Tây Nguyên "oằn mình" vắt nước chống hạn

Khô hạn khiến cỏ cây chết, trâu bò khan hiếm thức ăn.
Khô hạn khiến cỏ cây chết, trâu bò khan hiếm thức ăn.

‘Vắt giếng’ để lấy nước tưới

Ông Lê Đình Thiềm (trú xã Dun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, gia đình ông có 1 ha cà phê đang vào đợt tưới nước. Tuy nhiên, vào đợt tưới đầu gia đình ông chật vật, canh nước mãi mới đủ để tưới cho cà phê.

Theo ông Thiềm, đây là đợt tưới nước thứ 2 của gia đình ông, tuy nhiên lần này nước cạn kiệt, máy bơm của nhà ông chỉ hoạt động được 3-4 tiếng là hết khô nước.

“Mấy năm trước gia đình tôi tưới cà phê xả láng, tưới cả ngày cũng không hết nước. Mỗi lần như vậy chỉ cần 3-4 ngày là tưới xong vườn cà phê, nhưng năm nay phải mất hơn 10 ngày.

Chẳng hiểu tại sao năm nay lại khô hạn như thế này. Giờ chỉ mới đầu mùa khô đã vậy, không biết ít hôm nữa cây cối sống như thế nào”, ông Thiềm buồn bã nói.

Người dân tức tốc khoan giếng để cứu cây trồng.
 Người dân tức tốc khoan giếng để cứu cây trồng.

Không chỉ trên địa bàn tỉnh Gia Lai, người dân tại Đắk Lắk cũng đang lao đao vì cạn kiệt nguồn nước.

Bà Nguyễn Hoài Xuân (54 tuổi, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm nay tình trạng hạn hán khốc liệt. Không chỉ diện tích hơn 3ha cà phê của gia đình bà đang chờ có nước tưới mà nước sinh hoạt của nhà bà cũng đang bị đe dọa. 

Khẩn trương chống hạn

Do thiếu nước tưới cà phê nên người dân tranh thủ tưới về đêm.
 Do thiếu nước tưới cà phê nên người dân tranh thủ tưới về đêm.

Không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng xảy ra tại một số hộ dân sử dụng giếng đào, tập trung chủ yếu ở khu vực xã Cư Pơng, Ea Sin (huyện Krông Buk), xã Ea Trul (huyện Krông Bông). Dự báo hạn hán có khả năng xảy ra trên diện rộng vào khoảng tháng 4/2019, tập trung chủ yếu ở các huyện Ea Kar, Krông Păk, Krông Bông, Krông Buk, Ea Hleo, Cư M’gar, Ea Súp...

Ông Nguyễn Văn Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai cho rằng, để ứng phó với tình hình hạn hán các địa phương cần quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát nước. Bên cạnh đó, người dân nên áp dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm, đảm bảo đủ độ ẩm cho sự phát triển của cây trồng.

Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức nạo vét các cửa lấy nước, khơi thông dòng chảy trên các sông, suối. Đặc biệt, những vùng thiếu nước sinh hoạt gay gắt phải tổ chức xe vận chuyển nước sạch ở nơi khác đến để phục vụ cho người dân…

Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó trưởng phòng Dự báo (Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên) cho hay, do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm và tình hình thời tiết năm 2019.

Vị này còn cho hay, mùa mưa năm 2019 sẽ đến muộn, vào khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5. Trong khi đó, lượng nước trên các sông hồ giảm, lượng dòng chảy thấp, một số hồ chứa chưa kịp tích đủ nước bị thiếu hụt nước tưới từ 30-35%. Do đó, để đảm bảo nước tưới cho người dân các nhà quản lý hồ đập, thủy điện cần có cơ chế vận hành hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