Sau 28 tháng 10 ngày bị bắt tạm giam, anh Lý được thay đổi biện pháp ngăn chặn và cho tại ngoại, đồng thời, Cơ quan CSĐT quyết định đình chỉ điều tra bị can do không đủ chứng cứ chứng minh anh Lý có tội.
Vụ án khép lại từ năm 2016, nhưng anh Lý vừa mới nhận được thông báo các cơ quan tố tụng sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai vào ngày 24/3 tới đây.
Họa vô đơn chí
Theo hồ sơ vụ án, tối 19/1/2014, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tâm đãi tiệc tất niên ở P.25, Q. Bình Thạnh, TPHCM. Khi chị Tâm bưng thức ăn ra bàn tiệc thì bị kẻ cướp giật sợi dây chuyền rồi rồ ga chạy.
Chồng chị Tâm và một người bạn lấy xe máy đuổi theo đến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh thì thấy anh Bùi Minh Lý (thời điểm này đang là Đảng viên dự bị, Bí thư Chi đoàn ấp Trung, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) chạy xe nên ép xe rồi xông vào đánh và khống chế anh Lý đưa về.
Chồng chị Tâm gọi tổ trưởng dân phố và công an đến làm việc. Anh Lý kêu oan từ đầu rằng mình đang từ quê Cần Giuộc, Long An lên Sài Gòn đón vợ về nhà. Ai giựt của ai cái gì anh không biết. Tuy nhiên, lời kêu oan của anh Lý rơi vào thinh không nên anh bị bắt tạm giam hơn 28 tháng.
Sau đó, tháng 7/2015, TAND quận Bình Thạnh xử sơ thẩm, đã kết tội Lý cướp giật tài sản và xử phạt 3 năm tù giam. Lý kháng cáo kêu oan. Tới tháng 9/2015, TAND TPHCM xử phúc thẩm đã nhận định rằng tòa sơ thẩm kết tội chỉ căn cứ vào các chứng cứ gián tiếp, chưa khách quan.
Lời khai của bị hại và người làm chứng có rất nhiều mâu thuẫn nên chưa đủ cơ sở chứng minh. Tòa sơ thẩm kết án mang tính quy chụp, vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Thế nhưng, tòa phúc thẩm lại không tuyên Lý vô tội mà hủy án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.
Sau nhiều lần trả hồ sơ, tháng 6/2016, Viện KSND quận Bình Thạnh thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho anh Lý tại ngoại sau 28 tháng 10 ngày bị bắt tạm giam. Sau gần 3 năm điều tra lại, Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với anh Lý, vì tiến hành điều tra lại vụ án, vẫn không đủ chứng cứ chứng minh anh Lý có tội nên Cơ quan điều tra đình chỉ theo Khoản 2 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vì hành vi không cấu thành tội phạm. Vụ án Bùi Minh Lý “cướp giật tài sản” chính thức thành án oan.
Mòn mỏi chờ xin lỗi
Vụ án khép lại từ năm 2016, nhưng vừa qua anh Lý mòn mỏi chờ nhận lời xin lỗi từ cơ quan tố tụng đã kết tội oan cho mình. Trong suốt thời gian diễn ra vụ án, luật sư Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Luật sư TPHCM), là người đồng hành cùng anh Lý kêu oan từ khi vụ án xảy ra đến khi chính thức được đình chỉ oan.
Từ tháng 12/2018, nữ luật sư đại diện cho anh Lý đã nhiều lần liên hệ làm việc và gửi nhiều đơn yêu cầu các cơ quan tố tụng quận Bình Thạnh tổ chức xin lỗi công khai và bồi thường oan sai cho Lý.
Đồng thời, luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng, trách nhiệm bồi thường oan cho Lý thuộc về TAND quận Bình Thạnh. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Nghị định 68/2018 quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường... cơ quan làm oan phải thông báo bằng văn bản cho người bị oan về việc tổ chức thực hiện phục hồi danh dự.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đã nhiều lần làm đơn xin gặp lãnh đạo tòa để giải quyết dứt điểm, đề nghị tòa tuân thủ pháp luật và tổ chức buổi xin lỗi công khai do đã làm oan đối với anh Lý.
Và đến nay, sau hơn 2 năm được đình chỉ, anh Lý cho biết mới nhận được thông báo các cơ quan tố tụng sẽ tổ chức buổi xin lỗi công khai vào ngày 24/3 tới đây. Tuy nhiên anh Lý cũng cho biết đang có nhiều băn khoăn. “Tôi thấy thông báo sẽ tổ chức xin lỗi tôi tại TAND quận Bình Thạnh, trong khi tôi muốn tổ chức ở quê nhà, nếu mà tổ chức ở TPHCM thì tôi sẽ không dự buổi xin lỗi đó” - anh Lý chia sẻ.
Theo lời kể của anh Lý, trong hơn 28 tháng bị tạm giam, anh bị đưa ra tòa 5 lần, 3 phiên sơ thẩm và 2 phiên phúc thẩm. Ngay từ đầu khi bị bắt tạm giam, anh Lý đã kêu oan, rằng mình không hề thực hiện hành vi cướp giật, vậy mà bản án sơ thẩm của TAND quận Bình Thạnh (TPHCM) vẫn tuyên anh 3 năm tù.
Khi Tòa phúc thẩm TAND TPHCM tuyên hủy án sơ thẩm, Lý được mời lên lấy cung 2 lần có sự chứng kiến của luật sư và sau đó cơ quan tố tụng cho tại ngoại. “Cho tại ngoại nhưng tôi vẫn không được phép đi khỏi nơi cư trú, chỉ quanh quẩn làm thợ hồ ở địa phương. Cho đến khi có quyết định đình chỉ điều tra, tôi mới có tự do thật sự” - anh Lý chia sẻ.
Trong thư thông báo vừa gửi ông Phạm Minh Triều - Chánh án TAND quận Bình Thạnh, anh Lý nêu: “Vừa qua, tòa thông báo sẽ về quê tôi xin lỗi công khai. Tôi quá đỗi vui mừng, mong mau mau đến ngày được nghe lời xin lỗi. Gia đình tôi, cha mẹ tôi, bà con trong ấp, trong xã cũng hân hoan mong được chính thức mắt thấy tai nghe về việc tôi bị oan.
Thế nhưng, ngày 5/3/2021 vừa qua, Phó Chánh án Vũ Ngọc Hoan (TAND quận Bình Thạnh - PV) đã mời tôi đến và nói rằng không về quê tôi xin lỗi nữa. Buổi xin lỗi sẽ được tổ chức tại tòa. Lý do ông Hoan đưa ra là sợ dịch, đồng thời UBND xã nơi tôi cư trú cũng thống nhất là không thể tập trung đông người và lo ngại vấn đề an ninh.
Tôi là một công dân luôn chấp hành các quy định của pháp luật. Ban đầu, tôi nghĩ vì cái chung, vì công cuộc phòng chống dịch bệnh nên đã đồng ý ký vào văn bản viết sẵn do ông Hoan đưa và chấp nhận việc được xin lỗi ở trụ sở tòa. Tuy nhiên, sau đó, tôi đến xã để hỏi về việc ông Hoan nói thì phát hiện sự thật không như lời ông Hoan.
Lãnh đạo xã tôi nói rằng xã sẵn sàng hỗ trợ, chuẩn bị mọi phương tiện, thiết bị, bảo đảm an ninh cần thiết trong khả năng có thể để tòa xin lỗi tôi. Về vấn đề e ngại dịch, lãnh đạo xã nói miễn bảo đảm nguyên tắc 5K trong phòng chống dịch là được...
Do đó, ngày 8/3/3021, bằng văn bản này, tôi thông báo với ông chánh án Phạm Minh Triều: Tôi phản đối việc xin lỗi tôi ở trụ sở TAND quận Bình Thạnh. Tôi yêu cầu tòa phải xin lỗi tôi tại địa phương nơi tôi cư trú…”.