Cướp được “lộc” liệu đã gặp may ?

GD&TĐ - Cứ mỗi độ tết đến, xuân về là hàng ngàn lễ hội diễn ra trên khắp mọi miền đất nước. Có thể nói lễ hội không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng người dân và truyền thống văn hóa của dân tộc ta. Lễ hội còn là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân trong dịp đầu xuân năm mới.

Nghi lễ rước giò hoa tre ở lễ hội đền Sóc đã được thay đổi để tránh hiện tượng cướp lộc gây phản cảm. Ảnh: theo Báo Nhân Dân.
Nghi lễ rước giò hoa tre ở lễ hội đền Sóc đã được thay đổi để tránh hiện tượng cướp lộc gây phản cảm. Ảnh: theo Báo Nhân Dân.

Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội sao cho thật sự vui tươi, văn hóa và mang lại ý nghĩa nhân văn là rất quan trọng, cấp bách hiện nay. Để làm được điều này không chỉ cần nỗ lực của ban tổ chức lễ hội hay cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng nhất là phải xuất phát từ chính ý thức của người tham gia lễ hội.

Đã từng xảy ra ở nhiều lễ hội cảnh chen lấn, bạo lực quá mức cần thiết để tranh, cướp cho bằng được “lộc” mà lễ hội phát ra khá phổ biến. Việc lấy bằng được “lộc” từ các lễ hội được cho là sẽ đem đến may mắn cho bản thân và gia đình là nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh chính đáng của người dân.

Nhưng việc đến lễ hội thì phải có được “lộc” cho dù phải chen lấn, tranh, cướp, thậm chí phải sử dụng đến bạo lực hoặc hành vi thiếu văn hóa là điều đáng bàn. Ví như đến đền Trần thì phải bằng mọi cách để có được ấn hoặc đến đền Bà Chúa Kho thì phải “vay” cho được nhiều tiền âm phủ để mong phát tài... hoặc những lễ hội để cho những người trẩy hội đua tranh để... giành giật cho bằng được vật “thiêng”!

Tuy nhiên, không ít người dù có lấy được “lộc” trong các lễ hội nhưng vẫn không chắc gặp được vận may. Minh chứng cho điều này, theo Ban quản lý đền Bà Chúa Kho, cứ dịp đầu năm người đến “vay vốn” rất đông, nhưng đến dịp cuối năm lượng khách về “trả vốn” đền chưa tới 1/10. Từ đó, cũng có thể thấy không có nhiều người “vay vốn” của Bà Chúa Kho thành công trong việc kinh doanh.

Theo dân gian thì ai có được “lộc” từ các lễ hội sẽ có được sự may mắn, an lành cho mình và người thân. Tất nhiên là những người có được “lộc” trong các lễ hội cần phải cầu, xin và nó phải đến một cách ngẫu nhiên hoặc bằng nỗ lực chân thành, thành tâm, trong sáng. Còn nếu dùng bạo lực, hành vi thiếu văn hóa để có được vật “thiêng’ thì cũng khó mà có thể cầu mong gặp may, phát tài!

Thiết nghĩ, bên cạnh việc mạnh tay xử lý những cảnh lộn xộn, thiếu văn hóa trong các lễ hội, cơ quan chức năng, đơn vị tổ chức lễ hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân không nên chen lấn, tranh, cướp hoặc có hành vi bạo lực, thiếu văn hóa để có được “lộc” trong các lễ hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