Đa dạng các hình thức giáo dục đạo đức lối sống cho sinh viên

GD&TĐ - Xác định nhà trường không chỉ là nơi dạy “chữ” mà còn phải dạy cả “người”, Trường Đại học Tây Bắc luôn chú trọng tới việc dạy HSSV thành người có nhân cách tốt thông qua việc tổ chức đa dạng các hoạt động.

Các tình nguyện viên chụp ảnh lưu niệm tại buổi bế mạc lớp dạy Tiếng Anh cộng đồng tại huyện Vân Hồ - Mộc Châu.
Các tình nguyện viên chụp ảnh lưu niệm tại buổi bế mạc lớp dạy Tiếng Anh cộng đồng tại huyện Vân Hồ - Mộc Châu.

Đa dạng các hình thức học tập

Trường Đại học Tây Bắc đào tạo đa ngành, đa cấp của khu vực miền núi phía Tây Bắc. Ngoài đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, trường còn là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, triển khai các dịch vụ. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế của khu vực Tây Bắc.

Thầy Dương Văn Mạnh – Trưởng phòng Công tác chính trị, quản lý sinh viên của nhà trường cho biết: Nhà trường luôn chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh - sinh viên (HSSV). Nhiệm vụ này luôn được trường đặc biệt quan tâm.

“Hàng năm trường đều xây dựng kế hoạch để thực hiện công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh (Trường THPT Chu Văn An), sinh viên. Trên cơ sở kế hoạch được xây dựng, chúng tôi tổ chức giáo dục bằng nhiều hình thức. Có thể là trực tiếp tại hội trường, hoặc tuyên truyền qua mạng xã hội, website, loa phát thanh, băng rôn, khẩu hiệu. Việc tổ chức cũng có lúc được lồng ghép qua các đợt tình nguyện…”, thầy Mạnh chia sẻ.

Thầy Vũ Tiến Thuận – Phó bí thư Đoàn trường cho biết: Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Đoàn trường đã linh hoạt cụ thể hóa bằng nhiều hình thức phong phú. Điển hình như trong năm học vừa qua, tổ chức đoàn của trường tiếp tục quán triệt các Nghị quyết của Đảng đến đông đảo sinh viên.

Tổ chức giáo dục Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và bài học lý luận chính trị thông qua các diễn đàn, cuộc thi. Có thể kể đến, đó là cuộc thi: “trắc nghiệm”, “rung chuông vàng”… Nổi bật hơn cả là “Hội thi olympic các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh”; “Ánh sáng soi đường”; “Lá phiếu trách nhiệm”...

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia hiến máu tình nguyện.
Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc tham gia hiến máu tình nguyện.

“Qua việc tổ chức, tôi nhận thấy các bạn đoàn viên, thanh niên rất hăng hái tham gia. Từ những hoạt động giáo dục ý nghĩa đó đã góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của thế hệ trẻ về sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”, thầy Thuận nói.

Gần đây nhất, Đoàn trường Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức 2 chương trình tuyên truyền giáo dục pháp luật thu hút hơn 2.000 đoàn viên tham gia. Bên cạnh đó, tổ chức đoàn còn thực hiện chương trình tuyên truyền về chủ quyền biển đảo. Tại đây, Đoàn trường đã phát động quyên góp hạt giống gửi tặng cho chiến sĩ tại quần đảo Trường Sa.

Kết thúc chương trình, đoàn viên trong trường đã quyên góp được gần 5 triệu đồng; 300 gói hạt giống gửi ra đảo. Sinh viên cũng viết, gửi 33 lá thư thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sỹ bộ đội đang đóng quân ngoài đảo.

Những năm qua, phong trào “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc” được Đoàn trường tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức phong phú, như: Thi tìm hiểu, chiếu phim tư liệu lịch sử, tọa đàm, giao lưu với các nhà khoa học. Mỗi hoạt động đều thu hút hơn 1.000 đoàn viên tham gia.

“Trước giai đoạn bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì việc định hướng cho HSSV là điều hết sức quan trọng. Từ việc tổ chức các hoạt động ý nghĩa của nhà trường đã giúp cho các em nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, xã hội. Từ đó, giúp cho các em xác định được động cơ, mục đích của việc học tập, để các em tiếp tục rèn luyện, tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách”, thầy Thuận cho biết thêm.

