Trước mùa lễ hội 2018, ngành VHTTDL đã đặt quyết tâm không để tồn tại của mùa lễ hội trước tái diễn. Để đạt được điều này, việc đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh được đặt ra như một giải pháp hàng đầu.
Cùng với nhiều giải pháp, nhiệm vụ của các địa phương là đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi phương thức tuyên truyền sao cho phù hợp để đạt hiệu quả cao. Đặc biệt, việc tuyên truyền phải truyền được thông điệp tốt đẹp, tránh tư tưởng tham lam, mưu lợi vật chất của người dân khi tham gia lễ hội.
Trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã đề nghị nhiều địa phương nghiên cứu, thay đổi cách thức tổ chức đối với những lễ hội có hình ảnh phản cảm như cướp phết, phát ấn, chém lợn, treo trâu....
Năm nay, nhiều lễ hội có hình ảnh chưa đẹp cũng đã đề xuất thay đổi các thức tổ chức. Với một lễ hội đang gây nhiều tranh cãi như chọi trâu, trong khi nhiều địa phương vẫn chưa quyết liệt trong chỉ đạo dừng cấp phép tổ chức. Quan điểm của Bộ VHTTDL đã thể hiện rõ ở các văn bản chỉ đạo về Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trong đó, có yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đảm bảo việc thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong lễ hội, không để xảy ra các hiện tượng phản cảm như: tranh cướp lộc, mê tín dị đoan, cờ bạc…. Quản lý chặt chẽ hoạt động cấp phép tổ chức lễ hội trên địa bàn, không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân ái của dân tộc, không cấp phép tổ chức Lễ hội chọi trâu, Hội Chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.
Bên cạnh việc tuyên truyền, ngành VHTTDL cũng có chế tài xử phạt trong quản lý, tổ chức lễ hội
Với những lễ hội, Hội Chọi trâu truyền thống, Bộ VHTTDL cũng đề nghị các Sở VHTTDL, Sở VHTT khi tổ chức phải trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của di sản văn hóa, trọng tâm là các nghi lễ truyền thống tại địa phương, đảm bảo tính trang trọng, đúng với giá trị di sản, ý nghĩa của lễ hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh lành mạnh trong nhân dân, hướng tới việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, tạo những hình ảnh đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Có thể nói, để đạt được những chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội thì từ nhiều năm qua, Bộ VHTTDL đã đề nghị các địa phương tăng cường tính chủ động, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Trong đó, giải pháp tuyên truyền luôn được đặt ra hàng đầu nhằm phần nào hạn chế những hình ảnh chưa đẹp của lễ hội.
Tuy nhiên, bên cạnh giải pháp tuyên truyền cần đồng thời thực hiện việc thanh kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm.