Trải nghiệm lịch sử ở địa chỉ đỏ

GD&TĐ - Thầy trò tìm về địa chỉ đỏ, thăm gia đình có công với Cách mạng là hoạt động được nhiều trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long triển khai. Mỗi dịp lễ 30/4 hoạt động này ngày càng thêm ý nghĩa đối với thầy, trò.

HS Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.
HS Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) trải nghiệm tại Khu di tích An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ.

Bài học lớn sau mỗi chuyến đi

Khu di tích An Nam cộng sản Đảng Cờ Đỏ là điểm đến quen thuộc của thầy, trò huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Qua mỗi chuyến đi, thầy trò hiểu rõ thêm lịch sử địa phương, góp phần hun đúc tình yêu quê hương, đất nước cho trò. Quan trọng hơn, đây còn là hoạt động giáo dục địa phương hiệu quả, thiết thực và bổ ích.

Theo lãnh đạo Trường THCS Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), nhà trường triển khai thực hiện từ học kỳ II năm học 2021 - 2022 đối với lớp 6. Tham gia, học sinh được trải nghiệm thực tế văn hóa, lịch sử tại Khu di tích An Nam cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Đây là một trong các chủ đề trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6. Đặc biệt vào dịp lễ lớn như 30/4 hoạt động này càng thêm ý nghĩa, giúp học trò rèn kỹ năng sống, vững kiến thức lịch sử địa phương.

Em Lâm Minh Trí, học sinh lớp 6 Trường THCS Trung An chia sẻ: “Em và các bạn rất thích giờ học giáo dục địa phương, nhất là được tham quan, trải nghiệm tại di tích lịch sử. Đến nơi, thầy trò cùng thắp nhang tri ân các vị anh hùng dân tộc tại khu di tích. Sau đó được lắng nghe lịch sử, sự tích hào hùng của dân tộc Việt Nam; lịch sử Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Học sinh đọc, tìm hiểu sách lịch sử, văn hóa - xã hội tại khu di tích... Được nghe, thấy và cảm nhận nên em và các bạn rất hào hứng, không còn ‘ngán’ môn Lịch sử và giáo dục địa phương”.

Những chuyến về nguồn với hành trình Địa chỉ đỏ hay tìm hiểu lịch sử Cách mạng địa phương đã thu hút đông đảo thầy, trò ở tỉnh Đồng Tháp. Trong đó, hoạt động trải nghiệm Giáo dục lịch sử địa phương thông qua địa chỉ đỏ với chủ đề “Dấu ấn về cuộc chiến tranh ác liệt” được học sinh và giáo viên Trường THPT Lấp Vò 2, huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) tham gia tích cực.

Hoạt động này do Đoàn trường, tổ Lịch sử - Giáo dục công dân và giáo viên chủ nhiệm tổ chức. Điểm đến là Khu Di tích Xẻo Quýt, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp). Tham gia hoạt động trải nghiệm, học sinh được tìm hiểu về Khu di tích Xẻo Quýt, được giáo dục về truyền thống đấu tranh của nhân dân Đồng Tháp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian tổ chức ngoài trời như: múa hát tập thể, kể chuyện, kéo co… Bên cạnh đó, các em cũng được xem băng tư liệu và tiến hành thu thập thông tin để hoàn thành bài báo cáo theo yêu cầu của giáo viên về chủ đề: “Truyền thống đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc của nhân dân Đồng Tháp”.

Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 (Đồng Tháp) thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng.
Thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 (Đồng Tháp) thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng.

Gắn nhà trường với địa chỉ đỏ

Giáo dục truyền thống lịch sử Cách mạng địa phương là một trong những hoạt động được ngành GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh thực hiện trong những năm qua. Để tiến hành hoạt động này, các trường học đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh, đơn vị quân đội và phụ huynh học sinh.

Một trong những hoạt động thường xuyên được các trường học tổ chức là buổi nói chuyện chuyên đề: “Giáo dục truyền thống lịch sử Cách mạng địa phương”. Những “diễn giả” của chương trình chính là những cựu chiến binh, những người có công từng tham gia chiến đấu bảo vệ quê hương. Điển hình như Trường THPT Hồng Ngự 1, Thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Buổi nói chuyện là sự phối hợp giữa nhà trường với Hội Cựu chiến binh, Bộ đội Biên biên phòng cùng Ban Giám hiệu nhà trường. Thầy Lê Thành Trung, Trường THPT Hồng Ngự 1 cho biết: “Buổi nói chuyện nhằm mục đích bồi dưỡng lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ; giáo dục về truyền thống ‘uống nước nhớ nguồn’, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Qua đó, nhằm giúp các em nâng cao lòng tự hào về truyền thống Cách mạng của dân tộc, truyền thống của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Bên cạnh giáo dục truyền thống lịch sử Cách mạng địa phương, nhiều trường học ở Đồng Tháp còn tổ chức chăm sóc, thăm hỏi Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn. Cứ đến dịp những ngày lễ, tết, thầy trò các trường tề tựu và cùng nhau đến thăm các Mẹ.

Theo thầy Lê Minh Trường, Bí thư Đoàn Trường THPT Cao Lãnh 2 (Đồng Tháp), mỗi chuyến đến thăm Mẹ Việt Nam anh hùng, đại diện Đoàn trường cùng các em học sinh đã thăm hỏi sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày và gửi lời cảm ơn sâu sắc với những đóng góp của Mẹ và gia đình. Đồng thời chúc mẹ luôn mạnh khỏe và là tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh noi theo. Đây là một trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” của thầy, trò Trường THPT Cao Lãnh 2 trong suốt thời gian qua...

Giáo dục lịch sử địa phương thông qua địa chỉ đỏ cũng là hoạt động khá sôi nổi được các trường học ở tỉnh Đồng Tháp quan tâm thực hiện. Mỗi hành trình về địa chỉ đỏ là chuyến đi đến các di tích lịch sử Cách mạng hay vùng biên giới xa xôi. Hành trình không chỉ là chuyến tham quan dã ngoại mà qua đó nhà trường còn lồng ghép hoạt động trải nghiệm, giáo dục đạo đức, lối sống và giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.