"Cứu cánh" cho thí sinh

GD&TĐ - Theo quy định, bắt đầu từ 19/9, thí sinh được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học. Thêm một lần nữa, rất cần thầy cô giáo đồng hành cùng các em trên con đường lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Những ngày đầu tiên, tuy chưa nhiều nhưng đã có thí sinh thực hiện quyền lợi của mình. 

Trao quyền và tăng cơ hội cho thí sinh, đồng nghĩa với việc thầy, cô giáo sẽ vất vả hơn với học trò của mình. Thế nhưng tất cả đều đồng lòng, nhất trí với quan điểm của Bộ GD&ĐT là: Tạo điều kiện thuận lợi nhất và hỗ trợ tối đa cho thí sinh khi điều chỉnh nguyện vọng. Qua đó, nhằm giúp các em thực hiện ước mơ vào giảng đường đại học.

Trao đổi với một giáo viên vùng cao mới thấy sự nhiệt tình, trách nhiệm và sẵn sàng đồng hành cùng thí sinh của các thầy, cô như thế nào.

Thầy kể, ngay từ buổi đầu tiên khi thí sinh bắt đầu được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, đã có một số em lo lắng vì không truy cập được vào hệ thống.

Tìm hiểu căn nguyên mới hay, các em thay số điện thoại nên khi đăng nhập, hệ thống thông báo không hợp lệ. Vậy là thầy lại “gỡ khó” cho học trò, đồng thời không quên hướng dẫn cách thay đổi nguyện vọng cũng như tư vấn hướng nghiệp cho các em.

Thay đổi nguyện vọng, nghĩa là chúng ta đã, đang trao thêm cơ hội cho các thí sinh và nối dài những ước mơ cho các em trên con đường học tập và lập thân, lập nghiệp sau này.

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện của thí sinh tên Thủy trong mùa tuyển sinh năm 2019. Thủy mơ ước trở thành giáo viên tiểu học nên ban đầu em đăng ký vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – Khoa Giáo dục tiểu học.

Sau khi biết điểm thi THPT quốc gia, nhận thấy mức điểm của mình không an toàn để vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nên em quyết định điều chỉnh nguyện vọng của mình. Em chọn Khoa Giáo dục tiểu học - Trường Sư phạm Hà Nội 2 là nguyện vọng 1.

Kết quả, em đã trúng tuyển vào khoa này và trở thành sinh viên của nhà trường. Giờ đây, cô bé cao gầy, đen nhẻm ngày nào đã trở thành giáo sinh và được viết tiếp ước mơ trở thành “cô giáo làng”, làm bạn với phấn trắng, bảng đen. Thủy nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”.

Trong tâm khảm, Thủy luôn cảm ơn những lời tư vấn, khuyên nhủ của thầy, cô giáo. Thầy, cô đã giúp Thủy có quyết định đúng đắn khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển của mình.

Quan trọng hơn là em và hàng nghìn thí sinh khác đều được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi của mình.

Đây là cơ hội “vàng”, bởi nếu không có cơ hội này, chắc chắn Thủy cùng nhiều thí sinh khác sẽ phải lỡ hẹn với giảng đường đại học.

Thực tế cho thấy, việc cho phép thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển có thể không mang lại ý nghĩa với người này, nhưng lại là “cứu cánh” đối với người khác.

Tuy nhiên, trong bất cứ bối cảnh nào, đều cần đến nỗ lực của bản thân của các em. Bởi khi trao quyền cho thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng, cũng giống như trao cho các em chìa khoa để mở cánh cổng đầu tiên, để các em có cơ hội “chạm” vào giảng đường đại học. Còn có thực sự trở thành sinh viên đại học hay không lại phụ thuộc vào sự sắp xếp, tính toán hợp lý của các em.

Các em không nên nóng vội, vẫn còn thời gian để các em suy nghĩ, cân nhắc và tìm hiểu các ngành nghề mà mình yêu thích, đặt nền móng cho tương lai của mình.

Ngày mai (25/9), là ngày cuối cùng các em được quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển của mình bằng phương pháp trực tuyến. Hơn lúc nào hết, các em rất cần những lời tư vấn của thầy, cô, bố mẹ và những người đi trước, để có các em điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề đúng và trúng.

Mong rằng, khi các em đã hiện thực hóa ước mơ đại học của mình, thì các em hãy trau dồi kiến thức, tự học, tự chuẩn bị, nghiên cứu và xây đắp năng lực học tập suốt đời cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.