Cuộc sống của cha con người rừng Hồ Văn Lang giờ ra sao?

Trong khi người cha bị tâm thần chỉ biết quanh quẩn ở nhà thì người con vẫn nhớ núi rừng, bám đỉnh núi làm rẫy và ít khi về nhà.

Cuộc sống của cha con người rừng Hồ Văn Lang giờ ra sao?

Còn nhớ năm 2013, sự việc hai cha con "người rừng" được chính quyền địa phương đưa từ rừng sâu trở về chăm sóc và hòa nhập cuộc sống với cộng đồng đã thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng. Câu chuyện của hai cha con còn được đăng tải trên International Business Times,The Sun, DailyMail...

Cuoc song cua cha con nguoi rung Ho Van Lang gio ra sao? - Anh 1

Anh Hồ Văn Lang trong “căn nhà nhỏ” cheo leo giữa núi - Ảnh: Tấn Việt.

Năm 1972, ông Hồ Văn Thanh - một cựu binh trở về buôn làng và hay tin cả gia đình đã thiệt mạng sau một trận bom. Buồn bã, tuyệt vọng, ông mang đứa con trai là Hồ Văn Lang chưa tròn 2 tuổi bỏ vào rừng sâu. Hơn 40 năm cuộc đời, ông và con chỉ bầu bạn với chim muông và thú rừng. Họ ở trong một ngôi nhà giống như tổ chim trên thân cây cổ thụ, cách mặt đất khoảng 6 mét đề phòng thú dữ, dùng vỏ cây khô, lá cây để che thân và ăn trái cây, củ mì, bắp, lá rừng để sống.

Ông Thanh tưởng rằng vợ con đã thiệt mạng, nhưng thực tế họ đều còn sống. Nhưng tổn thương quá lớn khiến ông không thể tin đó là sự thật. Trong một lần đi rừng, người dân địa phương phát hiện hai cha con "người rừng" nên báo với chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm và đưa họ về sống hòa nhập với cộng đồng người Cor.

Về nhà rồi lại vác gạo lên rẫy

Gần 16h, mưa rả rích lưng chừng núi Grởi (xã Trà Phong, huyên Tây Trà, Quảng Ngãi). Pv báo Giao Thông đội áo mưa, tay xách nách mang băng qua con đường độc đạo xuyên núi lên khu vực người dân tộc Cor dựng lán trại làm rẫy.

Sau 1 tiếng lội bộ, trước mắt chúng tôi là gần chục lán trại rải rác khắp sườn núi, trong đó có lán của anh Hồ Văn Lang (SN 1969, trú xã Trà Phong), người rừng nổi tiếng với cuộc giải cứu 3 năm trước. Lán trại của anh Lang nổi bật hơn cả, được làm 2 tầng vững chắc. Bên dưới, anh Lang đang cặm cụi nổi lửa, chuẩn bị cho bữa cơm chiều.

Theo anh Hồ Văn Tri (SN 1974, em ruột anh Lang), 3 năm trước khi trở về với gia đình, anh Lang tuy vui vẻ khi có người thân chăm sóc, nhưng không nguôi nỗi nhớ rừng. “Ở rừng, sống trên ngọn cây quen rồi nên về đây mọi thứ quá mới mẻ khiến anh ấy nửa mừng nửa tủi, lâu lâu lại một mình vào rừng, đến chiều tối thì về. Mưa nắng gì anh ấy cũng đi”, anh Tri cho biết.

Được khoảng 2 năm, anh Lang đã hòa đồng với mọi người hơn. Anh không nói được tiếng Kinh, chỉ bập bẹ tiếng Cor của đồng bào vùng cao Tây Trà. Vốn quen việc trèo đèo lội suối, bẫy thú rừng, trở về nhà anh không biết làm gì. Thỉnh thoảng được người thân chở xe máy đi chơi quanh xã, anh vui hơn nhưng tay chân vẫn “ngứa ngáy” nỗi nhớ rừng.

Một năm trước, tự thấy mình là gánh nặng của gia đình vì không biết làm gì kiếm sống, anh Lang nằng nặc đòi lên rừng dựng lán trại làm rẫy. Mỗi khi lên rừng, anh địu trên lưng vài bộ quần áo cũ, 5kg gạo và ít nước suối, ở đến khi nào hết gạo lại về lấy.

Về người cha Hồ Văn Thanh (SN 1932), thần kinh ông vốn không ổn định nên từ khi về nhà chỉ biết ngồi một chỗ. Ra khỏi rừng, người thân lập tức đưa ông vào bệnh viện thăm khám. Tại đây, bác sĩ cho biết, ngoài bệnh thần kinh, ông còn mang nhiều chứng bệnh khác của người già như tim mạch, suy thận nặng nên khó có thể chữa trị dứt điểm, chỉ kéo dài được sự sống.

Hàng ngày, ông Thanh hết xuống bếp lại lên phòng khách ngồi. Dáng ngồi lum khum, 2 tay co quắp như khi người ta thấy ông lần đầu ở rừng sâu. Có khách đến nhà chơi, ông cười liên tục rồi nhìn chăm chú bằng 1 mắt, mắt trái ông bị mù do tai nạn trong rừng.

Chị Hồ Thị Nhung (SN 1979, vợ anh Tri) cho biết, ông Thanh ăn rất kém. Hàm răng không còn nên ông chỉ ăn được cháo và thường xuyên bị đau bụng. “Cha ngồi một chỗ suốt ngày nhưng khi nói đi tắm là đi, ăn là ăn, dễ chịu lắm chứ không khó tính như tưởng tượng của mình khi mới đón ông về”, chị Nhung nói và cho biết, từ khi về nhà, chính quyền địa phương đưa ông vào danh sách người cao tuổi. Mỗi tháng ông được hỗ trợ 600 nghìn đồng.

