Cuối năm, báo động tình trạng ngộ độc rượu

GD&TĐ - Năm nào cũng vậy, từ cuối năm dương lịch cho đến Tết Nguyên đán là thời điểm các cơ quan, đơn vị tổ chức tổng kết, liên hoan cuối năm. Đây cũng là dịp để bạn bè, người thân gặp gỡ sau một năm vất vả. 

Cuối năm, báo động tình trạng ngộ độc rượu

Đi nhiều, ăn nhậu liên miên khiến sức khỏe nhiều người giảm sút. Không ít người phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu.

Đón năm mới trong bệnh viện

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) có lẽ là nơi “gặp gỡ” quen thuộc của nhiều bệnh nhân ngộ độc nặng. Với các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây, việc tiếp nhận những bệnh nhân ngộ độc rượu đến mức mê man, bất tỉnh hay bệnh nhân được chuyển thẳng từ quán nhậu đến đây là chuyện quá bình thường. Cũng có người cùng bạn bè liên hoan đón năm mới nhưng kết quả lại vào viện “ăn, ở” cùng nhân viên y tế.

Đến hẹn lại lên, từ giữa tháng 12, lượng bệnh nhân vào Trung tâm Chống độc bắt đầu tăng. Thời điểm căng thẳng nhất là cận Tết Dương lịch và Nguyên đán, gần như ngày nào cũng có bệnh nhân nặng được chuyển đến.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, bệnh nhân nhập viện liên quan đến rượu ở nhiều độ tuổi khác nhau, nam có, nữ có nhưng đều tựu chung một điểm là… không biết gì. Bệnh nhân đang được điều trị tại trung tâm đến từ Hà Nội, 57 tuổi.

Theo người nhà bệnh nhân, trước đó bệnh nhân mua rượu không rõ nguồn gốc về uống. Một ngày sau khi uống, bệnh nhân cảm thấy đau đầu, nhìn mờ rồi lịm đi. Gia đình đưa bệnh nhân vào cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhà và được chuyển thẳng lên Trung tâm Chống độc.

Hồ sơ bệnh án cho thấy, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, toan chuyển hóa nặng, suy gan, suy thận, huyết áp tụt... nghi ngộ độc nặng. Kết quả xét nghiệm, lượng methanol trong máu bệnh nhân lên tới 169mg/dL (trong khi bình thường 20mg/dL đã là rất nặng). Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã áp dụng phác đồ điều trị tích cực như hồi sức, lọc máu, đặt nội khí quản.

Trường hợp ngộ độc rượu mới được tiếp nhận là bệnh nhân nữ. Mặc dù chỉ uống một ít rượu trong buổi liên hoan với bạn bè nhưng cũng đủ khiến bệnh nhân lịm đi sau một đêm. May mắn được phát hiện, đưa vào viện kịp thời nên trong ngày, bệnh nhân tỉnh táo trở lại.

Nâng ý thức tự bảo vệ sức khỏe

Ngộ độc rượu không còn là chuyện lạ trong cộng đồng và với bác sĩ. Ngoài những trường hợp ngộ độc cấp tính, khoa Tâm thần các bệnh viện cũng thường xuyên tiếp nhận các sâu rượu đến điều trị vì loạn thần và nhiều biến chứng khác do dùng rượu lâu ngày gây ra.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương, nhân viên y tế quá quen với cảnh bệnh nhân nằm viện vẫn đòi uống rượu. Hay có trường hợp trong quá trình điều trị trốn ra cổng viện mua rượu uống…

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, so với chất ethanol sinh ra trong rượu nấu từ gạo thì methanol (chất được người sản xuất chủ động cho vào để tăng độ cồn, để tăng lợi nhuận) thì methanol có hại cho cơ thể rất nhiều.

Theo đó, methanol vào trong cơ thể sẽ được chuyển hóa thành chất độc hơn, phát tác chậm, sau 1 - 2 ngày các biểu hiện bên ngoài mới rõ rệt. Nếu cứ uống liên tục với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ được tích lũy gây các tổn thương cho người bệnh.

Điều này lý giải tại sao có nhiều người ngộ độc rượu dù được phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhưng vẫn không qua khỏi do methanol trước đó đã phá hủy nhiều bộ phận trong cơ thể. Trong trường hợp được cứu sống thì những người ngộ độc methanol sẽ phải chung sống với biến chứng trọn đời. Di chứng ở mắt, não, gan, thận... biến nhiều người đang khỏe mạnh thành tàn phế, sống phụ thuộc vào người khác cả đời.

Tác hại của rượu đã rõ ràng. Tử vong do rượu cũng có. Sống chung với biến chứng của rượu cũng nhiều. Hàng năm, các bệnh viện, đặc biệt là Trung tâm Chống độc, truyền thông đều cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu chứa methanol nhưng dường như đều không “lọt” vào tai nhiều người, nhất là bợm nhậu.

Làm thế nào để hạn chế tình trạng ngộ độc methanol, ngành Y tế nhiều lần khuyến cáo cần quản lý chặt hơn nữa cồn công nghiệp (methanol) mà trước mắt là nhuộm màu loại cồn này để người dân, cơ quan quản lý dễ dàng phát hiện khi chúng được sử dụng trong sản xuất thực phẩm.

Điều quan trọng nhất là ý thức tự bảo vệ sức khỏe bản thân của mỗi người. Muốn làm điều này, giáo dục gia đình giữ yếu tố quan trọng.

Trong số những bệnh nhân ngộ độc rượu, qua xét nghiệm hầu hết đều có hàm lượng methanol trong máu vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Điều này đồng nghĩa với việc người bệnh uống một lượng rượu lớn và thường xuyên uống rượu. Mặt khác, methanol trong máu cao chứng tỏ chất lượng rượu kém, rượu rẻ tiền bởi nếu nấu đúng quy trình sẽ loại bỏ được phần lớn hoạt chất trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.