Hàm lượng kiến thức tài chính còn khiêm tốn
Theo TS Nguyễn Thanh Tâm - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, khi đến độ tuổi trưởng thành và phải thực hiện những nhu cầu cơ bản của cuộc sống, bất kể học sinh nào cũng phải đối diện với những vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế, buộc các em phải đưa ra quyết định như: Lựa chọn sản phẩm tiêu dùng, quản lý chi tiêu, sử dụng hàng hóa công cộng,… Hệ quả của những quyết định này sẽ tác động trực tiếp tới cuộc sống của bản thân và người khác.
Vì vậy, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nếu học sinh không được trang bị và giáo dục các kiến thức, kỹ năng về kinh tế nói chung, tài chính nói riêng, sẽ nhận thấy những vấn đề mà mình phải đối mặt luôn phức tạp, khó giải quyết. Điều này dẫn đến việc đưa ra các quyết định dựa trên giả định sai lầm, hiểu sai bản chất mà lẽ ra nên được hình thành và điều chỉnh trong suốt thời gian ngồi trên ghế nhà trường. Việc giáo dục những nội dung kinh tế, trong đó có vấn đề tài chính có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực quốc gia.
TS Nguyễn Thanh Tâm cho biết, nội dung tài chính được nêu trong Chương trình GDPT 2018, bao gồm cả chương trình tổng thể và chương trình các môn học, được lồng ghép, tích hợp trong các môn học khác nhau ở 3 cấp học. Tuy nhiên, nội dung tài chính được giảng dạy thành một môn học độc lập chỉ có ở THPT (môn Giáo dục kinh tế và pháp luật).
Cụ thể, ở tiểu học, giáo dục tài chính được tích hợp trong các môn học như Toán, Đạo đức (lớp 2, 3, 4, 5), Tiếng Anh (lớp 3, 5), Tự nhiên và Xã hội (lớp 2), Hoạt động trải nghiệm (lớp 4, 5). Ở THCS, giáo dục tài chính được tích hợp nhiều hơn trong môn Toán, Giáo dục công dân. Ở THPT, ngoài môn độc lập về nội dung này là Giáo dục kinh tế và pháp luật, một số môn học có lồng ghép giáo dục tài chính như Toán, Ngữ văn, Công nghệ…
“Có thể nói, nội dung về tài chính có sự phát triển tăng tiến theo 3 cấp học; tuy nhiên hàm lượng kiến thức còn khiêm tốn và thiếu mối liên kết khoa học, chặt chẽ giữa từng khối, cấp học, đặc biệt ở cấp tiểu học và THCS. Việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục tài chính trong nhà trường chưa đáp ứng hết nhu cầu của học sinh”, TS Nguyễn Thanh Tâm nhận định.
Công tác tại The Dewey Schools, là một trong ba giáo viên Việt Nam giành giải Giáo viên xuất sắc nhất về đào tạo quản lý tài chính dành cho học sinh năm 2022, thầy Nguyễn Trọng Tùng khẳng định tầm quan trọng của giáo dục tài chính. Thầy Tùng cho biết, tại The Dewey Schools, ngoài triển khai giáo dục tài chính cho học sinh theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018, nội dung này được đưa vào chương trình khối 6, 7 với tên gọi Kinh doanh - Hướng nghiệp, nằm trong chương trình chính khóa.
Theo đó, 4 vấn đề cốt lõi được tập trung là kiếm tiền, tiết kiệm, chi tiêu và quyên góp; 4 từ khoá với trọng tâm là ươm mầm tinh thần tiết kiệm, giúp học sinh xây dựng ý thức tiết kiệm từ nhỏ, từ sớm, góp phần nâng cao năng lực tài chính khi trưởng thành. Bên cạnh trang bị kiến thức lý thuyết, học sinh được tham gia các cuộc thi, dự án liên môn theo đơn vị lớp, khối và toàn trường.
