Cuồng phong cứu Nhật Bản

GD&TĐ - Cuối thế kỷ XII, Đại Hãn Hốt Tất Liệt (1215 - 1294) 2 lần cho đại quân xâm lược Nhật Bản.

Nhờ trận bão to nổi lên đúng lúc, quân Mạc phủ đại thắng. Ảnh minh họa: Nippon.com
Nhờ trận bão to nổi lên đúng lúc, quân Mạc phủ đại thắng. Ảnh minh họa: Nippon.com

Cuối thế kỷ XII, Đại Hãn Hốt Tất Liệt (1215 - 1294) 2 lần cho đại quân xâm lược Nhật Bản. Cả 2 lần, quân Nguyên đều chưa qua được Vịnh Hakata thì đã bại trận, dù sự chống trả của các samurai vô cùng yếu ớt.

Sự “ngây ngô” của Nhật Bản

Năm 1271, Hốt Tất Liệt, cháu nội của Khả Hãn Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn (1162 - 1227) thiết lập Triều Nguyên, định đô tại Đại Đô, Trung Quốc. Vì mục tiêu chinh phục Nam Tống, ông cử sứ giả đến Nhật Bản, đề nghị thông thương nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế của nước đối thủ.

Trước khi Hốt Tất Liệt lên ngôi, Hoàng cung Kyoto từng cử sứ giả sang Trung Quốc kết bang giao. Trong thư giao cho sứ giả đến Nhật Bản, Hốt Tất Liệt nhắc lại chuyện này, chân thành mời Thiên hoàng cử sứ giả đến lại và hứa hẹn thiết lập quan hệ hữu nghị. Tuy nhiên, khi được Mạc phủ chuyển giao bức thư của Hốt Tất Liệt, Hoàng cung Kyoto lại phớt lờ. Đoàn sứ giả của nhà Nguyên phải về nước tay không.

Không nản lòng, Hốt Tất Liệt tiếp tục gửi sứ giả khác đến, nhưng triều đình Nhật Bản vẫn không đưa ra câu trả lời. Theo suy luận của nhà sử học Arai Takashige, nguyên nhân do Hoàng cung Kyoto thời điểm này gần như không biết gì về thế giới bên ngoài và cũng chưa có kinh nghiệm bang giao.

Đoàn sứ giả mà họ cử sang Trung Quốc trước đó chỉ mới quanh quẩn ở Nam Tống. Để nịnh bợ triều đình và phóng đại công sức của bản thân, đoàn sứ giả này đã đưa tin hoàn toàn sai lệch về Đế quốc Mông Cổ. Nếu nhận thức được nhà Nguyên lớn mạnh như thế nào, Hoàng cung Kyoto tuyệt đối không dám thờ ơ.

Càng đợi lại càng không thấy phản hồi nào, Hốt Tất Liệt nổi giận. Năm 1274, ông cử hạm đội 30 nghìn quân (trong đó có 20 nghìn là lính Mông Cổ và 10 nghìn là lính Cao Ly) tiến vào Vịnh Hakata, sẵn sàng đè bẹp Nhật Bản.

Thiếu thông tin chính xác và sự chuẩn bị, lực lượng Mạc phủ bị áp đảo ngay lập tức. Các samurai cứ ngỡ chiến tranh là một đối một, ỷ vào kỹ năng kiếm thuật mà kiêu ngạo. Họ không ngờ, quân Nguyên tảng lờ thách đấu một chọi một, lạnh lùng lấy nhiều địch ít. Bất kể samurai nào lao lên khiêu khích đấu tay đôi cũng đều bị một nhóm quân Nguyên bao vây và hạ gục.

Chưa hết, vũ khí của quân Nguyên còn mạnh hơn. Cung của họ bắn xa hơn, mũi tên lại tẩm kịch độc. Cho dù là samurai hay ngựa cưỡi của họ, chỉ cần bị mũi tên sượt qua cũng đủ tử vong.

Ngoài ra, quân Nguyên còn được trang bị thuốc súng, trong khi quân Nhật Bản chưa biết đến thuốc súng. Trước những quả đạn đen thui, nổ tung giữa trời, tỏa khói lửa mù mịt, các samurai bị kinh ngạc và ngựa của họ thì kinh hoảng. Kết hợp tất cả các lợi thế, quân Nguyên thắng như chẻ tre. Chưa hết một ngày, quân Mạc phủ đã buộc phải rút lui.

