến thức cơ bản về công viên địa chất toàn cầu, giúp học sinh hiểu, nhận thức được những vấn đề về di sản địa chất, cảnh quan thiên nhiên và chung tay hưởng ứng các hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Giáo dục nâng cao nhận thức về chủ quyền biên giới quốc gia, góp phần củng cố, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững chắc, hình thành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biên giới”.
Chương trình “Tiết học biên cương" của trường THCS thị trấn Trùng Khánh |
Còn tại trường tiểu học thị trấn Trùng Khánh, hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống cho học sinh là nội dung luôn được nhà trường chú trọng. Cô giáo Đinh Thị Bình, Hiệu trưởng trường tiểu học thị trấn Trùng Khánh nói:
“Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu đã chỉ đạo các liên đội, giáo viên tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các em học sinh bằng các hình thức trực quan, sinh động để giúp các em say mê, hứng thú hơn với nội dung học tập”. Theo đó, không chỉ là nghe giảng những kiến thức lịch sử trên lớp, học sinh còn được tham gia nhiều hoạt động tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương, đất nước trong những buổi ngoại khóa hay các cuộc thi”.
Những kết quả đáng khích lệ
Thực hiện Đề án số 19-ĐA/TU ngày 13/8/2019 của Tỉnh ủy, trên cơ sở công văn số 581 ngày 18/5/2020 của sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng về việc thực hiện đề án “Đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng giai đoạn 2019-2025” Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trùng Khánh đã ban hành văn bản chỉ đạo về việc thực hiện đề án đến tất cả các cơ sở giáo dục trực thuộc nhằm góp phần đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Sau hơn 4 năm thực hiện đề án: 100% các trường trực thuộc đã tổ chức triển khai đề án tại đơn vị; tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục thông qua việc dạy lồng ghép tích hợp giữa các môn học phù hợp; tổ chức thành công cuộc thi tìm hiểu đại công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Ông Hoàng Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Trùng Khánh, Cao Bằng chia sẻ:
“Căn cứ tình hình thực tế phòng Giáo dục và đào tạo chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động tuyên truyền và ngoại khóa về truyền thống lịch sử văn hóa tiềm năng lợi thế của tỉnh, huyện và những định hướng phát triển của địa phương đến học sinh.
Chỉ đạo các đơn vị linh hoạt lồng ghép các nội dung tuyên truyền giáo dục về truyền thống văn hóa lịch sử trong các hoạt động ngoại khóa tập thể các phong trào thi đua, nâng cao nhận thức về di sản địa chất và công viên địa chất toàn cầu UNESCO non nước Cao Bằng.
Triển khai môn học bắt buộc đối với chương trình giáo dục địa phương với học sinh lớp 6 từ năm học 2021- 2022”
Việc triển khai tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống trên quê hương cách mạng Cao Bằng bước đầu đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân, phụ huynh và các em học sinh. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc duy trì và phát huy văn hoá, truyền thống lịch sử cách mạng tại địa phương, di sản văn hoá và địa chất, điều kiện tự nhiên ưu đãi… Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.