Vườn rau giáo dục lối sống cho HS dân tộc nội trú

GD&TĐ - Đến thăm Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi ngôi trường nằm ngay trung tâm thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) nhưng lại tạo dựng được một vườn rau sạch hơn 1.000m2 cung cấp nguồn thực phẩm hằng ngày cho HS. ​

Vườn rau giáo dục lối sống cho HS dân tộc nội trú

Điều đáng trân trọng hơn, khi các vườn rau được chính tay HS sản xuất, vừa chung tay xây dựng môi trường sống – học tập thân thiện, vừa rèn luyện kỹ năng, đạo đức lối sống.

Tạo dựng môi trường học tập thân thiện

Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum là nơi học tập, nuôi dưỡng 500 HS con em đồng bào dân tộc thiểu số đến từ nhiều địa phương khác nhau trên địa bàn tỉnh. Mỗi HS, mỗi hoàn cảnh… nhưng tất cả đều sống xa nhà, xa quê, với bao nỗi lo toan cuộc sống. Để được vào học tập tại ngôi trường này, các em HS phải trải qua một quá trình nỗ lực rất lớn. Bởi hầu hết các em đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Ở đó, cái đói, cái nghèo luôn là nỗi lo thường trực, khiến các em càng phải nỗ lực học tập, rèn luyện hơn trong cuộc sống.

Hiểu được điều này, ngoài việc tạo dựng một môi trường học tập tốt, các cán bộ, giáo viên Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum còn dạy các em cuộc sống tự lập và trải nghiệm để vào đời. Một trong những hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho HS được nhà trường thực hiện mang lại hiệu quả trong thời gian qua là xây dựng vườn rau HS ngay trong khuôn viên trường học. Theo thầy Lý Thế Quyền – Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum, ngoài mục đích giáo dục nhân cách cho các em, mô hình vườn rau HS còn cung cấp và đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho bữa ăn nội trú hằng ngày HS, giúp các em yên tâm học tập, gắn bó với trường, với lớp.

Thầy Lý Thế Quyền đưa chúng tôi đi thăm mô hình vườn rau xanh có quy mô khá lớn nằm trước khu nhà ký túc xá HS. Các luống rau với những cải xong, rau muống, xà lách, cần tây, ngò gai… xanh tươi. Theo thầy Quyền, mô hình vườn rau xanh HS được nhà trường thực hiện từ nhiều năm học này. Ban đầu, giáo viên, nhân viên chỉ tiến hành trồng một vài luống rau để thử nghiệm nhưng không ngờ các luống rau phát triển tốt, cho năng suất cao. Nhận thấy diện tích vườn trường còn lớn, nhiều giáo viên, nhân viên đề xuất xây dựng vườn rau HS vừa tạo dựng môi trường rèn luyện cho HS, vừa nhằm cải cải thiện bữa ăn cho chính HS. Từ đó đến nay, bữa ăn của HS nội trú mỗi ngày đều đã chủ động được nguồn rau sạch, vừa tạo được nguồn dinh dưỡng, vừa tiết kiệm được chi phí mỗi bữa ăn.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Hôm đến thăm trường, chúng tôi không khỏi cảm mếm khi chứng kiến cảnh cứ vào buổi sáng và mỗi buổi chiều, sau các giờ học trên lớp, các em HS Trường PTDT nội trú tỉnh Kon Tum tự giác tranh thủ thời gian cùng nhau chăm sóc vườn rau. Từ việc cuốc đất, lên luống, gieo hạt, nhổ cỏ, bón phân… đều được các em HS thực hiện thuần thục. Các thầy cô giáo vui mừng chia sẻ, việc HS tham gia lao động sản xuất không chỉ tạo ra nguồn thực phẩm phục vụ cho chính bản thân mình, mà các em còn được rèn luyện kỹ năng lao động, kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tập thể… Từ đó, hiểu được ý nghĩa của lao động, biết trân trọng những gì mình đã làm ra. Ngoài ra, việc cùng nhau chăm sóc và trồng rau xanh cũng giúp mỗi bạn trong lớp thêm hiểu nhau, tăng tình đoàn kết tập thể, gắn kết tình nghĩa thầy trò.

Thầy Quyền cho biết thêm: Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, nếp ăn, nếp ở đối với HS đồng bào dân tộc thiểu số có một ý nghĩa rất quan trọng. Là HS con em đồng bào dân tộc thiểu số nên hình thức, các hoạt động giáo dục đạo đức lối sống cũng hết sức linh hoạt và có tính chất gần gũi. Mô hình vườn rau HS là một trong những phương pháp giáo dục trải nghiệm thông qua hoạt động lao động sản xuất, vừa để tạo ra môi trường xanh - sạch - đẹp, vừa nâng cao ý thức, kỹ năng lao động của HS, tạo ra sản phẩm từ lao động, góp phần cải thiện bữa ăn cho các em.

Có thể khẳng định rằng, từ khi có mô hình vườn rau HS, các em HS có ý thức phấn đấu học tập hơn, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ hơn, hoạt động sinh hoạt nội trú đi vào nề nếp hơn… Kéo theo đó, chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường đã được nâng cao và dần đi vào ổn định. 

Thầy Lý Thế Quyền phấn khởi nói: Nhờ phát triển được vườn rau bán trú trong nhiều năm nay nên bữa ăn của HS nội trú liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, lợi ích mà nhà trường có được nhiều hơn là có một môi trường học tập, lao động tập thể với những bài học bổ ích đối với HS, giúp các em gắn bó với trường, với lớp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.