Loại bỏ yếu tố phản cảm trong mùa lễ hội 2018

GD&TĐ - Vừa qua, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản yêu cầu địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội, không cấp phép, tổ chức lễ hội vì mục đích thương mại, vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh. Chỉ đạo dừng tổ chức đối với những lễ hội đã cấp phép trước đây nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, gây bức xúc dư luận xã hội.

Loại bỏ yếu tố phản cảm trong mùa lễ hội 2018

Chọi trâu nở rộ là vấn đề "nóng"

Nhìn lại năm 2017, lễ hội chọi trâu để lại quá nhiều hệ lụy. Ở một số nơi, lễ hội chọi trâu gây phản cảm khi ngay sau sới chọi trâu là cảnh bán thịt trâu, thậm chí biến cả thư viện, trường học, trụ sở chính quyền địa phương làm nơi xẻ thịt trâu để bán. Nhiều nơi, lễ hội chọi trâu đều có bán vé thu tiền, vi phạm quy định tổ chức lễ hội.

Vừa qua, sự cố lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là hồi chuông cảnh báo về những lễ hội mang yếu tố bạo lực. Sau sự việc đó, Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu Sở VH-TT Hải Phòng nghiên cứu, hỗ trợ UBND quận Đồ Sơn hoàn thành đề án điều chỉnh phương thức tổ chức lễ hội chọi trâu.

Tại Hội nghị Triển khai công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, lễ hội chọi trâu nở rộ ở nhiều địa phương là vấn đề “nóng” trong mấy năm qua. Bộ VH,TT&DL đã yêu cầu các địa phương vận động nhân dân không tổ chức lễ hội chọi trâu ở các địa phương, trừ Đồ Sơn - lễ hội đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Do đó, trong mùa lễ hội năm 2018, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu các địa phương cần kiên quyết xử lý, không để tái diễn loại hình lễ hội này ở địa phương.

Cần những thay đổi phù hợp

Cùng với mảng tối của lễ hội chọi trâu, các điểm nóng khác như cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội), lễ hội Đúc Bụt (Vĩnh Phúc), Đền Trần (Nam Định); chen lấn, tranh cướp phản cảm tại hội Phết Hiền Quan (Phú Thọ), những hình ảnh không đẹp trong diện mạo tổng quan của mùa lễ hội những năm trước cũng là vấn đề được đặt ra.

GS. TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, trước khi nhìn nhận các lễ hội như chém lợn ở Bắc Ninh, chọi trâu Đồ Sơn, đâm trâu tại Tây Nguyên... cần lưu ý về cội nguồn của các tục lệ này. Cần có những chương trình nghiên cứu bài bản và sâu hơn về hệ thống lễ hội truyền thống của nước ta hiện nay, để tìm được giải pháp phù hợp.

Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu của hội nhập quốc tế cũng như sự thay đổi của xã hội hiện đại, những gì không còn phù hợp, cụ thể hơn là các hành vi, hình ảnh bạo lực, lộn xộn và phản cảm ở từng lễ hội mà chúng ta đang tìm giải pháp rất cần được xem xét, điều chỉnh....

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề nghị, mùa Lễ hội 2018 phải giải quyết tốt một số giải pháp trọng tâm. Trong đó, quan trọng nhất là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy giá trị nhân văn, hướng thiện, không chạy theo lợi ích vật chất ở lễ hội. Làm tốt công tác phân công, phân cấp quản lý lễ hội.

Cụ thể, cần có cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tránh tư tưởng đùn đẩy. Cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như công an, y tế... phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết những vấn đề còn tồn tại, bức xúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.