Từ thực tiễn tham gia các dự án, thầy Nguyễn Trọng Tùng nhìn nhận, giáo dục tài chính ở trường phổ thông công lập cơ bản mới ở bước đầu và còn khoảng cách với trường tư thục, trường quốc tế. Học sinh được cung cấp kiến thức cơ bản về nội dung này tương đối tốt, nhưng còn hạn chế ở khâu thực hành. Khó khăn lớn nhất của các nhà trường là đội ngũ bởi giáo viên đa phần kiêm nhiệm; do đó, thầy cô cần được tập huấn, có trải nghiệm và cần sáng tạo, linh hoạt hơn trong giảng dạy.
Quan tâm điều kiện thực hiện, chú trọng thực hành
“Trước thực tiễn còn khó khăn về điều kiện thực hiện, đặc biệt yếu tố con người, một giải pháp khả thi, hiệu quả là tận dụng nguồn lực từ phụ huynh, cựu học sinh - những người có chuyên môn về tài chính; hoặc tận dụng chính nguồn lực trong nhà trường, ví dụ nhân viên kế toán, để chia sẻ với học sinh, giúp các em làm quen với kiến thức căn bản về tiền bạc, chi tiêu thông minh, nâng cao hiểu biết và năng lực tài chính”, thầy Nguyễn Trọng Tùng chia sẻ.
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc triển khai chương trình Tư duy tài chính tại Trường THCS - THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), cô Phó Hiệu trưởng Lê Thanh Tâm cho hay, đối với khối tiểu học, các hoạt động học tập được triển khai dưới dạng trải nghiệm thực tế qua các trò chơi và bài tập thực hành như quản lý tiền mừng tuổi, khoản chi tiêu trong gia đình, cộng đồng, lập kế hoạch kinh doanh đơn giản…
Lên THCS, tiếp nối kiến thức về khởi tạo doanh nghiệp đơn giản ở tiểu học, học sinh được học kiến thức để phân tích sâu từng bước tạo lập doanh nghiệp, đặc điểm doanh nhân, nghiên cứu thị trường… thông qua hoạt động trải nghiệm, dự án thực tế. Cấp THPT hướng đến giúp học sinh định hướng tương lai thông qua lập kế hoạch tài chính và lường trước rủi ro trong cuộc sống, trở thành người chủ động, trách nhiệm với nguồn tài chính của bản thân…
Ngoài ra, nhà trường đã triển khai chương trình giáo dục “Tư duy tài chính - Kiến tạo doanh nhân trẻ” từ năm học 2021 - 2022. Nội dung chương trình bao gồm kiến thức tài chính, kinh doanh, hướng nghiệp. Học sinh được tham gia các chuyến tham quan nhà máy, trường đại học, thực hành các dự án kinh doanh thực tế.
Để nâng cao hiệu quả giáo dục tài chính cho học sinh, TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng, trước hết các cơ quan quản lý giáo dục cần có phương hướng, chỉ đạo đẩy mạnh giáo dục tài chính trong nhà trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường giảng dạy và giáo dục tài chính, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ quản lý.
Các nhà trường cần chú trọng nâng cao kiến thức, kỹ năng giảng dạy tài chính cho giáo viên, đặc biệt giáo viên dạy các môn có liên quan hoặc môn có tích hợp nội dung tài chính, giáo viên môn Giáo dục kinh tế và pháp luật. Có thể tổ chức tập huấn hoặc cử giáo viên tham gia tập huấn, tạo cơ chế thuận lợi để giáo viên tự nâng cao năng lực. Giáo viên, phụ huynh cần chủ động tìm hiểu, tự trau dồi kiến thức kỹ năng, phối hợp với nhau.
“Trong khuôn khổ hợp tác giữa UNICEF và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam giai đoạn 2024 - 2025, một hợp phần về “Thích ứng bộ tài liệu giáo dục tài chính cho học sinh Việt Nam” được xây dựng. Bộ tài liệu này sẽ triển khai thí điểm tại một số tỉnh đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh đó, trong năm 2025, Viện sẽ triển khai Dự án về giáo dục tài chính và xã hội cho học sinh phổ thông; tổ chức các hoạt động giáo dục tài chính cho học sinh như tổ chức Kỳ thi Olympic Kinh tế Việt Nam”, TS Nguyễn Thanh Tâm thông tin.