Bị áp đảo về quân số và vũ khí, các samurai dễ dàng thua trận. Ảnh minh họa: Nippon.com

Bị áp đảo về quân số và vũ khí, các samurai dễ dàng thua trận. Ảnh minh họa: Nippon.com

Gió thần bảo hộ

Tối đến, quân Nguyên quay lại thuyền neo trên mặt biển nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, quân Mạc phủ không tin nổi vào mắt mình, vì tứ phía lặng ngắt như tờ, không có lấy một bóng thuyền ngoại xâm. Cuộc tấn công đầu tiên của nhà Nguyên vào Nhật Bản cứ thế chấm dứt.

Lịch sử Nhật Bản gọi cuộc chiến này là Trận Bun’ei. Có rất nhiều giả thuyết xoay quanh sự biến mất bất ngờ của hạm đội quân Nguyên mạnh áp đảo, ví dụ như vì sự kết hợp giữa lính Mông Cổ và lính Cao Ly quá lỏng lẻo, vì các samurai Nhật Bản chiến đấu quá xuất sắc, tuy ít người và thua trận nhưng vẫn gây tổn thất nặng nề cho quân Nguyên, vì quân Nguyên chỉ trinh sát là chính, chưa có ý định đánh thật… đặc biệt là vì Nhật Bản được bảo vệ bởi Phong thần (thần gió).

Năm 1281, Đại Hãn Hốt Tất Liệt lần nữa cho quân xâm lược Nhật Bản và lần này, nguyên nhân rút lui của nhà Nguyên trong Trận Bun’ei có vẻ được làm sáng tỏ. Vào tháng 6 của năm này, 900 thuyền chiến được tập trung tại Triều Tiên và đi cùng với chúng là 17 nghìn thủy thủ, 10 nghìn quân Cao Ly, 15 nghìn quân Mông Cổ và Trung Quốc. Tại phía Nam sông Dương Tử, Trung Quốc, lực lượng lớn hơn bao gồm 3,5 nghìn thuyền chiến và 100 nghìn quân cũng sẵn sàng lên đường.

Ngày 23/6, lực lượng quân Nguyên tập trung ở Triều Tiên quyết định tấn công vào Vịnh Hakata trước. Với kinh nghiệm thua trận lần trước, quân Mạc phủ đã có sự chuẩn bị nghênh chiến tốt hơn. Họ đào công sự dài 20km trên bờ biển, tấn công và phòng thủ đầy dũng mãnh và khôn khéo, quyết không để quân Nguyên chiếm mất bãi biển.

Đêm xuống, khi quân Nguyên rút xuống thuyền nghỉ ngơi. Các samurai thả thuyền nhỏ, lẳng lặng tiếp cận và ám sát với mục tiêu giết được càng nhiều càng tốt trước khi bình minh lên. Bị quấy rầy, quân Nguyên buộc phải tháo chạy vào eo biển Tsushima, đợi hội quân với đại quân từ Trung Quốc.

Ngày 12/8, quân Nguyên hội đủ quân, sẵn sàng đổ bộ lên đất liền Nhật Bản. Các samurai chống trả quyết liệt. Bất ngờ, ngày 15, một cơn bão lớn ập đến. Cuồng phong điên loạn rú rít trên biển suốt 2 ngày đêm. Khoảng 4 nghìn thuyền chiến và 80% quân Nguyên bị bão đánh chìm xuống đáy biển. Quân Mạc phủ tuy cũng bị ảnh hưởng bởi bão, nhưng không cần chống trả quân Nguyên vẫn thắng to.

Bão tan, quân Nguyên tổn thất lớn, suy sụp rút lui còn Hoàng cung Kyoto và Mạc phủ thì tưng bừng mở tiệc. Đại quan Nijō Tameuji (1222 – 1286) được triều đình cử đến Đền Ise, nơi thờ thần gió tổ chức lễ tạ ơn. Dân gian Nhật Bản tín niệm, chính thần gió đã nổi cuồng phong, đánh tan quân Nguyên cả 2 lần. Năm 1293, triều đình nâng cấp Đền Ise, đặt tên là Đền Phong thần (Kazahinomi-no-miya).

Sau 2 lần thất bại, Hốt Tất Liệt vẫn chưa có ý bỏ cuộc nhưng, vì quân Nguyên liên tiếp bị đánh bật ở Việt Nam và Đông Nam Á nên ông không có cơ hội xâm lược Nhật Bản lần thứ 3.

Mặc dù thắng quân Nguyên, Mạc phủ ngày càng suy yếu. Trong cả 2 trận chiến, họ thiệt hại quá nhiều quân sĩ và đặc biệt là suy kiệt về kinh tế, đến mức không đủ tài chính để chi trả cho các samurai. Cuối cùng, vào năm 1333, thế lực này sụp đổ.

Theo nippon

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.