Lo lắng bởi với người bệnh mắc bệnh về máu thì việc thiếu máu ngày nào đồng nghĩa với sức khỏe của họ mất đi cơ hội hồi phục ngày đó. Còn với bác sĩ, thiếu máu khiến bệnh nhân lo 1 thì bác sĩ lo 10...
Nỗi lo dai dẳng
Sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch vài ngày, khoa Lưu trữ và Phân phối máu của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã rơi vào cảnh thiếu trước hụt sau. Báo cáo của khoa cho thấy, từ ngày 4/1, lượng máu dự trữ trong Viện chỉ còn 6.910 đơn vị, trong đó đặc biệt nhóm máu O chỉ còn 1.295 đơn vị (18,7% tổng lượng máu dự trữ).
Là đơn vị chịu trách nhiệm thu nhận và phân phối máu điều trị cho 180 bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc cũng như điều trị cho gần 1 ngàn bệnh nhân mắc bệnh về máu tại Viện, trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cần tối thiểu 1.500 đơn vị máu, trong đó riêng nhóm máu O cần tối thiểu 45% tổng lượng máu, tương đương với 700 đơn vị/ngày. Như vậy, nếu không được bổ sung thêm, số máu dự trữ trong kho chỉ đủ cho 2 ngày kế tiếp.
Việc thiếu máu điều trị không còn là chuyện lạ. Năm trước, Viện cũng rơi vào tình trạng thiếu máu nhóm A trầm trọng. Nói vậy để thấy rằng thiếu máu không còn là chuyện lạ với bệnh nhân và y bác sĩ ở đây. Với người khỏe mạnh, việc thiếu máu không quá quan trọng và đôi khi không đáng để lưu tâm nhưng với các bác sĩ, máu là liều thuốc đầu tiên để cấp cứu cho bệnh nhân không may bị tai nạn, thảm họa.
Với người bệnh, máu với họ quan trọng hơn cơm ăn, nước uống hàng ngày. Bởi đến ngày phải truyền máu hoặc chế phẩm từ máu mà bị thiếu, sức khỏe của họ rơi vào cảnh... ngàn cân treo sợi tóc. Do vậy, với họ, mong ước duy nhất là kho lưu trữ máu của bệnh viện luôn dồi dào đơn vị máu các loại. Chỉ vậy thôi đã giúp bệnh nhân và người nhà họ vơi bớt nỗi lo.
Sức mạnh cộng đồng
Sau khi Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương công bố tình trạng thiếu máu và phát đi thông điệp kêu gọi người dân hiến máu tình nguyện. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng, rất nhiều người dân ở Hà Nội và khu vực lân cận đã đến Viện hiến máu, trong đó có rất nhiều bạn trẻ, học sinh sinh viên. Có những người mới đi hiến được hơn 1 tháng nay có lời kêu gọi lại đi hiến tiếp.
Chỉ tính riêng trong ngày 6/1, Viện đã tiếp nhận được 308 đơn vị máu, trong đó có một nửa là máu nhóm O. Đến ngày 7/1, theo báo cáo từ khoa Lưu trữ và Phân phối máu, lượng máu được lưu lên tới hơn 8 ngàn đơn vị, trong đó nhóm máu O có trên 2 ngàn đơn vị. Như vậy, sau 3 ngày kêu gọi, lượng máu nhóm O dự trữ tăng từ 7,3% lên 26% và dự kiến tiếp tục tăng lên do vẫn còn người đến hiến máu tình nguyện.
Chị Nguyễn Thu Huệ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Dù công việc cuối năm bận rộn nhưng khi biết có thông tin trung tâm lưu trữ thiếu máu trầm trọng, lại đúng nhóm máu của mình nên đã xin nghỉ 1/2 buổi để đi hiến.
Tương tự, chị Nguyễn Hồng Hương (Công ty Pact Việt Nam) cùng mấy đồng nghiệp cũng tranh thủ thời gian đến hiến máu. Đây là lần thứ 3 chị Hương đi hiến máu, lần nào chị cũng có cảm giác hồi hộp xen lẫn hạnh phúc bởi một ít máu của mình lại trở thành món quà vô giá với người khác.
Máu và các chế phẩm từ máu là một loại thuốc đặc biệt. Không nhà sáng chế, công ty dược phẩm nào có thể sản xuất loại thuốc trên mà hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu được hiến trong cộng đồng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, với dân số như hiện nay, nước ta cần khoảng 2% người dân đăng ký hiến máu tình nguyện. Ở nước ta, phong trào hiến máu đã phát triển và thay đổi việc sử dụng máu từ người bán sang người tình nguyện.
Mặc dù chương trình hiến máu tình nguyện vẫn diễn ra nhưng cũng có thời điểm ngân hàng máu rơi vào tình trạng “thiếu vốn”. Lúc này, nguồn máu từ cộng đồng là vô cùng cần thiết. Qua việc thu gom máu nhóm O những ngày qua cho thấy sức mạnh cộng đồng lớn nhường nào. Chỉ cần một thông điệp phát đi, người dân mọi lứa tuổi, công việc khác nhau đều dành chút thời gian để chia sẻ giọt máu của mình với người bệnh.