Dải Ngân hà “nhăn nheo vì va chạm”
Năm ngoái, các nhà thiên văn học phát hiện một thiên hà lùn, được đặt tên là Antia 2, ở gần Dải Ngân hà (cách trung tâm Dải Ngân hà 130.000 năm sánh sáng). Hiện giờ, họ thấy rằng, hóa ra, thiên hà lùn này đã va chạm với thiên hà của chúng ta và hậu quả của vụ va chạm còn kéo dài đến tận ngày nay.
Các nhà khoa học ở ĐH Rochester (Mỹ) đã thực hiện mô phỏng về tương tác quá khứ giữa Dải Ngân hà và thiên hà lùn Antlia 2. Vài triệu năm trước, Antlia đã di chuyển qua thiên hà của chúng ta, làm đĩa thiên hà “nhăn nheo tựa như tấm tôn lợp nhà”.
Đó là hậu quả của các xung chấn hấp dẫn thứ phát, xuất hiện sau khi Antlia 2 rời xa Dải Ngân hà. Điều đáng chú ý là 10 tỷ năm trước, Dải Ngân hà cũng đã va chạm với một thiên hà lùn khác, có tên là Xúc xích.
Phát hiện nhái bén mũi dài
Ba loài nhái bén mới vừa được phát hiện trên đảo New Guinea (Tây Nam Thái Bình Dương). Một trong ba loài ấy có cái mũi dài khiến người ta liên tưởng tới nhân vật cậu bé người gỗ Pinocchio của nhà văn Ý Carlo Collodi. Ba loài nhái bén mới thuộc chi Litoria.
Loài đầu tiên được gọi là Litoria pinocchio, có mũi dài tới 2,5 mm. Loài thứ hai - Litoria vivissima, có mũi ngắn hơn. Loài thứ ba – Litoria pterodactyla, là nhái bén bay. Chúng có nguồn gốc từ loài thằn lằn có cánh (Dực long) từ 150 triệu năm trước đây.
Đảo nhân tạo có từ thời tiền sử
Hàng trăm hòn đảo nhỏ xung quanh Scotland không hình thành một cách tự nhiên. Các cấu trúc từ đá cuội, đất sét và thân cây được người tiền sử dựng lên từ khoảng 5.600 năm trước.
Từ hơn 10 năm trước, các nhà khoa học đã nghe nói đến những hòn đảo nhân tạo được gọi là crannog này. Nhiều nhà khảo cổ học cho rằng, chúng hình thành chưa lâu, trong thời đại đồ sắt, tức là khoảng 2.800 năm trước.
Hiện giờ, giới khoa học thấy rằng các hòn đảo này “già” hơn 2 lần. Các đảo nhân tạo crannog có lẽ là “những nơi đặc biệt” của người tiền sử thời đại đồ đá. Tất cả các crannog đã biết đều khá nhỏ. Một số đảo chỉ rộng khoảng 10 m.
Trên lãnh hải của Scotland có 570 hòn đảo nhân tạo như vậy.