Hỏi nhà ông Nhật ở thôn Đường Trưỡng, xã Lập Lễ, chúng tôi được chỉ theo con đường dẫn tới tận đê. Căn nhà nằm ở đây cũng là một câu chuyện dài về việc làm kinh tế của người cựu chiến binh sau khi xuất ngũ.
Tháng 11/1968, như bao thanh niên khác ở quê nhà, ông Nhật lên đường nhập ngũ. Vào chiến trường, ông được biên chế về Đoàn 551, trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, chiến trường Lào, tham gia các trận đánh ở Savalakhẹt, Xiêng Khoảng, Cánh đồng Chum…
Cuối năm 1973, bị căn bệnh sốt rét hành hạ, ông được chuyển ra Trạm điều dưỡng ở Cây số 0, đường mòn Hồ Chí Minh. Tình hình sức khoẻ ngày một xấu đi, ông rụng tóc, sức khỏe giảm sút nên không thể trở lại chiến trường. Tháng 11/1974, ông được cho xuất ngũ trở về địa phương.
Năm 1979, chính quyền vận động một nửa làng đi làm kinh tế mới ở Hà Cối, Quảng Ninh. ‘Nhưng làm ăn khó khăn quá, năm 1981 tôi lại về quê’.
Lúc này, ông Nhật đi vay mượn, bắt tay vào làm đầm.
‘Huyện về dạy lớp chăn nuôi đúng 6 ngày’ - ông nhớ lại.
‘Đầu tiên, tôi nuôi cá trắm nhưng không thành công vì cá rẻ quá, nhiều khi không bán được’.
Thất bại với cá trắm, ông chuyển sang nuôi cá vược, rô phi dương tính. Lúc ấy, ông chỉ có 11 ha đầm, đấu thầu thêm hơn 40 ha của xã. Ông bắt đầu ‘thắng’ từ đó, kinh tế gia đình đi lên trông thấy.
Đang đà làm ăn thuận lợi, năm 1999, ông quyết định bán căn nhà 3 tầng ở trung tâm xã với giá 160 triệu đồng - một tài sản lớn lúc đó để có tiền xoay vòng vốn.
Đang nhà cao cửa rộng ở trung tâm xã, cả gia đình ông gồm 6 nhân khẩu dọn ra túp lều 16 m2 cạnh chân đê. Thời điểm ấy, khu vực này được gọi là xóm liều, chưa có ai ở.
Vợ con ông phản đối, chẳng ai đồng ý, có người bảo ông hoang tưởng. ‘Vợ tôi cảnh báo ‘không khéo lại phải căng bạt mà ngủ’. Tôi nói ‘bà cứ yên tâm, tôi căng bạt quen rồi, đi bộ đội toàn mắc võng ngủ không’.
Dùng tiền bán nhà và vay mượn thêm, ông cải tạo hơn 60 ha ở đảo Vũ Yên để nuôi cá và làm vườn. Lợi nhuận thu về 250-300 triệu đồng. Ông trả hết nợ, tái đầu tư, mỗi năm nộp thuế cho nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Ngôi nhà khang trang được ông Nhật xây dựng sau khi làm kinh tế thuận lợi. Ảnh: Nguyễn Thảo |
Năm 2014, sau khi trả lại toàn bộ diện tích đầm ở đảo Vũ Yên cho nhà nước để xây dựng khu du lịch, ông tiếp tục nhận thầu hơn 24ha đầm Sơn Môi (xã Lập Lễ) để cùng con cháu nuôi thủy sản.
Từ ngày kinh tế khấm khá, ông có điều kiện quan tâm tới các hoàn cảnh khó khăn ở địa phương hơn.
Nuôi 2 cháu ngoại mồ côi cả bố lẫn mẹ từ khi các cháu 18 tháng và 2 tuổi, ông thường xuyên đi họp phụ huynh cho các cháu. Thấy đám trẻ mặc áo mưa rách, không có xe đạp, phải cuốc bộ mấy cây số đi học, thương quá, ông nảy ra ý tưởng tặng xe đạp cho các cháu.