Giáo dục đạo đức gắn với phong trào tình nguyện

Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc viếng nghĩa trang liệt sỹ.
Sinh viên Trường Đại học Tây Bắc viếng nghĩa trang liệt sỹ.

Xác định tình nguyện là một trong những hoạt động thiết thực để giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên, nên hàng năm nhà trường luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các phong trào đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong HSSV toàn trường.

“Một trong những hoạt động tình nguyện nổi bật nhất trong năm vừa qua của Đoàn trường chúng tôi, đó là việc thành lập lớp dạy Tiếng Anh cộng đồng tại huyện Vân Hồ và Mộc Châu. Lớp học này có sự tham gia của 15 cán bộ, đoàn viên. Toàn khóa tình nguyện, đã có hơn 300 học viên là các em thiếu niên, nhi đồng tham gia lớp học. Tôi cho rằng đây là việc làm hết sức ý nghĩa và có sức lan tỏa rất lớn”, thầy Thuận bày tỏ.

Thầy Vũ Tiến Thuận cho biết, hưởng ứng chương trình “Tình nguyện mùa đông”, “Xuân tình nguyện” năm 2020, Đoàn trường đã tổ chức tại xã Tô Múa, huyện Vân Hồ. Tại đây, các tình nguyện viên đã tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đã có gần 500 đoàn viên hăng hái tham gia.

Dịp Hè 2021, Đoàn trường còn phát động, thực hiện chương trình “Tiếp sức mùa thi” đạt hiệu quả thiết thực. Ban chấp hành Đoàn trường đã phối hợp với Hội Sinh viên tổ chức 2 chương trình với 4 nhóm hỗ trợ, gồm: Tư vấn, hướng dẫn, xe ôm miễn phí và truyền thông. Các nhóm đã hỗ trợ cho gần 1.000 lượt thí sinh và người nhà thông qua các hoạt động cụ thể, điển hình như: tư vấn kiến thức, hướng dẫn phòng thi, đưa đón thí sinh và thông tin kỳ thi qua mạng xã hội…

Sinh viên tham gia "Tiếp sức mùa thi năm 2021".
Sinh viên tham gia "Tiếp sức mùa thi năm 2021".

“Qua mỗi lần tham gia tình nguyện do Đoàn trường phát động, em thấy bản thân mình đã mạnh dạn hơn, cởi mở hơn vì được giao lưu, kết bạn với nhiều người. Khi được giao nhiệm vụ, em thấy mình có trách nhiệm hơn với công việc của nhóm. Mỗi khi hoàn thành các hoạt động tình nguyện em thấy rất vui vì mình đã làm được một việc có ích”, sinh viên Lò Lưu Ly – K58 Sư phạm Lịch sử tâm sự.

Một trong những hoạt động đầy ý nghĩa do Đoàn trường phát động là chương trình “Mỗi thanh niên trường học một ý tưởng, sáng kiến, sáng tạo”. Thực hiện chương trình này, đông đảo sinh viên đã nhiệt tình hưởng ứng chia sẻ thông tin, ý tưởng qua cổng thông tin “Ngân hàng ý tưởng sáng tạo thanh niên Việt Nam”. Các em cũng nhiệt đóng góp ý tưởng qua ứng dụng di động “Sáng tạo trẻ”. Đã có gần 2.000 ý tưởng sáng tạo do sinh viên nhà trường đóng góp vào chương trình.

“Có rất nhiều thành tích mà sinh viên đạt được qua các phong trào do Đoàn trường phát động. Đơn cử như năm học vừa qua, chúng tôi đã tổ chức 1 lớp bồi dưỡng nhận thức đoàn và tổ chức kết nạp cho 90 thanh niên ưu tú vào Đoàn. Ngoài ra, chúng tôi còn mở 3 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho 600 lượt cán bộ đoàn, đội, hội. Tổ chức Đoàn cũng giới thiệu 104 đoàn viên ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Trong đó, có 83 đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng”, thầy Vũ Xuân Thuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.