Cắt giảm tối đa chi tiêu và đi làm thêm dù không được cho phép là các biện pháp phổ biến hiện nay.
Ngày 26/9, lần đầu tiên sau 13 năm, đồng won của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mốc 1.420 won/USD trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt. Đây là lần thứ ba đồng tiền này giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.
Hiện tại, sinh viên Hàn Quốc tại Mỹ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi phí học tập và sinh hoạt nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng.
Lee, 23 tuổi, sinh viên Hàn Quốc tại một trường tư ở New York, Mỹ, cho biết: “Tiền thuê nhà của tôi đã tăng 35% so với năm ngoái còn ăn uống mất hơn 30 USD. Trên hết, tỷ giá hối đoái không ngừng tăng cao nên mỗi lần đổi tiền, tôi cảm thấy rất mệt mỏi”.
New York là thành phố tương đối đắt đỏ. Giá cả tăng vọt cùng với đồng won mất giá khiến Lee gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí sinh hoạt từ số tiền bố mẹ gửi từ Hàn Quốc. Thời gian này, nam sinh đã sáng tạo nhiều cách khác nhau để cắt giảm phí ăn uống và di chuyển.
Lee hạn chế ăn ở ngoài nhiều nhất có thể và chuẩn bị đồ ăn từ nhà. Khi đến trường hoặc di chuyển, nam sinh sử dụng chương trình chia sẻ xe đạp với giá 200 USD/năm.
Còn Cho Yeong-ji, 30 tuổi, sinh viên Trường Đại học New York, cho biết khoản tiền duy nhất có thể cắt giảm chi phí là thực phẩm. Anh Cho chỉ ăn ngoài khoảng 2 tuần một lần. Nếu phải ra ngoài, anh sẽ chuẩn bị hộp cơm mang theo.
Sinh viên trao đổi, những người học tập tại Mỹ trong thời gian ngắn, cũng bị sốc khi tỷ giá hối đoái và chi phí sinh hoạt tăng cao.
Một sinh viên trao đổi họ Lee, 24 tuổi, chia sẻ: “Tôi đã đổi 500 nghìn won sang USD khi đến Mỹ nhưng giờ đây, tôi không dám chi tiêu thêm nữa. Vì bố mẹ không thể gửi nhiều tiền hơn, tôi đã hủy bỏ một số kế hoạch du lịch và ăn trong căng tin trường”.
Tuy nhiên, những khoản cắt giảm trên chỉ là giải pháp tạm thời. Vấn đề khó có thể thay đổi và ngày một tăng là học phí.
Chính quyền Tổng thống Biden đã công bố kế hoạch xóa các khoản vay sinh viên lên tới 20 nghìn USD nhưng không dành cho sinh viên nước ngoài. Do đó, việc đồng won giảm đã tạo ra gánh nặng học phí lớn, ngay cả trong các trường công lập vốn có học phí thấp hơn tư nhân.
Anh Song Ki-hoon, 24 tuổi, sinh viên Trường Đại học Purdue, chia sẻ: “Tôi không thể trả trước 15.500 USD cho học kỳ này nên phải trả góp 4 lần. Nhưng với việc đồng won liên tục sụt giảm, tôi không biết phải làm gì vào đợt nộp tiền tiếp theo. Tôi đã phải trả nhiều hơn 2,6 triệu won so với tính toán ban đầu”.
Để tiết kiệm, thay vì mua bộ sách giáo khoa có giá 300 USD/cuốn, anh Song mua các bản photo đã qua sử dụng từ sinh viên trong trường.
Theo quy định của Mỹ, người nước ngoài có thị thực sinh viên không được làm thêm bán thời gian ngoài khuôn viên trường. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Hàn đã bí mật đi làm để trang trải sinh hoạt phí.
Một sinh viên giấu tên, gọi là K, cho biết: “Mỗi tháng, bố mẹ gửi tôi một triệu won. Hồi tháng 1, tôi có thể đổi lấy 830 USD nhưng giờ đây, số tiền này không bằng 713 USD. Vì tiền thuê nhà đã tăng khoảng 10%, tôi buộc phải làm thêm bán thời gian. Đây là cách tốt nhất hiện nay”.