Cuộc trò chuyện cuối cùng giữa nhạc sĩ An Thuyên và con gái

Nhạc sĩ An Thuyên ra đi nhẹ nhàng, không làm phiền đến ai, kể cả vợ con. Trong buổi chiều định mệnh ấy, con gái ông, ca sĩ Bông Mai, chở ba mình từ Hiệp hội Phát triển văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam theo con đường ven Hồ Tây thơ mộng, đến bệnh viện. Ông thư thái trên ghế ngồi, vừa chỉ đường cho con gái, vừa trò chuyện...

Vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên cùng con cháu.
Vợ chồng nhạc sĩ An Thuyên cùng con cháu.

Đến Bệnh viện Quân đội 108, ông còn tự mình đi lên phòng bệnh, nằm lên giường… Khi Bông Mai đi cất xe, nhạc sĩ An Thuyên lên cơn đau tim đột ngột và chỉ trong chốc lát ấy, ông đã ra đi, thanh thản. Ca sĩ Bông Mai ôm cha mình, cảm tưởng như ông chỉ đang ngủ một giấc say sau chuỗi ngày dài…

Căn nhà của nhạc sĩ An Thuyên trên tầng 3 của khu tập thể văn nghệ sĩ ở Vạn Bảo mấy ngày hôm nay, đêm nào cũng sáng đèn. Bạn bè, họ hàng, những người yêu thương nhạc sĩ An Thuyên đến chia buồn cùng gia đình, như để họ vơi bớt đi nỗi buồn mất mát. 

Căn nhà nhỏ nhưng ấm áp và gọn gàng. Tất thảy mọi thứ trong căn nhà ấy đều vẫn vẹn nguyên. Hàng trăm chiếc đĩa nhạc trong đó có một góc đĩa riêng là sáng tác của ông. Bộ sưu tập máy ảnh Leica "khủng", bộ sưu tập máy hát cổ chạy đĩa than vẫn nằm gọn gàng trong tủ kính, trên các kệ giá…

Mọi thứ đều được sắp xếp ngăn nắp theo một trật tự rất "quân đội", ta có thể tưởng tượng, người chủ nhắm mắt lại vẫn có thể tìm thấy thứ mình cần đến, sạch sẽ, không vướng một hạt bụi, đủ biết nhạc sĩ đã dành cho những vật dụng ấy một tình yêu lớn lao biết mấy.

Căn nhà tĩnh lặng, đủ để cảm nhận từng hơi thở của mọi người, không ai bảo ai, tất cả đều như thể đang hướng về một chân trời nơi có linh hồn người nhạc sĩ tài hoa đang phiêu du, cảm nhận từng giai điệu âm nhạc của ông đang sống cùng đời sống hiện đại. 

Vợ và các con nhạc sĩ, những người đã chịu một cú sốc lớn, mắt ai cũng sưng húp, đủ biết những ngày qua họ đã sống trong nước mắt, chìm ngập trong nỗi đau mất mát biết nhường nào, nhưng họ đã gượng dậy, định thần để có thể lo lắng mọi thứ trọn vẹn cho ông.

Người vợ dấu yêu của nhạc sĩ, bà Huyền Lâm, một người phụ nữ đi trọn vẹn với chặng đường vất vả thành danh của nhạc sĩ An Thuyên gạt nước mắt đau thương với cú sốc tưởng như không thể gượng dậy. 

Cả một đời chồng vợ gắn bó như bóng với hình, kể cả lúc khó khăn, vất vả lẫn lúc sung sướng được vinh danh, bà là người vợ đảm luôn tôn trọng mọi tự do riêng tư, lo lắng cho đời thường để con đường sáng tạo của ông thăng hoa. Bà hiểu chồng, tin ông và biết ơn vì ông đã đến với cuộc đời bà.

Bà Lâm nghẹn ngào: "Ông ấy là thế, không bao giờ phiền lụy đến ai, kể cả lúc sống lẫn khi ra đi, không muốn vợ con người thân phải bận lòng. Ông ấy ra đi thanh thản, nhẹ nhõm, không đớn đau gì, nhưng những người ở lại thì thắt từng khúc ruột. 

