Đã có công cụ xử lý cán bộ giàu “bất thường”, sống xa hoa

GD&TĐ - Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Có thể nói đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Khu dinh thự của bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái
Khu dinh thự của bà Hoàng Thị Huệ, vợ ông Phạm Sỹ Quý – Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Yên Bái

Điều này đã thể hiện rõ quyết tâm chỉnh đốn, làm trong sạch bộ máy và đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng ta. Vì vậy, được đông đảo cán bộ, nhân dân hoan nghênh, đồng tình và rất tin tưởng.

Trước đây, chúng ta đã quen với các quy định, tiêu chuẩn ban hành chỉ để điều chỉnh, quản lý cán bộ cơ sở và người dân, còn cán bộ cao cấp thường… “miễn dịch” với các quy định. Do đó, với quy định về quản lý cán bộ cao cấp đã thể hiện rất rõ quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về quan điểm “không có vùng cấm” trong xử lý tiêu cực, tham nhũng.

Việc ban hành tiêu chuẩn này có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá, nhận xét và xử lý cán bộ cao cấp. Ngoài các tiêu chuẩn về lập trường, tư tưởng, đạo đức như thường thấy thì lần này có nhiều tiêu chuẩn về lối sống rất rõ ràng, cụ thể và có thể làm cơ sở để xử lý cán bộ. Bởi vì, tiêu chuẩn về tư tưởng, lập trường thuộc về ý thức của mỗi cá nhân, nội tâm bên trong nên rất khó đánh giá, soi xét.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn về đạo đức lối sống như khiêm tốn, giản dị, liêm chính thì bộc lộ khá rõ nên có thể so sánh, đối chiếu, đánh giá khá dễ dàng, chính xác. Một cán bộ có lối sống giản dị, liêm chính thì không thể ở trong những ngôi biệt thự như tòa lâu đài hoặc đi xe sang trị giá hàng chục tỷ đồng được!

Thực tế nhiều cán bộ cao cấp giàu lên quá nhanh, bất thường, với khối tài sản “khổng lồ” có khi đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng và có lối sống xa hoa, vương giả. Thậm chí nhiều trường hợp, người dân hay các vị lão thành cách mạng lên  tiếng có ý kiến, đề nghị xác minh, làm rõ tài sản đó nhưng không thể thực hiện được vì… không có cơ sở hoặc không có chứng cứ!

Nhưng với quy định hiện nay, những cán bộ thoái hóa, biến chất, sống xa hoa, giàu lên bất thường, đáng ngờ có thể bị điều tra, xử lý mà không phải cần chứng cứ hoặc phải có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Với việc ban hành quy định này, buộc những người này phải tự chứng minh, nếu không sẽ bị xem là vi phạm và bị xử lý.

Ngoài ra, việc quy định cán bộ cao cấp phải là những cán bộ “tuyệt đối không tham vọng quyền lực” cũng là bước đột phá rất quan trọng mang tính định lượng, “giới hạn” rất rõ ràng, cụ thể. Bởi vì, một cán bộ không tham vọng quyền lực thì không thể có chuyện chạy chọt, vận động, “đi cửa sau” để được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Hay với quy định “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi” đã cụ thể chế tài nhằm làm cơ sở để xử lý tình trạng đưa con cháu, họ hàng, đồng hương vào những vị trí quan trọng, béo bỡ trong hệ thống chính trị hay tạo “sân sau” cấu kết, trục lợi là khá phổ biến.

Không có ai tự hào khi mình nghèo khổ, nhất lại là cán bộ cao cấp, có địa vị quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, với trọng trách, vị trí được giao thì càng phải gương mẫu, khiêm tốn, giản dị vì đời sống của đại bộ phận dân chúng còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, không thể chấp nhận tình trạng cán bộ, công chức giàu lên một cách bất thường, sống xa hoa, phè phởn, lãng phí với thu nhập từ lương, phụ cấp như hiện nay.

Thiết nghĩ, quy định quản lý, xử lý cán bộ cấp cao đã có, tuy nhiên cơ quan chức năng cũng cần sớm thể chế hóa các quy định này vào hệ thống văn bản pháp luật để làm cơ sở pháp lý vững chắc, thuận tiện cho việc xử lý cán bộ vi phạm quy định của Đảng cũng như vi phạm pháp luật.                    

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dạy con quản lý tài chính cần phù hợp theo độ tuổi. Ảnh minh họa.

Tuổi nào nên dạy con cách quản lý tài chính

GD&TĐ - Việc áp dụng các bước dạy con quản lý tài chính theo từng giai đoạn giúp con phát triển kỹ năng quản lý tài chính từ khi còn nhỏ và chuẩn bị cho những thách thức trong tương lai.