Ngày... tháng... năm...

Đá bóng bằng... tai

GD&TĐ - Giờ đây tôi thực sự ngã ngửa khi biết rằng người khiếm thị có thể đá bóng và đá ở Olympic dành cho người khuyết tật hẳn hoi.

Thân gửi môn bóng đá dành cho người khiếm thị!

Là người mê mẩn bóng đá từ bé, tôi luôn tự tin với hiểu biết của bản thân về làng túc cầu. Thế nhưng, gần đây, khi theo dõi kì Paralympic trên đất nước Pháp, tôi mới nhận ra rằng, hiểu biết của mình vẫn còn hạn chế.

Bóng đá, môn thể thao vua đã xuất hiện từ lâu và “phủ sóng” toàn cầu. Từ trẻ em, đến người già, con trai cũng như con gái ít nhiều đều biết đến cũng như hiểu bộ môn này hoạt động như thế nào. Chính sự đơn giản trong cách vận hành đã đưa bóng đá lên ngôi vua của các môn thể thao. Chỉ cần một quả bóng, hai cái gôn và một khoảng không gian, trận bóng đá đã có thể sẵn sàng để bắt đầu rồi.

Đối với bọn trẻ con chúng tôi, đá bóng chẳng có gì là khó. Cần gì sân cỏ khi sân trường cũng là một sự lựa chọn nếu nó đủ rộng. Không có gôn ư, không thành vấn đề. Chúng tôi cũng chẳng cần cột dọc bởi vì chúng đã được thay thế hoàn toàn hiệu quả bằng hai cái dép.

Chiều cao của thủ môn cũng được coi là xà ngang của gôn luôn, nếu quả bóng bay quá tầm với “người gác đền” chúng tôi suy ra cú sút đã bay quá khung thành. Khâu cuối cùng chính là “sắm” ngay một quả bóng để hai đội quần thảo.

Nói về điều đó thì trẻ con Việt Nam chúng tôi vẫn luôn nổi tiếng về khả năng sáng tạo ra rất nhiều loại bóng có mẫu mã khác nhau. Nếu như ngày xưa ở quê sẽ là quả bưởi hay lá chuối được gói lại để đá thì tôi cùng các bạn lại sử dụng bóng nhựa. Sau một thời gian đá và cảm thấy bóng nhựa nhẹ, đi liệng và nhanh thủng quá, không chuẩn “phi-pha” cho lắm, bọn tôi liền “cải tiến”, bọc hai lớp bóng vào với nhau.

Nếu vào đúng hôm chẳng may thằng chủ bóng ngủ dậy muộn, quáng quàng đến trường mà quên mang bóng, cuộc vui của chúng tôi vẫn tiếp tục với quả bóng làm bằng…chai nhựa. Giống như bóng nhựa, sau khi nhận ra chai quá dễ bẹp và không thể đá được, chúng tôi “độ” thêm rất nhiều cát, nhồi vào trong chai để đá. Tuy đá hơi đau chân tí mà có để chơi còn hơn không bạn nhỉ?

Bạn ạ, tôi yêu bóng đá đến thế đấy và chúng tôi trong cái khó cũng đã ló rất nhiều cái khôn để có thể thỏa mãn đam mê bất tận của mình với trái bóng tròn. Thế mà, khi biết được đến sự tồn tại của bạn – bóng đá dành cho người khiếm thị, tôi đã phục lăn, phục sát đất.

Cho dù luật chơi có đơn giản đến đâu thì bóng đá vẫn yêu cầu một yếu tố quan trọng là cầu thủ phải chơi bằng chân và tìm mọi cách đá quả bóng vào gôn đối thủ. Tôi trước đấy đã được xem người khuyết tật chân đá bóng. Bằng nghị lực của mình họ đã sử dụng nạng để thay thế cho đôi chân. Nói cách khác họ đá bóng bằng tay khi đôi tay đóng vai trò vừa cầm nạng để di chuyển vừa khéo léo khống chế quả bóng, thực hiện động tác rê dắt, dứt điểm. Công nhận là khó thật nhưng cũng không hẳn là không thể.

bong da nguoi mu 1.jpg
Một trận túc cầu của những người khiếm thị. Ảnh: ITN.

