Chị từng dạy rất nhiều thế hệ nhân viên của mình rằng: “Muốn thành công, bạn phải hiểu tâm lý đối tác. Và muốn hiểu họ, bạn cần phải quan sát”. Nhưng có lẽ, bí kíp của chị chỉ có thể áp dụng trong công việc. Trong cuộc sống gia đình, dường như chị không phát huy được những kỹ năng tuyệt vời ấy.
Chỉ một số ít người bạn của chị biết rằng chị là một phụ nữ thất bại trong hôn nhân bởi lý do rất khó tin: Không thể đối thoại với chồng.
15 năm trước, chị cũng như những phụ nữ bình thường khác trên đời, kết hôn và sinh con. Chồng chị khi ấy là một người đàn ông chững chạc, tài giỏi và bản lĩnh. Nhưng căn bệnh kỳ lạ ập đến khiến anh không thể tiếp tục công việc.
Chị thay anh đứng lên gánh vác gia đình, giúp anh điều trị bệnh tật. Bị giam cầm trong 4 bức tường, cơ thể anh bức bí, đầu óc rối bời, những suy nghĩ tiêu cực không rủ cũng đến.
Mỗi buổi chiều tan tầm, thay vì hỏi han vợ, anh luôn chào đón chị bằng loạt câu hỏi rất kỳ lạ: “Cô đi đâu mà mất mặt cả ngày hôm nay vậy? Dạo này cô lạ thế? Cô có bầu rồi hả? Bố đứa trẻ là ai?...”.
Không muốn căn nhà chật chội nổ tung vì những lời cãi vã, chị chọn cách im lặng. Ngày nào cũng vậy, sau khi kèm bọn trẻ học bài và giải quyết nốt một số công việc trên điện thoại, qua 12 giờ đêm chị mới được ngả lưng.
Chị và anh li thân đã nhiều năm, mới đầu chị ngỡ điều đó sẽ giúp chị dễ ngủ hơn, nhưng không, cứ mỗi lần đặt lưng xuống giường, chị có cảm giác hàng trăm mũi kim đâm thẳng vào cột sống của mình, đau nhức và khó chịu vô cùng.
Chị không hề mắc bệnh xương khớp nhưng cái đầu mệt mỏi đã khiến cơ thể chị rệu rã đến mức đáng thương như vậy.
“Sao cậu chưa chịu bước ra khỏi chốn địa ngục ấy?” – rất nhiều lần người bạn thân hỏi chị như vậy. Đôi khi chị cũng tự vấn: “Mình sống lầm lũi ở gia đình ấy được bao lâu rồi? Mình đang sống hay đang tồn tại? Mình sẽ như vậy đến khi nào? Mình có muốn bứt ra không? Mọi người sẽ nghĩ gì về mình?...”. Và rồi chị cũng phải quyết định.
Chị định quay lại căn nhà ấy để thu dọn nốt đồ đạc cá nhân, nhưng chỉ vừa bước đến đầu ngõ chị đã thấy tiếng lao xao bàn tán của hàng xóm. Họ nhìn chị bằng ánh mắt ái ngại và có phần trách móc. Ngay dưới chân chị là đống quần áo, váy vóc, giày dép vung vãi vô cùng đáng thương. Nếu chúng không phải là của chị và không phải loại đắt tiền thì có lẽ người ta đã không nhìn chị bằng ánh mắt ấy.
Khu phố này ai cũng biết vợ chồng chị không hạnh phúc, nhưng vì chị giả câm giả điếc nhiều năm nay nên họ không nghe ngóng được gì cho đến khi thấy cảnh chị bị ném đồ đạc ra đường, có lẽ nhiều người đã tự khẳng định: Chị là một phụ nữ chẳng ra gì.
Công việc ngoài xã hội khó khăn bao nhiêu chị cũng không sợ, lắm lúc sóng gió ập đến chị cũng không hề nao núng. Nhưng không hiểu sao, khi đứng trước sự ngổn ngang của cuộc hôn nhân này, chị lại thấy mình thất bại, yếu đuối và chỉ muốn bỏ chạy. Đó cũng là lần cuối cùng chị nhìn lại căn nhà mình từng gắn bó 15 năm. Chị nuốt nước mắt, quay lưng và chạy thật nhanh ra taxi.
Cuối cùng chị cũng đủ tự tin và mạnh mẽ để tự thưởng cho bản thân một món quà sau nhiều năm cố chấp sống trong sự tù túng. Món quà ấy chính là sự tự do.
Sau khi ly hôn, chị chấp nhận nuôi cả 2 đứa trẻ vì không thể tin tưởng người đàn ông đang có vấn đề tâm lý.
Anh ta gần như phát điên ngay khi tòa chấp nhận đơn ly hôn của chị. Không chỉ tìm đến cơ quan của chị để gây sự, anh ta còn làm loạn ở trường của bọn trẻ.
Không ít lần chị phải bỏ dở công việc để chạy đến với con trong trạng thái tức giận, hoang mang tột độ. Từ bỏ một người đàn ông tệ như vậy cũng chẳng có gì đáng trách, nhiều lần chị tự an ủi bản thân như thế.
Chị không sợ đứng ra gánh vác mọi việc, vì thực tế chị đã từng trải qua những điều vô cùng kinh khủng khi còn sống cùng nhà chồng. Nhưng ngay lúc này đây, khi phải một mình chịu trách nhiệm cho cả 2 đứa trẻ mà không có ai để chia sẻ, chị thấy mình không còn chút sức lực nào nữa.
Căn hộ chị mới thuê chưa thể ở ngay được mà cần sửa lại rất nhiều chỗ, đồ đạc cũng phải sắm từng món, quần áo để mặc đi làm cũng không còn nữa. Chưa bao giờ chị thấy bản thân thảm hại đến thế, chị như kẻ đứng giữa ngã ba đường, không biết đi đâu về đâu.
Thứ duy nhất còn chút năng lượng có lẽ là chiếc điện thoại chị đang cầm, nó run bắn trên tay chị, số quen thuộc hiện lên, chị vuốt nhẹ màn hình: “Tôi mệt quá bà ạ”. Đầu dây bên kia, giọng bạn chị bình thản lắm chứ không sốt sắng như mọi khi: “Xong rồi, xong rồi, không sao cả nhé. Trước mắt, bà cứ đưa bọn trẻ về nhà tôi để nghỉ ngơi đã, mọi chuyện tính sau, đâu sẽ vào đấy hết ấy mà. Bà hãy nhớ, bà không cô đơn, luôn có tôi ở đây để hỗ trợ bà, cố lên nhé bạn tôi”.