Cứu người để cứu mình

GD&TĐ - Mỹ và EU đặc biệt sốt sắng trong việc cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza vì cả hai hiện đều bị Israel đẩy vào tình thế khó xử.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong Thông điệp về tình hình đất nước, Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ sẽ lập một cầu cảng tạm thời để vận chuyển hàng hóa cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza. EU cũng triển khai việc thành lập một hành lang biển.

Việc áp dụng hình thức cứu trợ đường biển trở nên cần thiết sau khi vận chuyển hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài vào Gaza bằng đường bộ bị chậm trễ và chỉ như nhỏ giọt. Lý do là Israel kiểm soát ngặt nghèo các cửa khẩu vào Dải Gaza.

Việc thả dù hàng cứu trợ gây nguy hiểm cho người dân và dễ bị thất thoát. Vận tải bằng đường biển có thể nhanh chóng chuyển đến Gaza khối lượng hàng hóa lớn. Kế hoạch cứu trợ này rất khả thi bởi Mỹ và EU sử dụng đảo Síp làm nơi tập kết hàng hóa cứu trợ. Síp là tiền đồn gần nhất của Mỹ và EU, khoảng cách tới bờ biển Dải Gaza chỉ có 370 km.

Cách làm ở đây là sử dụng những con tàu trung chuyển lớn, vốn được sử dụng cho các hoạt động thám hiểm đại dương để dỡ hàng hóa cứu trợ từ các tàu thuyền vận tải xuống thẳng những con tàu nổi bằng túi khí đệm để vận chuyển tiếp vào đất liền.

Rủi ro lớn nhất đối với cầu cảng tạm thời này là trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công quân sự từ phe phía nào đấy ở trong cũng như bên ngoài Dải Gaza. Ngoài ra, do không có lực lượng quân sự hay cảnh sát nào bảo vệ ở trên bờ nên hàng hóa cứu trợ rất có thể sẽ bị cướp phá.

Mỹ và EU đặc biệt sốt sắng trong việc cứu trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza vì cả hai hiện đều bị Israel đẩy vào tình thế khó xử. Xưa nay, Mỹ và EU đều luôn ủng hộ Israel trong cuộc xung đột giữa nước này và Palestine.

Cả hai đều thôi thúc nhưng không thúc ép Israel buộc phải đi vào giải pháp chính trị hoà bình với Palestine với nội dung cốt lõi là thành lập nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền và lãnh thổ cùng tồn tại trong hoà bình với nhà nước Israel.

Trong cuộc chiến hiện tại giữa Hamas và Israel, Mỹ và EU lên án Hamas, hậu thuẫn Israel về chính trị và quân sự. Nhưng cách thức tiến hành chiến tranh của Israel ở Gaza đã gây tổn thất rất lớn tới người dân, làm cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của bên ngoài gặp nhiều khó khăn và kém hiệu quả. Tình trạng thiếu lương thực và thuốc men, đói và không được chăm sóc y tế ở Gaza ngày càng thêm trầm trọng.

Nếu không tích cực hoạt động cứu trợ nhân đạo trực tiếp, đồng thời thôi thúc Israel chấp nhận ngừng chiến cũng như thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo khẩn cấp ở dải Gaza, Mỹ và EU sẽ không thể tránh khỏi bị thế giới bên ngoài nhìn nhận là quá thiên vị Israel.

Từ đó để xảy ra thảm hoạ nhân đạo ở Dải Gaza, tức là đánh đổi uy tín và ảnh hưởng quốc tế, đặc biệt trong thế giới Ả Rập và Hồi giáo, lấy việc tiếp tục quan hệ đồng minh với Israel.

Tổng thống Biden sẽ không thể tranh thủ được diện cử tri là người theo đạo Hồi ở Mỹ mà nếu không có được lá phiếu của họ thì sẽ dễ thua hơn là thắng cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Vậy nên, cứu trợ người ngoài cũng còn là tự cứu chính mình đối với ông Biden và EU.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.