Cuối năm nghe gốm kể chuyện

GD&TĐ - Trong suốt năm qua, 16 điêu khắc gia và hoạ sĩ từ trong và ngoài nước đã chuẩn bị đặc biệt cho triển lãm mang tên “Chúng tôi kể chuyện gốm”.

Tác phẩm “Nhà trâu” của Lê Đình Nguyên.
Tác phẩm “Nhà trâu” của Lê Đình Nguyên.

Khai mạc vào tối 12/1, tại phòng tranh Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm - Hà Nội) với 16 tên tuổi nghệ sĩ tài danh trong giới điêu khắc – mỹ thuật.

Trái với tên của triển lãm, những tác phẩm đã “nói thay” nghệ sĩ kể câu chuyện của chính mình, từ khi còn là sét dưới lòng đất cho đến khi “bung lụa” trong lò lửa để khoác lên mình “bộ áo men” rực rỡ.

Câu chuyện mới trên chất liệu cũ

Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng trong giới điêu khắc có thể nhắc tới Thái Nhật Minh. Trẻ tuổi, nhưng xem những tác phẩm của anh và bảng kê các triển lãm lừng danh khiến cho tên tuổi của Thái Nhật Minh trở nên “gạo cội”.

Là một người yêu gốm, nương vào gốm để thoả mãn đam mê sáng tạo, Thái Nhật Minh đã không phụ tấm chân tình của sét. Từ những tác phẩm trong triển lãm chung năm 2011, Thái Nhật Minh đã đi từ những bức tượng mang tính tối giản trong seri voi, sên, mèo… cho đến những chú chim.

“Những con chim” năm 2013 đã tạo nên tiếng vang lớn cho Thái Nhật Minh. Mỗi con chim đều được tác giả khai thác ngôn ngữ điêu khắc ở những khía cạnh khác nhau. Từng cá thể chim ẩn chứa một khối tâm trạng, lắng đọng, suy tư.

Năm 2016, công chúng yêu nghệ thuật ấn tượng với triển lãm “Chinh phu – chinh phụ”. Một lần nữa, cách xử lý chất liệu của Thái Nhật Minh lại là điểm nhấn tạo cảm xúc mạnh mẽ. Ở chất liệu sắt, anh không sử dụng dạng tấm hay que thường thấy trong điêu khắc, mà xử lý chúng thành những mảnh hàn nhỏ, gợi kỹ thuật dệt áo giáp, hình tượng người lính xưa.

Còn lần này, thay vì tạo ra những con chim 3D như trước đây, Thái Nhật Minh lại dàn mỏng chúng thành 2D trên bề mặt bình gốm trắng men lam.

“Đây là một thời kỳ khác, kể cả trong tác phẩm khác lẫn trong triển lãm này, tôi muốn tìm một không gian mới”, nhà điêu khắc Thái Nhật Minh diễn giải như vậy.

Những con chim bay trên bình gốm là không gian rất mới, nhưng như thể chúng đang tự kể câu chuyện của mình trong vòng luân hồi cát bụi.

Thái Nhật Minh từng chia sẻ: “Tôi thường sử dụng điều cũ để nói những vấn đề hiện tại, mới. Thực chất các tác phẩm của tôi đều có xu hướng hoài cổ, dấu ấn cái cũ trong tác phẩm. Tất cả thực tại đều bắt nguồn từ quá khứ, cuộc sống hôm nay bắt nguồn từ ngày hôm qua. Tôi cho rằng, việc kết nối với quá khứ là việc cần thiết trong các sáng tác của mình”.

Họa sĩ Phạm Hà Hải đem đến câu chuyện đáng chú ý qua 2 chiếc bình gốm men ngà. Chính hai chiếc bình gốm này đã “gọi” và “kể” cho người xem thấy trên thân mình có điểm xuyết những nét bút phóng khoáng do bàn tay nghệ sĩ tạo tác. 

“Lột xác” sau hoả biến

Phóng bút trên gốm nhưng nét hoạ khá đồng nhất với phong cách trừu tượng vốn có của Hà Hải. Cùng mạch vẽ lấy cảm hứng từ truyền thuyết, cổ tích câu chuyện Tiên Dung – Chử Đồng Tử. Trên gốm, da thịt trắng ngần hiện ra thanh khiết trên khối gốm men ngà, khiến người xem thấy những nét gợi đằm thắm.

