Cuộc tập trận quân sự lớn nhất của Nga sau Chiến tranh Lạnh

GD&TĐ - Nga đang huy động cho cuộc tập trận quân sự lớn nhất kể từ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, với 300.000 binh sĩ và 900 xe tăng. Theo phát ngôn viên của điện Kremlin, cuộc tập trận được tổ chức trong bầu không khí quốc tế căng thẳng, “thường xuyên hung dữ và không thân thiện với nước Nga”.

Nga đang chuẩn bị một cuộc tập trận với quy mô chưa từng có
Nga đang chuẩn bị một cuộc tập trận với quy mô chưa từng có

Quy mô vượt trội

Các bài diễn tập, được thiết kế với lực lượng “hoành tráng”: Gần 300.000 quân Nga, 1.000 máy bay và 900 xe tăng và lần đầu tiên còn bao gồm cả một số đơn vị từ Trung Quốc. Cuộc diễn tập sẽ bắt đầu vào ngày 11 tháng 9.

Trong một diễn biến riêng biệt về sức mạnh quân sự, Nga đã tập hợp một đội tàu chiến lớn ngoài khơi bờ biển Syria. Các cơ quan truyền thông Nga trích phát biểu của một số quan chức Bộ Quốc phòng, mô tả đây là triển khai hải quân lớn nhất của Nga trong khu vực kể từ khi Moscow can thiệp lần đầu vào cuộc nội chiến Syria hồi tháng 9/2015.

Động thái này theo sau một loạt tuyên bố của Nga, dù không được hỗ trợ bởi bất kỳ bằng chứng nào, rằng phương Tây đang chuẩn bị cho một vụ tấn công vũ khí hóa học giả mạo ở Syria như một lý do cho một cuộc tấn công vào lực lượng của tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chính sách đối trọng của ông Putin

Được biết đến với tên gọi Vostok - 2018 hoặc East-2018, các hoạt động diễn tập lục quân và không quân trong tháng 9 tới sẽ bắt đầu gần biên giới phía Đông của Nga với Trung Quốc và Mông Cổ. Cả hai nước này đã đồng ý tham gia một loạt các bài diễn tập mà trước đây chỉ giới hạn trong nước Nga và các nước đã từng là một phần của Liên Xô hoặc các đồng minh Liên Xô. Trung Quốc sẽ gửi trực thăng và khoảng 3.200 binh sĩ từ Quân đội Giải phóng Nhân dân.

Động thái này báo hiệu một cuộc cải tổ đáng kể các bài diễn tập quân sự bắt đầu từ thời kỳ Xô Viết, vì trước đây, trong nhiều thập kỷ, các bài diễn tập này có mục tiêu chủ yếu nhằm chuẩn bị cho Hồng quân trước nguy cơ bị Trung Quốc tấn công.

Cuối những năm 1960, Liên Xô và Trung Quốc đã đụng độ nhiều lần dọc biên giới chung giữa hai nước. Họ vẫn là kẻ đối đầu cay đắng, cho đến khi nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail S. Gorbachev bình thường hoá quan hệ bằng chuyến thăm Bắc Kinh năm 1989.

Có lẽ Tổng thống Vladimir V. Putin, trong tình thế mối quan hệ của ông với phương Tây bị căng thẳng bởi sự sáp nhập Crưm và các cuộc tấn công quân sự vào miền Đông Ukraine của Nga, đã chủ trương phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc như một chính sách đối trọng và sự bảo hiểm đối với Hoa Kỳ.

Trả lời câu hỏi tại sao cuộc tập trận Vostok - 2018 “hoành tráng” đến vậy, một phát ngôn viên của điện Kremlin, ông Dmitri Peskov, nói, “Khả năng tự vệ của quốc gia trong tình hình quốc tế hiện nay, vốn nhiều ứng xử hung hăng và không thân thiện với nước Nga, là hoàn toàn hợp lý và không có lựa chọn nào khác”.

Đồng minh quân sự mới

Các cơ quan thông tấn Nga cũng trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong đó nói rằng các bài diễn tập ở vùng Viễn Đông của Nga sẽ là “cuộc tập trận lớn nhất diễn ra ở Nga từ năm 1981”. Năm 1981, Nga và các đồng minh của Hiệp ước Warsaw đã tổ chức cuộc tập trận siêu hùng hậu được gọi là Zapad, hay West (phương Tây). Lần lặp lại cuối cùng của cuộc tập trận Zapad được tổ chức vào tháng 9/2017 cùng với Belarus, nước Cộng hòa Xô Viết cũ và là đồng minh thân cận của Nga.

Cuộc tập trận đã làm cho các nước vùng Baltic và Ba Lan e ngại rằng các quốc gia giả tưởng là mục tiêu cho cuộc tấn công mô phỏng mà các nhà hoạch định quân sự Nga đưa ra trong tập trận chính là hình mẫu phỏng theo chính các quốc gia của họ.

Ở phương Tây, Nga phải đối mặt với NATO, nhưng trên sườn phía Đông, đất nước này không có kẻ thù hay đối thủ rõ ràng. Thay vào đó, khu vực này đã trở thành một khu vực mà Nga muốn thể hiện mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, bất chấp nguy cơ nền kinh tế yếu kém của Nga và việc mở rộng lãnh thổ dân cư thưa thớt khiến Nga có nguy cơ trở thành một đối tác dễ bị tổn thương.

Alexander Gabuev, một chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Carnegie Moscow bình luận rằng, mặc dù quy mô cuộc tập trận rất quan trọng, nhưng “điều đáng chú ý nhất vẫn là việc Trung Quốc tham gia vào các cuộc tập trận mà trước đây, Nga chỉ thực hiện với các đồng minh của mình”. Trong các cuộc tập trận trước đây như Vostok, Trung Quốc được xem là mối đe dọa tiềm năng hoặc mục tiêu. Còn lần này, nước này lại được mời tham gia với tư cách một người bạn, thậm chí là một đồng minh. Đây là điều thực sự chưa từng có.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.