Cuộc hội ngộ của di sản tư liệu thế giới về chủ đề khoa cử

GD&TĐ - Lần đầu tiên, cuộc hội ngộ mang chủ đề “Khoa cử Việt Nam xưa trong tư liệu thế giới”, được giới thiệu đến công chúng tại triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong tư liệu thế giới” ở Văn Miếu –Quốc Tử Giám (từ ngày 5/3 đến 5/4). Triển lãm lần này như là tín hiệu vui cho Bảo tàng Khoa cử Việt Nam trong tương lai. 

Cuộc hội ngộ của di sản tư liệu thế giới về chủ đề khoa cử

Báo GD&TĐ đã có cuộc chia sẻ với bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 về những tài liệu di sản thế giới Châu bản triều Nguyễn đang được trưng bày tại triển lãm.

3 di sản tư liệu thế giới về chủ đề khoa cử

Thưa bà, bà cho biết ý nghĩa của việc đem Châu bản triều Nguyễn vào triển lãm “Khoa cử Việt Nam xưa trong tư liệu thế giới”?

Châu bản triều Nguyễn là tài liệu hành chính của triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử phong kiến Việt Nam (từ năm 1802 khi vua Gia Long lên ngôi đến kết thúc 1945 khi vua Bảo Đại thoái vị).

Đây là bối cảnh hành chính có thể nói là lớn nhất và đầy đủ nhất của các triều đại phong kiến còn lại đến ngày nay và được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 thuộc Cục Văn thư lưu trữ Nhà nước.

Khối tài liệu này có giá trị vô cùng đặc biệt, đây là những bản gốc, các tài liệu có bút tích phê duyệt trực tiếp của các hoàng đế của triều Nguyễn trên văn bản. Chính vì thế, khối tài liệu này đã được UNESCO vinh danh là di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014, và năm 2017 tiếp tục được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Giá trị của tư liệu Châu bản triều Nguyễn rất lớn vì đó là khối tài liệu hành chính của triều đại phong kiến nhà Nguyễn, nên nó phản ánh toàn bộ các hoạt động của triều Nguyễn suốt từ đầu thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

Với những giá trị đó, trong đó có nhiều mặt hoạt động mà chúng tôi đã khai thác trong nhiều hoạt động phát huy giá trị của tài liệu cũng như trưng bày triển lãm, biên soạn sách… từ trước đến nay.

Vậy thưa bà, điểm nhấn của các Châu bản đem đến triển lãm ngày hôm nay là gì?

Điểm nhấn của Châu bản triều Nguyễn triển lãm ngày hôm nay là các chủ đề về khoa cử. Nhưng điểm nhấn của mỗi một tài liệu đưa ra trong triển lãm này mang một ý nghĩa nhất định. Ví dụ, Châu bản của triều đình nhà Nguyễn đều là những bản gốc, nó sẽ minh chứng cho những hoạt động cũng như chính sách của triều Nguyễn về học hành, giáo dục khoa cử dưới triều Nguyễn.

Còn với Mộc bản, đây là những tài liệu được in, khắc dưới triều Nguyễn, chủ yếu được dạy cho con em là học sinh dưới thời phong kiến ở Quốc Tử Giám. Đồng thời cùng với đó là các bia đá khắc in về những người đỗ đạt. Đây là 3 loại hình di sản tư liệu được thế giới công nhận, nhưng nó lại đứng ở ba góc độ khác nhau và có ý nghĩa khác nhau.

Khuyến khích sự hiếu học ở giới trẻ

Triển lãm nhấn mạnh về chủ đề khoa cử xưa, vậy bà đánh giá như thế nào về khoa cử ngày xưa và khoa cử thời nay?

Khoa cử dưới thời phong kiến ảnh hưởng của Nho học (thi cử có 3 cấp: Thi hương, thi hội và thi đình). Cái cách giáo dục cũng như cách tổ chức khoa cử thời phong kiến cũng khác thời bấy giờ. Đến năm 1919, kết thúc kỳ thi hương cuối cùng của Nho học, từ đó trở đi chúng ta đã áp dụng chế độ giáo dục có ảnh hưởng của Pháp. Từ đó cho đến nay chế độ khoa cử và giáo dục đã đi theo hướng khác.

Thông điệp mà triển lãm muốn truyền tải đến các bạn trẻ là gì?

Khoa cử mỗi thời kỳ có một màu sắc khác, thời phong kiến thi cử và giáo dục cũng khác thời bây giờ. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận thời kỳ phong kiến đạt được những thành tựu nhất định, tiêu biểu là bia đá mà Văn Miếu đang lưu giữ, đó là những danh sách những người đỗ đạt dưới các triều đại phong kiến Lê Mạc.

Ngay trong Châu bản cũng đã ghi chép rất đầy đủ thông tin về các khóa thi. Đây là một trong những giá trị của thi cử thời phong kiến.

Tuy nhiên, thời nay hoạt động giáo dục thi cử đã khác đi rất nhiều. Tôi không dám bình luận thi cử thời nay tốt hơn hay thời xưa tốt hơn.

Tôi chỉ nghĩ là việc tổ chức một chủ đề về khoa cử ở Văn Miếu là một trong những cách kích thích giới trẻ trong học hành, trong thi cử. Bản thân mỗi bạn trẻ khi đến Văn Miếu cũng là muốn khuyến khích sự hiếu học. Đây cũng là cách mà triển lãm muốn mang đến.

Lần này chúng tôi chọn lọc một số tài liệu phản ánh về khoa cử của triều Nguyễn nói chung. Và trong dòng chảy của khoa cử Việt Nam dưới thời phong kiến, chúng tôi tổ chức một triển lãm kết hợp với Trung tâm lưu trữ quốc gia 4 triển lãm tư liệu Mộc bản triều Nguyễn - đây cũng là một tư liệu di sản cấp thế giới. Và các bia đá triều Lê Mạc (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) cũng là di sản cấp thế giới. Đây là lần đầu tiên triển lãm đã đưa ra 3 di sản tư liệu thế giới về chủ đề khoa cử”. Bà Nguyễn Thu Hoài

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.