Mọi thứ đến với cuộc đời ông ấy, đều do nỗ lực mà có, cho đến khi ông ấy ra đi, ông ấy cũng chọn cách không muốn ai lo lắng cho mình, cứ ra lặng lẽ ra đi vậy thôi…".

Bà Huyền Lâm vừa nói vừa lục tìm trong số đĩa hát của nhạc sĩ An Thuyên đĩa nhạc có bài hát Dòng sông thi ca, ca khúc mà theo bà, đã thể hiện được tất cả ý nguyện của ông, kể cả những ý nguyện về cuộc đời, âm nhạc và tình yêu thương lứa đôi, quê hương, đất nước xuyên suốt trong chặng đường sáng tác, sống và cống hiến của nhạc sĩ An Thuyên.

Bà muốn bài hát này được cất lên trong đám tang của ông: “Dòng sông thi ca mãi như ru hồn ta/ Dịu dàng ru trái đất ru cát vàng êm nhẹ/ Lắng đọng sữa mẹ/ Lời ru trái đất sống trong bình yên/ Lời ru trong xanh nhấn chìm ngọn lửa chiến tranh/ Dòng sông thi ca giống như cánh buồm nâu/ Tìm về con tim biết sẻ chia những đau buồn/ Nhân loại, bao người chờ manh áo ấm lắt lay mùa đông/ Trẻ thơ khát sữa xin đừng khô cạn tiếng ru/ Dòng sông thi ca hiền hòa ôm trọn trái đất/ Lắng trong bao nhiêu phù sa/ Ấp yêu nhân loại mộng mơ/ Thả hồn phiêu diêu cứ trôi trên sông tình yêu/ Để niềm tin luôn cháy với trái tim mọi người - ngàn năm/ Dòng sông thi ca nhân loại bao la/… Đưa về bên nhau, về bên nhau”.

Nhạc sĩ An Thuyên là một người không bao giờ chịu ngừng làm việc. Cả một đời cống hiến cho âm nhạc, sáng tác và giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nghỉ hưu, ông lại tiếp tục cống hiến sức lực cho Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam. 

Thời điểm Hiệp hội của ông đang thuê phòng tại khách sạn Bảo Sơn, có lần tôi đến phỏng vấn và được ông mời dùng cơm trưa văn phòng cùng ông và các cháu làm việc ở đó. 

Ngay cả trong bữa cơm, ông vẫn kể say sưa những dự định mà ông sắp thực hiện nhằm đưa âm nhạc đến gần với các doanh nhân, doanh nghiệp.

Ông bảo, cái vui không chỉ vì kiếm được tiền vì tiền sáng tác của ông thu hoạch khá hơn nhiều. Cái vui lớn nhất là ông hiểu được nỗi vất vả của người làm kinh doanh. 

Họ xứng đáng là "Người lính thời bình" và là nhân vật "trung tâm" của thời đại xây dựng, phát triển đất nước đi lên "Sánh vai với các cường quốc năm châu" (Lời Bác Hồ).

Ông cũng nhận ra rằng: Doanh nghiệp, doanh nhân là một trong những lực lượng hát bài ca Cách mạng đông đảo nhất, hùng hậu nhất. 

Chúng ta có tiềm năng lớn nhất để xây dựng văn hóa - nghệ thuật hiệu quả, có một lực lượng đông đảo, có kiến thức lớn, có vốn sống dồi dào, có ham muốn trở thành người sáng tác văn học - nghệ thuật. 

Nhất định phải tập hợp lại, đoàn kết, học tập, lao động, sáng tạo để tạo nên những thành tựu mới. Đi cùng ông đã có những người bạn đồng hành cùng chí hướng, cùng niềm đam mê. 

Vừa rồi, ông đang tiến hành mở định kỳ các lớp sáng tác ca khúc, lớp mỹ thuật và nhiếp ảnh chỉ trong 3 tuần vào 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật dưới sự giảng dạy của các nghệ sĩ hàng đầu trong nước… Nhưng lớp chưa kịp khai giảng, thì ông đã ra đi.

