Cứu sống nam thanh niên 26 tuổi mắc ung thư gan giai đoạn muộn

GD&TĐ - 3 tháng trước, bệnh nhân xuất hiện đau tức vùng hạ sườn trái, buồn nôn nhiều, mệt mỏi. Anh được chẩn đoán mắc ung thư biểu mô tế bào gan. 

10 ngày sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được đốt khối u gan còn lại. Ảnh: BVCC.
10 ngày sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được đốt khối u gan còn lại. Ảnh: BVCC.

Mới đây, Khoa Ngoại Gan mật, tiêu hóa và ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (TW) đã tiếp nhận bệnh nhân Giàng Mí Già (26 tuổi), dân tộc Mông đến từ huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.

Bệnh nhân nhập viện với chẩn đoán: Ung thư biểu mô tế bào gan (HCC).

Người thân cho biết, gia đình bệnh nhân đã có 3 người qua đời vì ung thư gan. Cách đây 3 tháng, bệnh nhân xuất hiện đau tức vùng hạ sườn trái, buồn nôn nhiều, mệt mỏi. Bệnh nhân có đi khám tại cơ sở y tế và được chẩn đoán: Viêm gan B – HCC.

Được chỉ định nút mạch, song vì không có điều kiện kinh tế cũng như suy sụp tinh thần, cả gia đình 7 người (mẹ, hai vợ chồng và 4 người con) vào Đắc Lắk chữa thuốc nam với số tiền ít ỏi thu được nhờ bán trâu.

Sau 3 tháng, tiền hết, bệnh ngày càng nặng. Gia đình đã nghĩ đến bệnh nhân phải bỏ mạng nơi đất khách.

Sau đó, bệnh nhân được những người hảo tâm giúp đỡ một số tiền đủ để về Hà Nội và gửi gắm vào Bệnh viện bệnh Nhiệt Đới TW.

Bác sĩ CKII Nguyễn Trường Giang - Khoa Ngoại Gan mật, tiêu hóa và ung bướu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: "Chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng ốm yếu, chỉ nặng có 40kg (phần vì đau không ăn uống được, phần vì nhiều ngày dùng thuốc không rõ nguồn gốc)".

Bệnh nhân có khối u gan ở giai đoạn muộn với đường kính hơn 20 cm. Khối u đã xâm lấn tĩnh mạch chủ dưới và vỡ gây chảy máu dưới bao gan. Vì vậy, mổ cắt u dường như là lựa chọn duy nhất. Mọi trì hoãn đều có thể dẫn tới tử vong do khối u tiếp tục chảy máu. Song, khả năng tử vong trên bàn mổ cũng rất cao.

Sau 7 tiếng trong phòng mổ, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt gan trái mở rộng (khoảng 3kg), cắt lách, thận, đuôi tuỵ.

Quá trình phẫu thuật, bệnh nhân đã mất khoảng 2.000 ml máu, sốc và rối loạn đông máu, có tình trạng suy gan và nhiễm trùng khá nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân đã vượt qua nguy kịch. 10 ngày sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được đốt khối u gan còn lại.

Ung thư gan là một trong những ung thư phổ biến hàng đầu trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư với tỷ lệ mắc mới và tử vong lần lượt là gần 26.420 người và hơn 25.270 người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