Ông Nguyễn Hữu Nhật tặng xe đạp cho học sinh nghèo mỗi dịp khai giảng năm học mới. |
‘Tôi đi kéo cưa thuê, mua được một cái giường và một chiếc xe khung dựng đầu tiên năm 1971 bằng số tiền đi làm thuê suốt 45 ngày nghỉ phép’.
Bắt đầu từ năm 2014, cứ mỗi dịp năm học mới, ông lại tặng 10-30 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo. Đến nay, số xe đạp mà ông Nhật tặng cho học sinh xã Lập Lễ đã lên tới 51 chiếc, trị giá 100 triệu đồng.
Năm 2009, ông phát hiện một gia đình 4 người cùng xã không có nhà ở, phải ở trong túp lều dựng tạm bên góc nhà văn hoá. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Tý, chị Vũ Thị Nguyện - cả hai vợ chồng đều khuyết tật bẩm sinh.
Năm ấy 2 con gái của anh chị đã 16-17 tuổi nhưng vẫn cùng bố mẹ sinh sống trong căn nhà chỉ kê được đúng một chiếc giường bẹp. Khách vào nhà phải cúi đầu xuống, không là đầu chạm nóc. ‘Gọi đó là nhà cũng không phải. Mái lợp tạm bờ-rô xi măng, gạch xung quanh không có vữa trát, mà chỉ xếp chồng lên nhau rồi lấy cây chống’.
Ông Nhật kể, hai vợ chồng họ lấy nhau đã ở đấy rồi. Xã cho họ mượn một góc bên hồi nhà văn hoá. Họ sống từ đó đến khi con lớn. Gia tài lớn nhất trong nhà là con lợn 40kg.
‘Nếu chỉ thiếu 1 gian nhà thì tôi cho cả luôn, nhưng sau hỏi ra thì họ không có đất. Tôi lại đề xuất chính quyền xã cấp đất’.
Có đất, ông đi đầu ủng hộ 20 triệu đồng, còn lại ông đích thân đi vận động bà con làng xóm, họ hàng thân thích của 2 vợ chồng anh Tý trong đúng 3 ngày.
Kết quả là một ngôi nhà 56m2 trị giá hơn 60 triệu đồng được xây lên. Đến nay, gia đình anh Tý vẫn đang ở đó, 2 cô con gái cũng đã trưởng thành, kinh tế bớt khó khăn hơn trước.
Xúc động trước tình cảm của ông, gia đình anh Tý chia sẻ: ‘Nếu không có bác Nhật thì không bao giờ chúng tôi nghĩ đến chuyện làm nhà’.
Những tấm giấy khen, bằng khen được ông trân trọng treo ở một góc nhà. |
Sau đó ít năm, thấy đoạn đường đất 1km gần nhà gây bất tiện cho việc đi lại của gia đình và người dân, ông mạnh dạn đứng ra ủng hộ 50 triệu đồng, kêu gọi thêm bà con đóng góp được 100 triệu đồng để hoàn thành con đường.
‘Đến mỗi nhà, tôi kêu gọi bà con có bao nhiêu ủng hộ bấy nhiêu, còn bao nhiêu tôi sẽ bù’ - ông nói.
Hiện tại, tuổi đã cao, ông giao lại việc làm đầm cho các con. Ông chỉ còn nhận nhiệm vụ quản lý 2 khu chợ của xã. Với vị trí của mình, ông còn tạo điều kiện cho 2 cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn làm công việc thu vé chợ, kiếm thêm thu nhập. Cùng với đó, ông thường xuyên tặng quà, hỗ trợ vật chất những hoạt động tập thể của làng, xã.
Với những đóng góp cho cộng đồng suốt nhiều năm, người cựu chiến binh 71 tuổi nhiều lần được vinh danh ở xã, huyện, thành phố và cấp trung ương.
Nhận xét về những đóng góp của ông Nhật cho cộng đồng địa phương, ông Đinh Văn Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết: ‘Hằng năm ông Nhật vẫn tặng quà cho các học sinh nghèo vượt khó của xã. Quan điểm của chính quyền là ghi nhận và khuyến khích các cá nhân có khả năng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như ông’.