Truy tố cựu lãnh đạo Bạch Mai
Viện KSND tối cao đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Quốc Anh – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Khoản 3, Điều 356 BLHS với khung hình phạt từ 10 đến 15 năm tù.
Cùng vụ án, 7 bị can khác bị truy tố về tội danh này gồm Nguyễn Ngọc Hiền – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy – nguyên Trưởng phòng và Phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng – thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung – Tổng Giám đốc Công ty VFS.
Cáo trạng thể hiện, Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị sự nghiệp y tế công lập trực thuộc Bộ Y tế và tự chủ toàn phần về tài chính. Đơn vị này phải tuân theo quy định của Bộ Y tế cũng như quy chế hoạt động của mình.
Năm 2016, bị can Phạm Đức Tuấn biết Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa nên tìm gặp Giám đốc Nguyễn Quốc Anh để chào bán loại robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não với giá 39 tỷ đồng và robot Mako phẫu thuật khớp gối giá 44 tỷ đồng. Nguyễn Quốc Anh không đồng ý vì thủ tục phức tạp; đây là kỹ thuật mới nên chưa đánh giá được hiệu quả, chưa biết có bao nhiêu bệnh nhân sử dụng.
Thay vào đó, 2 bị can thỏa thuận Công ty BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn đưa ra. Nguyễn Quốc Anh sau đó tự ý ký hợp đồng với Cty BMS dù không thống nhất, báo cáo theo quy chế bệnh viện và quy định của Bộ Y tế.
Quá trình thực hiện hợp đồng thiếu nhiều hồ sơ như văn bản đề xuất lắp đặt của Khoa chấn thương chỉnh hình; Khoa phẫu thuật thần kinh; không thông qua Phòng vật tư, thiết bị y tế… Viện kiểm sát cáo buộc, hành vi này của Nguyễn Quốc Anh cùng Nguyễn Ngọc Hiền, Trịnh Thị Thuận, Lý Thị Ngọc Thủy là vi phạm quy trình, thủ tục luật định.
Ngoài ra, để có thể hợp thức giá robot, Phạm Đức Tuấn trực tiếp liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS và không thông qua Bệnh viện Bạch Mai. Tháng 12/2016, Nguyễn Ngọc Hiền mới gửi văn bản, đề nghị Công ty VFS thẩm định giá 2 loại robot nhưng không có hồ sơ, tài liệu làm căn cứ định giá vì thời điểm này, robot chưa được nhập về Việt Nam.
Ngày 20/2/2017, Cty VFS ban hành chứng thư thể hiện robot Rosa có giá 39 tỷ đồng dù 3 hôm sau, loại robot này mới mở tờ khai nhập khẩu ở Nội Bài với giá 7,4 tỷ đồng gồm 5% tiền thuế.
Trả lại tiền bất chính
Cơ quan truy tố cáo buộc, Bệnh viện Bạch Mai đã căn cứ chứng thư thẩm định sai quy trình của Công ty VFS để ký hợp đồng liên doanh với Công ty BMS. Doanh nghiệp VFS sau đó được bệnh viện trả 41,8 triệu đồng phí thẩm định robot Rosa.
Sau đó, Nguyễn Quốc Anh trong vai trò Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai ban hành giá dịch vụ của robot Rosa là 36 triệu đồng/ca và trong đó, Công ty BMS được hưởng hơn 27 triệu đồng gồm 23,2 triệu đồng chi phí khấu hao kèm 4,1 triệu đồng chi phí lãi vay.
Việc phê duyệt mức giá này bị cho là không tuân thủ quy trình thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ y tế.
Căn cứ kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, cơ quan điều tra đã làm việc với các bên và xác định Công ty BMS được hưởng chênh lệnh hơn 16 triệu đồng/ca phẫu thuật bằng robot Rosa.
Tổng cộng, Bệnh viện Bạch Mai tổ chức phẫu thuật bằng robot Rosa cho 639 ca bệnh gồm 637 ca có thu tiền nên gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh (16,5 triệu đồng nhân 637 ca). Đến hết tháng 5/2021, Bệnh viện Bạch Mai vẫn quản lý hơn 1,4 tỷ đồng tiền chênh lệch của 86 ca bệnh và đang triển khai việc trả lại số tiền này.
Như vậy, trong số 10,5 tỷ đồng thu sai, Bệnh viện Bạch Mai đã trả cho Công ty BMS 9,1 tỷ đồng. Quá trình giải quyêt vụ án, gia đình Phạm Đức Tuấn cũng đã nộp 10 tỷ đồng để khắc phục hậu quả đồng thời ủy quyền cho Công ty BMS hoàn tất thủ tục tặng Bệnh viện Bạch Mai các loại robot Rosa, Mako để điều trị miễn phí cho người bệnh.
Do Công ty BMS mới được nhận hơn 9,1 tỷ đồng nên bị can Tuấn đề nghị được trả lại hơn 800 triệu đồng.
Viện kiểm sát cũng xác định, quá trình thực hiện liên doanh, Phạm Đức Tuấn đã biếu tặng Nguyễn Quốc Anh 400 triệu đồng và 10 nghìn USD; Nguyễn Ngọc Hiền 150 triệu đồng; Trịnh Thị Thuận 50 triệu đồng.
Cơ quan truy tố cho rằng, các bị can nói trên đã nhận thức được sai lầm nên tự nguyện nộp lại số tiền nhận từ Phạm Đức Tuấn vào tài khoản của cơ quan điều tra. Riêng Nguyễn Ngọc Hiền chủ động nộp một phần hưởng lợi bất chính từ trước khi bị khởi tố.
Các bị can trong vụ cũng được đánh giá đã nhận thức rõ hành vi phạm tội, thành khẩn khai báo, phối hợp với cơ quan điều tra…
Liên quan vụ án, cơ quan tố tụng xác định robot Mako có xuất xứ từ Mỹ được dùng trong phẫu thuật khớp gối. Bệnh viện Bạch Mai đã dùng robot Mako hỗ trợ phẫu thuật cho 55 ca bệnh, thu gần 2,3 tỷ đồng nhưng ngưng sử dụng từ năm 2019 với lý do nhà cung cấp rút khỏi thị trường Việt Nam, không hỗ trợ phần mềm, vật tư.
Cơ quan tố tụng xác định, việc dừng hoạt động của robot Mako là do khách quan và quá trình sử dụng, Công ty BMS đang bị lỗ, chưa được hưởng lợi phần chênh lệch nên không xem xét sai phạm trong việc liên doanh, sử dụng thiết bị này.