Có lần tôi từng nói với ông, thực ra ông đang tự chuốc cái vất vả vào mình, bởi vì, để "xã hội hóa" được âm nhạc, nghệ thuật cần nhiều thời gian và công sức lắm, mà với một người chỉn chu, ưa vẹn toàn như ông thì không dễ gì một lúc có thể chấp nhận ngay được.

Ông nghiêm giọng: "Cũng nhiều người nói là "không tưởng" vì đây là một thứ kinh doanh phi vật chất, nó không phải là Hiệp hội Cà phê hay chè (hữu hình), mà Hiệp hội văn hóa là vô hình, chính vì thế đó là một bài toán khó, người nào cũng biết thế, nhưng ai cũng nghĩ khó mà buông tay thì ai làm? Chính khó mới phải có tổ chức. 

Tôi vẫn nói, có bệnh khó thì mới cần bác sĩ, chứ không thì chỉ cần ông lang vườn thôi. Và tôi tình nguyện làm bác sĩ, không phải để chữa bệnh mà phải khỏe hơn và có sức đề kháng tốt hơn, phải kinh doanh văn hóa lành mạnh để có sức đề kháng tốt hơn. Phải có người dấn thân, hy sinh và tâm huyết để mở đầu chứ. Với tôi nó như là định mệnh và số phận ấy".

Nhạc sĩ An Thuyên là thế, cứ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến. Ông không tuyên ngôn ồn ào, nhưng các sáng tác của ông ở lại với đời, đủ biết ông là người có tài năng và mê say đến tận cùng con đường sáng tác. 

Thành công với những ca khúc đã đi vào đời sống như: Ca dao em và tôi, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Neo đậu bến quê, Hà Tĩnh mình thương… 

Nhưng không dừng lại với những thành công của mình, ông hàng ngày vẫn viết, vẫn sáng tác. Ca khúc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp Tiếng đàn ngay lúc xuất hiện đã đi vào lòng người. Trong "ngăn tủ" của ông, còn rất nhiều nhạc phẩm dở dang chưa hoàn thiện, nhiều dự án dở dang.

Không chỉ đam mê âm nhạc, nhạc sĩ An Thuyên còn có nhiều đam mê độc đáo và… tốn tiền. Ông mê sưu tập máy hát cổ, mê chụp ảnh… 

Tủ đựng máy ảnh Leica của ông sẽ khiến nhiều tín đồ mê đồ cổ nể phục. Ngoài ra còn cả trăm chiếc máy hát cổ chạy đĩa than. Một người bạn của nhạc sĩ đã chia sẻ: 

"Nếu bảo anh đổi máy hát lấy một căn nhà giữa Hà Nội anh vẫn không chịu đổi. Anh thích câu thơ của Esenin: “Nếu có ai các vàng để đổi lấy vầng trăng vạn thuở của nước Nga/ Tôi vẫn không bao giờ đánh đổi”. 

Với anh, những chiếc máy hát cổ đó không chỉ là vật chất, mà nó còn là tâm hồn anh gửi gắm. Anh đã mua nó qua nhiều chợ mạng của nước ngoài với giá rẻ, và thuê thợ sửa chữa, phục sinh lại những cái máy đã chết cũng với giá rẻ bất ngờ".

Tôi cũng nhiều lần đi công tác cùng An Thuyên, lúc nào cũng thấy anh lăm lăm máy ảnh trên tay. Máy ảnh đắt tiền hẳn hoi. Và những ống kính tê-lê bự như của phóng viên. 

Anh bảo có ống kính còn đắt tiền hơn cả máy. Xe dừng ở đâu anh cũng tìm được cái để chụp. Cầu Hiền Lương, cột cờ Bến Hải, hoa dại, pháo hoa… đều gây cho anh những cảm xúc về sắc màu, ánh sáng… Nhiều bức ảnh của anh được triển lãm, được lưu giữ như những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa".

Ca sĩ Bông Mai, người con gái xinh đẹp và dịu dàng của nhạc sĩ An Thuyên, là một người bạn thân thiết của ông. Chị có một cuộc sống tình duyên trắc trở, nên ông thương chị lắm. 

