Hàn Quốc: Gần 90% sinh viên đòi hoàn trả học phí

GD&TĐ - Vào tháng 7, Tổ chức Hội đồng sinh viên đại học quốc gia Hàn Quốc, mạng lưới của các hội sinh viên trên toàn quốc, đã tiến hành khảo sát gần 2.500 sinh viên ngay sau khi học kỳ đầu tiên kết thúc.

 Sinh viên biểu tình đòi hoàn trả học phí.
Sinh viên biểu tình đòi hoàn trả học phí.

89,3% số người được hỏi cho rằng, các trường đại học nên hoàn trả toàn bộ hoặc ít nhất một phần học phí của học kỳ mùa thu 2020 và mùa xuân 2021.

Những người này khẳng định việc trường thu toàn bộ học phí là không hợp lý khi tạm đóng cửa, chuyển sang dạy trực tuyến. Chất lượng của mô hình đào tạo này cũng được đánh giá là kém hiệu quả so với lớp học tập trung.

Sau khi tham vấn với các trường đại học, ngày 24/6, Bộ Giáo dục Hàn Quốc thông báo các lớp học trực tiếp sẽ dần được mở lại vào học kỳ mùa thu, bắt đầu từ lớp học trong phòng thí nghiệm, phòng thực hành hoặc lớp có ít sinh viên. Tuy nhiên, do tình hình biến chủng Delta ngày càng nghiêm trọng, một số trường đại học thông báo lùi thời gian tái mở cửa.

Tuần trước, Trường Đại học Quốc gia Seoul cho biết sẽ tiếp tục dạy trực tuyến đến cuối tháng 9. Nhiều trường khác tại thủ đô Seoul cũng thông báo duy trì giảng dạy trực tuyến cho đến khi tình hình dịch bệnh khả quan hơn.

Những kế hoạch này khiến sinh viên ngày càng bất bình trước yêu cầu thu 100% học phí và đang yêu cầu hoàn trả. Vào tháng 3, một nhóm sinh viên đã phân tích những khuyết điểm trong việc giảng dạy trực tuyến.

Nhóm cũng đệ đơn kiện Bộ Giáo dục và các trường đại học vào tháng 7/2020, yêu cầu hoàn trả học phí do những gián đoạn học tập gây nên bởi dịch Covid-19. Vụ kiện nhận được sự hưởng ứng của khoảng 3.500 sinh viên đến từ 42 trường đại học trên cả nước.

Trước vấn đề trên, Bộ Giáo dục cho biết hoàn trả học phí không phải vấn đề cần sự tham gia trực tiếp của bộ. Thay vào đó, các trường đại học nên thảo luận cùng sinh viên để đưa ra quyết định phù hợp.

Năm 2020, Bộ Giáo dục đã phân bổ 100 tỷ won (tương đương 87,4 triệu USD) trong ngân sách bổ sung cho các trường đại học. Khoản tiền nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng bài giảng trực tuyến, hỗ trợ sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tăng học bổng cho sinh viên. Tuy nhiên năm nay, Bộ dự kiến ngừng gói hỗ trợ này.

Bà Choi Eun-ok, Giám đốc bộ phận Chính sách Giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục, lý giải: “Bộ đã trao quỹ hỗ trợ cho các trường đại học để hoàn thiện chương trình giảng dạy từ xa vào năm ngoái. Nhiều trường đã và đang nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo và tích lũy được nhiều kinh nghiệm”.

Theo bà Eun-ok, Bộ Giáo dục đánh giá nhiều sinh viên đã cải thiện mức độ hài lòng với các bài giảng trong trường học. Vì vậy, bộ chưa xem xét tài trợ thêm cho các trường trong năm học này.

Hoàn trả học phí là vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Hàn Quốc từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Sinh viên các trường đại học trên cả nước từng nhiều lần kiến nghị, gửi đơn kiện, thậm chí biểu tình phản đối trước yêu cầu đóng học phí 100% của nhà trường.

Tuy nhiên, giữa các nhà trường và sinh viên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Yêu cầu hoàn trả học phí vẫn chưa được thông qua trong khi sinh viên vẫn phải đóng học phí như bình thường cho năm học 2021 - 2022.

Vấn đề này đang càng trở nên cấp thiết khi biến chủng Delta lây lan rộng khắp Hàn Quốc ngay trước thềm năm học mới khiến sinh viên tiếp tục học trực tuyến, dự kiến đến tháng 9.

Theo Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.