Tìm thấy ngoại hành tinh nhỏ hơn Trái đất
NASA vừa phát hiện ngoại hành tinh (hành tinh ngoài Hệ Mặt trời) nhỏ hơn Trái đất 20%. Ngoại hành tinh có tên là L 98-59b, được phát hiện qua Kính viễn vọng không gian TESS. L 98-59b quay xung quanh ngôi sao lớp M (phân loại theo dạng quang phổ), có khối lượng bằng khoảng 1/3 khối lượng Mặt trời. Nó không phải là hành tinh duy nhất trong hệ thống. Hai hành tinh còn lại, L 98-59c và L 98=59d, lớn hơn Trái đất lần lượt là 1,4 và 1,6 lần… Việc phát hiện những hành tinh kích thước nhỏ như trên không phải là việc dễ dàng. Ước tính trong vòng 2 năm tới, kính viễn vọng không gian TESS có thể phát hiện hơn 20.000 ngoại hành tinh, trong đó khoảng 1.000 ngoại hành tinh có kích thước tương đương Trái đất.
Xác định nguồn phát chớp sóng vô tuyến
3,5 tỷ năm trước, một đối tượng bí ẩn bên rìa thiên hà xa xôi đã phát ra xung điện từ ngắn và sáng. Xung đó đã đi đến Trái đất và được gọi là chớp sóng vô tuyến (FRB). Kể từ năm 2017, khi chớp sóng vô tuyến FRB được phát hiện, đến nay, các nhà khoa học đã quan sát được hơn 80 hiện tượng FRB. Họ cũng đã định vị được nguồn phát ra 1 trong các chớp sóng đó. Hiện giờ, sử dụng Kính viễn vọng ASKAP của Australia, các nhà khoa học lại tìm ra nguồn phát chớp sóng FRB thứ hai; đó là một thiên hà lớn tương đương Dải Ngân hà, ở cách chúng ta khoảng 3,6 tỷ năm ánh sáng. Các phép đo tiếp theo cho thấy thiên hà này khá già và không còn tạo ra nhiều sao mới.
Phát hiện nhiều vò đựng rượu ven biển
Những người thợ lặn trong nhóm nghiên cứu biển thuộc của Trường ĐH Tổng hợp Sip vừa phát hiện một số vật trôi dạt có giá trị tại bờ biển Protaras (Cộng hòa Sip). Đó là những chiếc bình, vại, vò hai quai, dùng để đựng dầu ô liu hoặc rượu vang. Các vật dụng này có nguồn gốc từ Syria và Cilicia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Phân tích các vật dụng mở ra cái nhìn mới về quy mô thương mại biển giữa Sip và các tỉnh ven Địa Trung Hải.