Cụt tay vì câu cá dưới đường điện cao thế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nam thanh niên 30 tuổi ở Tuyên Quang vô tình vung cần câu cá chạm vào đường dây điện khiến điện phóng gây bỏng, phải cắt cụt tay sau đó.

Bệnh nhân phải cắt cụt tay do bỏng điện cao thế. (Ảnh: BVĐK tỉnh Tuyên Quang)
Bệnh nhân phải cắt cụt tay do bỏng điện cao thế. (Ảnh: BVĐK tỉnh Tuyên Quang)

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, đang điều trị cho bệnh nhân H. (30 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) bị bỏng điện cao thế khi đi câu cá.

Được biết, mới đây, bệnh nhân H. có đi câu gần đường dây điện cao thế. Trong lúc vung cần vô tình chạm vào đường dây điện khiến điện phóng ra gây bỏng.

Điều đáng nói, sau tai nạn, người bệnh đau rát bỏng vùng ngực, cánh cẳng tay và 2 chân nên đã tự đắp thảo dược không rõ nguồn gốc tại nhà. Do không đỡ và đau nhiều, kèm theo chảy dịch nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang để thăm khám và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Quang Nguyên, Phó Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết: Bệnh nhân H. bị bỏng điện vùng ngực, cẳng tay và 2 chân, vết bỏng sâu, có nhiều vỏ thuốc nam bẩn bám vào và chảy dịch.

"Bệnh nhân đã bị nhiễm trùng vết bỏng, cánh cẳng tay hoại tử rất nặng nên có chỉ định phải cắt bỏ, nếu không toàn bộ khu vực cánh cẳng tay bị hoại tử sẽ nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm trùng máu, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

Trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã nỗ lực giành giật sự sống cho bệnh nhân, thực hiện phẫu thuật cắt bỏ cánh cẳng tay trái đồng thời tích cực chăm sóc các vết bỏng nặng trên ngực và 2 chân của bệnh nhân.

Hiện tại, sau hơn 10 ngày phẫu thuật và điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, các vết mổ và vết bỏng đã khô và lên da non.

Bệnh nhân tiếp tục được điều trị, theo dõi tại bệnh viện.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo: Người dân nên chú ý quan sát và tránh xa các dây điện (đặc biệt là dây điện cao thế) để tránh bị điện giật. Việc xử lý cấp cứu người bị điện giật ban đầu nhanh, đúng, hiệu quả sẽ góp phần làm tăng khả năng cứu sống nạn nhân và làm giảm nguy cơ di chứng tàn phế cho nạn nhân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