Cuối 2019, dự án BOT không có trạm thu phí tự động sẽ bị dừng thu phí

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu kiên quyết dừng thu phí đối với các dự án nếu không triển khai thu phí tự động không dừng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp

Hoàn thành dự án đúng theo lộ trình của Thủ tướng

Tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng diễn ra chiều nay (6/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, tiến độ dự án thu phí không dừng được Bộ GTVT kiểm soát theo từng tháng và bám sát theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng.

Giai đoạn 1 của dự án có 26 trạm, đến thời điểm này đã vận hành thương mại được 23 trạm, 3 trạm còn lại cơ bản xong. Ngoài 26 trạm, giai đoạn 1 của dự án cũng bổ sung thêm 18 trạm, một số trạm đã hoàn thành và vận hành thương mại. Với tiến độ này, giai đoạn 1 sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Đối với giai đoạn 2, Bộ trưởng cho biết, khác với giai đoạn 1 được Thủ tướng cho phép chỉ định thầu, việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng cho 33 trạm được tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi với hồ sơ thầu minh bạch, có sự phối hợp các bên liên quan. Theo Bộ trưởng, nhiều thông số được đưa vào hồ sơ thầu theo hướng ưu tiên các tập đoàn viễn thông có tiềm lực, nên khi họ trúng thầu tiến độ sẽ được triển khai nhanh.

“Ngày mai (7/3) sẽ mở thầu và từ tháng 4 sẽ triển khai thực hiện. Còn 8 tháng để thực hiện giai đoạn 2. Bộ GTVT tự tin sẽ hoàn thành dự án vào cuối năm nay đúng theo lộ trình của Thủ tướng đã chỉ đạo. Ngoài ra, các trạm BOT do địa phương quản lý, Bộ GTVT đã tổ chức họp và yêu cầu các địa phương khẩn trương thực hiện theo lộ trình Quyết định 07”, Bộ trưởng cho biết thêm.

Để hoàn thành đúng tiến độ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, sẽ điều chỉnh Thông tư 49 về tổ chức hoạt động trạm thu phí. “Mong muốn của xã hội, Chính phủ, Bộ GTVT là công khai, minh bạch công tác thu phí. Vì vậy, Thông tư 49 sẽ sửa đổi để đẩy nhanh thu phí không dừng, một số hành vi cản trở thu phí sẽ bị xử phạt nghiêm”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Quyết định 07 của Thủ tướng chỉ đạo đến hết năm 2019, các trạm thu phí phải thu phí không dừng. Tuy nhiên, cả nước hiện có khoảng hơn 3 triệu xe ô tô, hiện số xe dán thẻ Etag chỉ được khoảng 1 triệu, giai đoạn đầu của dự án nếu không có làn thu phí thủ công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng xe lưu thông.

“Bộ GTVT sẽ báo cáo Thủ tướng để lại làn thu phí thủ công, nhưng sau năm 2019, phương tiện không có thẻ thu phí không dừng sẽ phải xếp hàng ở làn thủ công để đi qua trạm”, Bộ trưởng nói.

Tổ chức tọa đàm, công khai quy trình giám sát thu phí

Để cung cấp thông tin thu phí cho người dân, Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ tổ chức hội nghị mời các cơ quan liên quan như: ngân hàng, công an, nhà đầu tư... để công khai quy trình giám sát thu phí, cung cấp thông tin về giám sát thu phí để chuyên gia, xã hội góp ý. Bộ trưởng cũng giao Báo Giao thông phối hợp với Tổng cục Đường bộ tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng giao Tổng cục Đường bộ rà soát để kết nối thông tin dữ liệu thu phí không dừng giữa Bộ GTVT với ngành Thuế và Công an, cả cấp Trung ương và địa phương để kiểm soát.

Đối với việc thu phí không dừng các tuyến cao tốc, Bộ trưởng yêu cầu các nhà đầu tư như: Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính VN (VIDIFI), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ GTVT sẽ “mạnh tay” với nhà đầu tư không triển khai, hết năm 2019 tuyến cao tốc nào không triển khai, nhà đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và Bộ GTVT sẽ kiên quyết dừng thu phí.

Đối với việc ký hợp đồng giữa nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (VETC), Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ đốc thúc, giám sát, đến 10/3 phải hoàn thành dứt điểm để tạo điều kiện cho VETC triển khai thực hiện. Đối với xe công, Bộ trưởng yêu cầu có văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất đến hết tháng 6 này, tất cả xe công, xe biển xanh, biển đỏ phải dán thẻ thu phí không dừng và sử dụng.