Giờ đây thì tôi thực sự ngã ngửa khi biết rằng người khiếm thị có thể đá bóng và đá ở Olympic dành cho người khuyết tật hẳn hoi. Tôi chẳng thể nào hình dung ra được một người không thể nhìn thấy gì có thể chơi đá bóng.

Bao nhiêu câu hỏi liền quay cuồng trong đầu: Cầu thủ làm sao mà nhìn thấy bóng, thấy gôn, thấy nhau mà đá, mà phối hợp? Họ có thể rê dắt qua người không?... Và khi theo dõi trận đấu những câu hỏi vừa xuất hiện đã tan biến ngay và được thế chỗ bởi sự hoài nghi khác, to lớn hơn: Cầu thủ là ảo thuật gia à?.

Không nghi ngờ sao được khi mà tất cả cầu thủ (trừ hai thủ môn) đều đeo bịt mắt, tức là có muốn gian lận cũng chẳng được, lại phối hợp, chuyền bóng, chạy chỗ như người bình thường thế kia. Họ có bí thuật nhìn xuyên hay sao mà có thể làm được như thế.

May mắn thay, em tôi đã giúp tôi bình tĩnh lại và yêu cầu tôi lắng nghe kĩ đi. À, thì ra vậy, trong quả bóng có chiếc chuông nhỏ, phát ra âm thanh leng keng, leng keng. Trận đấu nhìn chung vẫn giống như chúng tôi đá bóng trên sân 7 thế nhưng vẫn cần nhiều thứ khác để hỗ trợ cầu thủ hơn.

Đằng sau hai gôn của hai đội đều có huấn luyện viên. Chính những huấn luyện viên này giúp cho cầu thủ định vị cầu môn bằng âm thanh, qua đó có thể tung ra những cú dứt điểm chuẩn xác. Các cầu thủ trên sân cũng vậy, họ gọi nhau, phối hợp nhịp nhàng, ăn ý. Xung quanh sân cũng được giới hạn bởi hàng rào, vừa giúp cho người chơi không bị chạy ra ngoài khu vực thi đấu vừa là chỗ vịn giữ thăng bằng cho cầu thủ.

Tôi đã nói đùa với em tôi rằng, các cầu thủ đang thi đấu bằng tai đấy chứ. Đôi tai đã thay thế cho đôi mắt, soi sáng mọi thứ xung quanh.

Xuyên suốt trận đấu, đôi khi tôi bật cười vì có những tình huống ngộ nghĩnh quá. Bóng nhiều khi lăn qua chân hàng loạt cầu thủ mà chẳng ai có thể đón, khống chế được. Tình huống đối mặt khung thành, cơ hội ăn bàn tưởng chừng đã chắc lắm rồi thì cú sút lại không trúng vào bóng. Thế nhưng, tôi chợt hiểu rằng có thể những tình huống trên là buồn cười với người bình thường nhưng lại hết sức bình thường với người khuyết tật, đặc biệt là người khiếm thị.

Tôi cảm ơn bạn cũng như người đã “sáng tạo” ra bạn để có thể lan tỏa môn thể thao vua đến với cả những người không may được nhìn thấy ánh sáng. Người ta hay nói, cầu thủ phải chơi bóng bằng cả trái tim thì mới có thể thành tài được. Tôi lại thấy rằng để có thể ra sân được thôi thì những cầu thủ của bạn đã phải nỗ lực hơn nhiều. Họ không chỉ đá bóng bằng cả trái tim mà còn sử dụng đôi tai, ý chí của bản thân để lao lên phía trước, dẫu không không nhìn thấy gì, bằng một sự nỗ lực và lòng quyết tâm cao nhất.

Thôi thư cũng dài rồi, tôi dừng bút đây. Hẹn gặp lại bạn vào một ngày không xa, khi bạn được phổ biến rộng rãi ở đất nước tôi nhé!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.