Cuoc song cua cha con nguoi rung Ho Van Lang gio ra sao? - Anh 2

Người cha Hồ Văn Thanh bị tâm thần chỉ biết ngồi một chỗ.

Vẹn nguyên lối sống hoang dại

Trở lại với anh Lang, sau khi quay lại rừng dựng lán trại làm rẫy, anh vui vẻ hơn vì cảm thấy không chỉ biết lấy gạo ở nhà đi ăn mà đến mùa gặt còn mang theo lúa, khoai, mỳ… về nhà. Cả gia đình 6 nhân khẩu có vợ chồng anh Tri là nói sõi tiếng Kinh, nên cuộc trao đổi với PV phải nhờ anh Tri phiên dịch. Theo tập tục của người Cor, mỗi sườn núi chỉ làm rẫy được 1 năm. Thu hoạch xong, họ phá dỡ lán trại rồi dời sang nơi khác khai hoang làm lại.

Vì vậy, cách đây hơn 1 tháng, anh Lang dời lán trại sang vị trí mới, gần nhà hơn và làm kiên cố hơn. Đặc biệt, “nhà” mới của anh Lang nằm dựa vào một hố bom đường kính hơn 1m. Theo anh Tri, nhiều năm trước người dân đi rừng phát hiện quả bom rất to nằm giữa đỉnh núi. Chính quyền địa phương đã thu giữ, để lại 1 hố to. Nhờ vậy, lán trại của anh Lang như tựa vào vách tường chắc chắn, không sợ đổ.

Anh Lang đón chúng tôi bằng cái vẫy tay nồng nhiệt. Có lẽ đã lâu lắm mới có người Kinh lặn lội lên thăm anh. Chả thế mà anh vội đi hái rau rừng. Đôi chân anh thoăn thoắt qua những con đường mòn. Hai tay cầm can nhựa múc nước suối, anh còn kẹp theo cây rựa sắc lẹm để hái rau. Bữa cơm dọn ra gồm muối ướt rừng, canh rau và vài ba gói mỳ chúng tôi mang theo để ăn cùng. Kỳ lạ, trong lúc ăn, anh Lang cứ nhắm tịt mắt.

Hỏi ra mới biết mỗi khi vui mừng hay được ăn món ngon thì anh… nhắm mắt. “Chắc anh ấy khoái lắm, lâu rồi ở lán này mới nhiều người cùng ăn cơm với anh như vậy. Đó, mắt nhắm tịt đó kìa”, anh Tri nói. Cơm được đựng trong từng khay nhỏ bằng nhựa làm chén. Đũa anh Lang vót khéo léo bằng thân cây lồ ô. Bữa cơm rau rừng đạm bạc nhưng đầy ắp tiếng cười.

Đêm. Trời vẫn mưa rả rích. Chúng tôi bắt đầu cảm nhận cái lạnh sương giá vùng cao. Riêng anh Lang rửa chén xong thì bắt đầu làm đuốc và rủ chúng tôi đi soi ếch, bắt lươn dưới suối. Trong đêm tối không lấy nổi một ánh sao, 4 ngọn đuốc thắp lên di chuyển hàng dài. Anh Lang đi trước dẫn đường, đôi chân trần nhanh nhẹn trên nền đất đỏ ướt sũng và trơn trượt. Lâu lâu, anh lại ngoái nhìn phía sau canh chừng các bạn người Kinh không quen đường. Len lỏi vào con suối nhỏ nhưng cheo leo vách đá, trời mưa khiến nước lên cao và chảy mạnh hơn.

Anh Lang vừa đi vừa cầm rựa chặt những nhánh cây chắn đường rồi dặn chúng tôi bằng tiếng Cor: “Cẩn thận. Cẩn thận”. Đến 1 vách đá cao biến ngọn suối thành thác, anh Lang ra hiệu cho anh Tri cùng nhảy xuống dùng đuốc soi vào các hốc đá. Có lẽ do nước chảy mạnh nên hết lươn lại đến cua bò lóc nhóc. Anh Lang mừng rỡ cười sang sảng dùng tay bóp chặt từng con sâu vào que nhọn chuẩn bị sẵn. Trên đầu, dưới chân đều ướt. Nhưng cả đoàn vẫn cười vang núi rừng.

Bữa khuya, ngồi bên bếp lửa phập phồng nướng “chiến lợi phẩm”, anh Lang bắt đầu mở lòng mình hơn. Anh cho biết, về nhà thấy em trai có vợ con, anh cũng muốn lắm nhưng “mình già rồi, con gái nào thèm lấy nữa”. Rồi anh kể, lúc ở trong rừng hai cha con anh bẫy được nhiều thú rừng.

Có hôm bẫy được con heo rừng to gần bằng người, hai cha con phải mổ bụng luôn tại chỗ rồi chia ra vác thịt về ăn dần. Hôm khác, anh nhìn thấy con gấu từ xa, anh chạy lại thì nó đi mất nên anh tiếc lắm. Anh còn kể: “Về đến nhà, thấy con trâu có sừng to quá mình sợ lắm. Mình đòi đổi lại con bò nuôi dễ hơn, không phải sợ nữa”.

Chia tay người đàn ông hoang dã vào sáng sớm hôm sau, ánh mắt anh buồn lắm. Sau cái ôm bịn rịn, anh nói “rảnh thì lên chơi nữa”. Đi được một đoạn, chúng tôi ngoái lại vẫn thấy anh đứng dưới lán nhìn theo. Với người rừng Hồ Văn Lang, cuộc sống trong rừng đã ăn vào máu. Nhưng giờ anh đã biết làm rẫy như đồng bào để giúp đỡ gia đình.

Theo Phụ Nữ Today

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.