Liên quan đến việc hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu để sửa Thông tư 49 và Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ theo hướng ưu tiên cho xe dán thẻ đi vào làn thu phí không dừng. Sau năm 2019, xe nào không dán thẻ sẽ phải xếp hàng chờ và không giới hạn chiều dài xe dừng trước trạm. Làn thu phí không dừng chỉ dùng cho xe có dán thẻ và nạp tiền đi quan trạm. Hiện việc dán thẻ đã thuận lợi với nhiều hình thức, Bộ GTVT không khuyến khích trả tiền thu phí theo cách thủ công vì không công khai minh bạch. Hành vi vi phạm gây rối sẽ xử lý nghiêm”, Bộ trưởng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để tạo thuận tiện cho người dân đi lại, cần phải ưu tiên số một cho các trạm cửa ngõ các thành phố lớn, vì đây là những trạm có lưu lượng xe lớn nếu sử dụng thu phí không dừng sẽ giúp lưu thông nhanh hơn, tránh ùn tắc.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu rà soát lại một số nội dung không còn phù hợp trong Quyết định 07 của Thủ tướng. Nội dung nào không phù hợp cần điều chỉnh, các đơn vị dự thảo trình lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ thảo luận kiến nghị Thủ tướng sửa đổi. Đồng thời, tham mưu cho Thủ tướng có Chỉ thị chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện tốt Quyết định 07”, Bộ trưởng chỉ đạo.

Keyword đầu tiên có dấu

Bộ GTVT sẽ kiên quyết dừng thu phí đối với chủ đầu tư không triển khai thu phí không dừng - Ảnh minh họa

Đề xuất tất cả xe biển xanh, biển đỏ gương mẫu thực hiện trước

Trước đó, báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ hợp tác công tư (PPP) cho biết, đến thời điểm hiện tại, 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang hoàn thành đúng tiến độ. Đã có 23 trạm vận hành thương mại, còn 3 trạm đang triển khai.

Ngoài 26 trạm, giai đoạn 1 bổ sung thêm 18 trạm, đã có 2 trạm vận hành thương mại, 15 trạm đang triển khai. Một số trạm cửa ngõ như Pháp Vân - Cầu Giẽ đã lắp đặt xong nhưng do thu phí liên thông với Cầu Giẽ - Ninh Bình đang chờ VEC do đơn vị này triển khai chậm và không quyết liệt. Đây đang là điểm nghẽn của dự án. Các tuyến cao tốc còn lại của VEC cũng trong tình cảnh tương tự.

Theo ông Huy, mặc dù Bộ GTVT đã tích cực chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên đôn đốc, đã hoàn thành hồ sơ điều chỉnh dự án, tuy nhiên trong quá trình đàm phán để ký phụ lục hợp đồng, nhà đầu tư BOT yêu cầu các điều khoản vô lý như: cam kết ràng buộc trách nhiệm của bên thứ 3.

"Để tăng cường sử dụng dịch vụ thu phí không dừng, Vụ PPP đã dự thảo ban hành chỉ thị lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Vấn đề là chúng ta khuyến khích người dân sử dụng, nhưng xe của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực hiện. Vụ PPP kiến nghị tất cả xe biển xanh, biển đỏ gương mẫu sử dụng thu phí không dừng trước. Bên cạnh đó, riêng làn thu phí không dừng, không được cho xe không dán thẻ đi vào, kể cả khi ùn tắc. Xe không dán thẻ mà đi vào làn thu phí không dừng khiến chất lượng giảm, dẫn tới người dân không thấy được tính ưu việt của thu phí không dừng”, ông Huy nói.

Ông Nguyễn Văn Dưỡng, Chủ tịch HĐQT Công ty thu phí tự động VETC cho biết, các trạm trong dự án đã hoàn thành lắp đặt, vận hành thương mại, các làn còn lại đang lắp đặt thiết bị. Tuy nhiên, ông Dưỡng cho biết, nếu theo phương án tài chính, doanh thu đến thời điểm này phải đạt trên 600 tỷ, nhưng đến nay tổng doanh thu dự án đạt khoảng 78 tỷ đồng, đạt khoảng 13% phương án tài chính, nhà đầu tư đang bị lỗ.

“Để dự án đảm bảo tiến độ, cần sớm hoàn thành ký phụ lục hợp đồng thu phí không dừng và phụ lục hợp đồng với nhà đầu tư BOT làm cơ sở khả thi phương án tài chính cho dự án điều chỉnh; Đồng thời ký hợp đồng dịch vụ với các bên liên quan mới trích được doanh thu theo chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Dưỡng đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, dù đã vận hành được 26 trạm, nhưng số lượng xe sử dụng dịch vụ đi qua trạm chỉ đạt khoảng 25%. Điều này chưa phát huy được hiệu quả dự án. Các tuyến cửa ngõ như Hà Nội - Bắc Giang đã vận hành 8 làn, BOT cầu Đồng Nai do phân làn tốt nên lượng xe sử dụng nhiều. Đối với tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã đầu tư xong nhưng đang phải chờ VEC. Tổng cục đã yêu cầu VEC trình phương án tự đầu tư hạ tầng thiết bị và kết nối với hệ thống của VETC.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.