Bông Mai chia sẻ: "Trước hôm ba tôi mất một ngày, hai cha con tôi ngồi cùng nhau trò chuyện rất lâu, chủ yếu chỉ nói về công việc, ngồi cạnh nhau nhưng ba tôi vẫn bấm máy chuyển cho tôi thư điện tử. 

Trong đó ông có muốn tôi tiếp tục một kịch bản chương trình cho một đơn vị đặt hàng. Ông cũng đang viết dở dang một vở nhạc kịch về Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và ông dặn tôi dựng phần nhạc kịch, hai ba con hẹn tháng 9 sẽ hoàn thành. Và còn nhiều thứ dang dở lắm. Nhưng tôi không ngờ đó là cuộc trò chuyện cuối cùng của hai ba con.

Ba tôi 14 năm không đi khám bệnh, không có khái niệm ốm, cách đây một tuần, chân ông đau và phải thương tôi lắm, thương mẹ tôi lắm thì mới chịu đi khám, nằm điều trị ngoại trú theo tiêu chuẩn. 

Ông vẫn lấy thuốc về uống và lái xe đi làm bình thường. Ngay cả lúc ông kêu đau ngực và tôi chở ông đến bệnh viện, ông vẫn tự lên giường bệnh của mình, không bám vào ai, không cậy nhờ con. 

Điều này khiến tôi ân hận vô cùng, nếu như tôi không phải đi cất xe, nếu như tôi nhanh trí hơn gọi cấp cứu cáng ba lên, thì mọi việc có lẽ đã khác. Nhưng ba tôi là vậy, không muốn phiền lụy đến ai, cái gì tự làm được, ông đều không muốn phiền hà người khác.

Một tháng gần đây, nếu mọi người để ý tôi thường nói chuyện Phật pháp trên trang cá nhân facebook của mình, tôi có theo một khóa tu ở chùa để lòng tĩnh tại, nhưng tôi không ngờ, tất cả những sự "chuẩn bị" là để tôi đối diện với nỗi mất mát lớn này. 

Tôi không nghĩ mọi thứ lại diễn ra nhanh thế. Bởi ngay khi đối diện một mình với sự ra đi của ba, ôm ba trong tay mình, lòng tôi đau đớn tột cùng, tôi hoảng loạn và thấy bất lực trước tất cả mọi thứ. 

Nhưng sau giây phút định thần, hiểu về Phật pháp, tôi đã lấy lại bình tĩnh. Bởi theo Phật dạy, nếu chúng ta quá đau buồn, khóc lóc, thì người đã mất quyến luyến, không thể siêu thoát.

Tôi và ba thân nhau. Sự mất mát lớn không phải là tình cảm cha con thông thường, mà ba tôi là một chỗ dựa, là người đàn ông duy nhất yêu thương tôi vô điều kiện và không bao giờ bỏ rơi tôi. 

Ngay cả bây giờ, tôi chống chếnh vì mất đi một chỗ dựa nhưng tôi tin ba luôn ngự trị ở trong tâm thức tôi. Ba và tôi hiểu nhau theo một cách riêng. Nếu thực sự có kiếp sau, thì xin kiếp nào cũng được làm con của ba tôi, chỉ có điều tôi không biết làm cách nào để mình tìm ba và gặp được ba, để nhận ra ba…".

Nhạc sĩ An Thuyên may mắn có được một gia đình yên ấm, có người vợ tháo vát, thảo hiền, hai người con An Hiếu, Bông Mai theo nghề của bố và thương yêu bố mẹ. 

Ông có một sự nghiệp âm nhạc sống trong lòng dân tộc và những ca khúc của ông sẽ mãi trường tồn. Chuyến đi của ông, như là một cuộc "hồi hương" - “Đi xa muốn về, khổ đau càng muốn về/ Để tình mẹ ấp yêu”. 

Bởi như một triết gia đã nói: "Cái chết đến với tất cả con người, nhưng những thành tựu vĩ đại sẽ dựng nên tượng đài mãi trường tồn cho tới khi mặt trời trở nên lạnh lẽo...".

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