Cưỡi lạc đà khám phá miền cổ tích trên cát

GD&TĐ - Nằm phía Tây Ấn Độ, Thar là sa mạc lớn thứ 7 thế giới, chiếm 70% diện tích bang Rajasthan. Cưỡi lạc đà vào sa mạc là điều-phải-làm của du khách khi đến đây. Tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội này. Đó là trải nghiệm thật đặc biệt mà tôi từng trải qua.

Khám phá sa mạc Thar
Khám phá sa mạc Thar
Cưỡi lạc đà khám phá sa mạc Thar
Đặt tour đi cắm trại trên sa mạc, chúng tôi háo hức xuất phát khám phá Thar (trên 200.000km2) ngay trong buổi chiều. Từ Jaisalmer, lên xe Zeep, đi khoảng 40km là đến sa mạc. Đây cũng là điểm trung chuyển sau khi Abdula - anh chàng tổ chức tour - “thả” chúng tôi xuống để chuyển sang “phương tiện” di chuyển trên cát phổ biến ở đây là những chú lạc đà.

Lần đầu tiên nhìn thấy lạc đà và cũng là lần đầu tiên được ngồi vắt vẻo trên lưng chúng, lắc lư đi trên sa mạc, cảm giác thật thú vị.

Khi ngồi trên độ cao gần 3 mét so với mặt đất giúp tôi có cái nhìn toàn cảnh bao quát hơn. Tôi cảm nhận rõ hơn vùng đất của những cồn cát vàng chạy dài, của hỗn hợp đá với khí hậu khô nóng. Thế nhưng có lẽ vẻ đẹp của vùng đất này lại nằm ngay trong chính sự thô ráp của nó.

Đó là những chú lạc đà thong dong xuyên sa mạc, là hình ảnh của những người phụ nữ Ấn Độ cần mẫn đội bình đi lấy nước; là những pháo đài, cung điện được xây dựng trên các ngọn đồi cao đầy đá.
2_nk.jpgNhững người phụ nữ tảo tần đi lấy nước
Hơn 2 tiếng vắt vẻo, lắc lư trên lưng lạc đà, dưới ánh mặt trời chiếu rọi, 2 người “nài” lạc đà cho đoàn vừa đi vừa đổ nước lên đầu để làm dịu cơn nóng, uống một hơi hết nửa lít nước. Còn những chú lạc đà sau một hồi di chuyển, cũng được tiếp thêm nước khi tấp vào một giếng nước đã khá cạn. 
Tiến sâu vào sa mạc, nhìn ánh chiều hắt bóng đoàn người cưỡi lạc đà in trên cát, tôi ngỡ mình như lạc vào câu chuyện “Nghìn lẻ một đêm” khi thấy hình ảnh của những người lái buôn trên con đường tơ lụa xưa kia như đang hiện về.
Trên đường đi, tôi gặp không ít bụi cây Vương miện kiên cường trong gió cát trổ những chùm hoa tím biếc. Dừng chân, chúng tôi thích thú nô đùa trên cát; khám phá thiên nhiên hoang dã, ngắm nhìn phong cảnh sa mạc với những cồn cát chạy dài miên man trong nắng chiều… hò hét, thi nhau tạo dáng chụp ảnh, mặt trời đã “rơi” xuống lúc nào chẳng biết. Đêm ấy, nằm rúc trong chăn ấm, nghe gió vi vu thổi qua đỉnh đầu, giấc ngủ kéo đến thật nhanh…
3_nk.JPG
Sức sống của xương rồng trên cát

Cuộc sống bình dị ở Golden City

Trở về Jaisalmer, chúng tôi dành trọn một buổi chiều khám phá Golden City. Đúng như cái tên của nó, sắc vàng chính là màu chủ đạo bao phủ hầu hết các công trình kiến trúc, các di sản, những ngôi nhà của người dân.
Nằm trong danh sách “10 nơi nên đến trước khi chết” do websitte www.msn.com bầu chọn, Jaisalmer rộng chỉ 5km2, nằm trên ngọn đồi bằng phẳng Trikuta. Điểm độc đáo khiến thành phố cổ xưa này trở thành điểm du lịch nổi tiếng, cuốn hút du khách đó chính là pháo đài sống: Golden Fort.
4_nk.JPG
Nụ cười thân thiện ở Golden City

Tại Ấn Độ có khá nhiều pháo đài. Nếu như ở Delhi, Agra, pháo dài có màu đỏ, thì tại Jaisalmer, pháo đài khoác lên màu chủ đạo của thành phố - màu vàng. Khác với những pháo đài và di sản xưa trên đất Ấn Độ huyền bí, hầu hết giờ đã thành bảo tàng hay điểm tham quan…, Golden Fort lại là một di sản “sống”.

Đây là nơi sinh sống và kinh doanh của những cư dân thành phố. Len lỏi trên những con đường đá, đất nện vàng nâu trong pháo đài, tôi thỏa sức khám phá các công trình kiến trúc, không khỏi choáng ngợp trước những đền đài, công trình được trạm trổ tinh xảo trên nền đá sa thạch. 

Những tòa lâu đài hàng trăm năm tuổi được làm bởi các người thợ thủ công tài hoa xưa kia thực sự là những tuyệt tác. Đặc biệt đã qua bao nhiêu thời gian, chúng vẫn được lưu giữ sống động đến tận ngày nay.
5_nk.JPG
Thành phố nhìn từ pháo đài cổ

Trong pháo đài, người dân vẫn giữ nếp sống cũ, nhiều truyền thống như từ ngàn năm trước. Lang thang trong những con ngõ nhỏ chạy ziczac, chuyện trò với những con người hồn hậu, xà vào các gian hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo, cửa hàng vải, thảm, saree đủ màu sắc, các con đường cứ cao dần, cao dần… để rồi khi đứng ở điểm cao nhất của pháo đài, ngắm nhìn trọn vẹn Thành phố Vàng dưới chân, lòng mênh mang nghe gió thổi bên tai, câu chuyện cổ tích khi xưa lại tràn về…

Thông tin cho bạn

- Khí hậu ở Jaisalmer khá khô và nóng vào mùa hè, lạnh giá vào mùa đông. Tùy thời gian, điều kiện… tour khám phá sa mạc Thar có thể chỉ 1 ngày đêm, ngắm hoàng hôn và đón bình minh trên sa mạc hay nhiều ngày đêm lang thang. Tuy nhiên, có lẽ bạn chỉ cần trải nghiệm 1 ngày đêm là đủ, bởi ngồi lâu trên lưng lạc đà cũng không dễ chịu.

- Golden Fort - người địa phương còn gọi là Sonar Quila là pháo đài duy nhất trong rất nhiều pháo đài còn lại ở Ấn Độ hiện nay vẫn còn khoảng 2.000 cư dân và giữ nguyên nếp sống như hàng trăm năm nay  vốn có. Pháo đài được xây dựng từ năm 1156 dưới thời cai trị của vua Jaisal Rawal, có những bức tường thành cao đến 76m, có đến 99 tháp canh, 4 cổng thành đồ sộ  và 3 lớp thành bảo vệ; đến nay vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn.

Theo phunuvietnam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