Năm 2017, hoạ sĩ Hải Hà cho ra đời bộ tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” với 100 đơn vị tranh độc lập. Hình tượng ấy mang dấu ấn đậm nét của nền văn hoá Việt, của những đặc điểm nhân học – xã hội và lịch sử riêng biệt.

Cũng là vẽ phụ nữ, nhưng đàn bà trong khối gốm tác phẩm của Khổng Đỗ Tuyền lại mạnh mẽ như thép, như đồng, như sắt và như một người đàn ông kiên vững. Có cảm giác như nghệ sĩ đã dựng khung cốt thép cho những tác phẩm gốm để gây dựng nên hình mẫu phụ nữ thời hiện đại.

Những bình gốm của Khổng Đỗ Tuyền vì thế vừa có sức mạnh của sự tự kiềm chế, vừa có cảm giác dễ bùng nổ.

Gốm không tự mình vỗ ngực là mạnh, không nhận mình là sắt đá. Nhưng qua bố cục, khám phá ý tưởng cùng thông điệp hội hoạ trên da gốm, người ta thấy gốm không chỉ ẩn tàng sức mạnh. Gốm còn những câu chuyện riêng, khi còn là sét là ủ rũ mềm dẻo, nhưng qua hoả biến thì trở nên mạnh mẽ, chứa đựng được cả những nỗi sầu muộn lẫn niềm vui bất tận.

Trong các tác phẩm gốm, nghệ sĩ Phạm Thái Bình vẫn trung thành với “tiểu đồng” mà ông theo đuổi sáng tác nhiều năm qua. Hình tượng này đã được ông xây dựng với nhiều chất liệu. Nếu như với composite, ông có thể làm những khối lớn với màu sắc rất khoa trương, hoặc tạo khối màu trong veo, thì với gốm, những tiểu đồng như đang học cách im lặng.

Tác phẩm làm người ta liên tưởng đến câu nói “không nói, không nghe, không nhìn” rất có chất thiền trong tư duy tôn giáo. Nhưng nó cũng gợi ra những đáng yêu, mực thước và luân lý làm người.

Trong khi đó, Vũ Đình Tuấn đưa những bức vẽ rất huê tình lên đĩa gốm. Đây cũng là một đề tài mới mà nghệ sĩ từng giới thiệu với công chúng trong triển lãm lụa với “Câu chuyện tháng Giêng”.

Triển lãm “Chúng tôi kể chuyện gốm” dù mới chỉ bắt đầu, nhưng dường như những câu chuyện đã được hoàn tất trong bản thể mỗi tác phẩm. Gốm nghệ thuật không còn xa lạ với công chúng, nhưng gốm nghệ thuật do các nghệ nhân làm vẫn rất khác so với bàn tay của các nhà điêu khắc và hoạ sĩ.

Từ bố cục, hình dáng, kích thước, màu sắc cho đến hoạ tiết đều được phát triển ở một tầm cao, dù gốm đó có thể là dòng gốm rất quen thuộc. Như bật mí của hoạ sĩ Phạm Hải Hà, thì các nghệ sĩ đã chọn những chất liệu truyền thống như gốm Bát Tràng, màu men lam.

Triển lãm kể chuyện gốm đánh dấu thời gian 6 tháng ròng rã các nghệ sĩ làm việc tại làng gốm Bát Tràng. Nhóm nghệ sĩ muốn dùng chất liệu truyền thống kể câu chuyện cá nhân, nhưng ẩn chứa tinh thần dân tộc. Qua đó, có thể thấy sức thể hiện của gốm truyền thống rất dồi dào, mạnh mẽ mà những người làm nghệ thuật có thể tận dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỷ lệ sinh tại Nam Á bắt đầu giảm.

Phụ nữ Nam Á ngại… sinh con

GD&TĐ - Ngày càng nhiều phụ nữ tại Nam Á không muốn sinh con vì những lý do như tài chính, trách nhiệm gia đình, thậm chí là lo sợ về ngày 'tận thế'.