Cuộc đua mới

GD&TĐ - Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên chế tạo trong nước, dự kiến vào cuối tháng 11.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Hàn Quốc đã thông báo kế hoạch phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên chế tạo trong nước, dự kiến vào cuối tháng 11 và đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ thoả thuận giữa Chính phủ Hàn Quốc với công ty vũ trụ SpaceX, Mỹ. Theo hợp đồng này, Hàn Quốc sẽ phóng thêm 4 vệ tinh do thám từ nay cho đến năm 2025.

Trước đó, Hàn Quốc chưa sở hữu vệ tinh do thám quân sự riêng. Ông Lee Choon Geun, nhà nghiên cứu danh dự tại Viện Chính sách Công nghệ và Khoa học Hàn Quốc nhận định, việc sở hữu vệ tinh do thám riêng sẽ giúp Hàn Quốc đảm bảo một hệ thống giám sát độc lập để theo dõi mọi động thái từ bên ngoài.

Năm 2023, châu Á đã “ghi dấu” trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Ngày 23/8, Ấn Độ đã công bố bức ảnh đầu tiên về bề mặt Mặt trăng sau khi trạm đổ bộ Vikram của tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống khu vực gần cực Nam Mặt trăng, khu vực chưa được khám phá và ghi nhận nhiều dấu vết của nước đóng băng.

Sự kiện này đưa Ấn Độ trở thành nước thứ 4 trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt Mặt trăng, sau Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Ấn Độ cũng được ghi nhận là cường quốc mới trong lĩnh vực vũ trụ.

Trong 12 tháng qua, Nhật Bản đã hai lần thất bại trong việc khám phá Mặt trăng nhưng nước này dự kiến sẽ tiếp tục phóng tàu vũ trụ thám hiểm từ Trung tâm Vũ trụ Tanegashima. Những nỗ lực không ngừng nghỉ này có thể đưa Nhật Bản trở thành quốc gia thứ 5 chạm đến bề mặt Mặt trăng.

Trong năm nay, châu Á, hơn các châu lục khác, đã chứng kiến sự “gia tăng đáng kể” các hoạt động sản xuất vệ tinh quân sự nói riêng và công nghệ không gian nói chung. Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ là những quốc gia tiên phong và theo sau là Hàn Quốc, Triều Tiên... đều mong muốn nâng cao kinh nghiệm công nghệ vũ trụ trong cả lĩnh vực vệ tinh thương mại lẫn quân sự. Những hoạt động trên có tác động lan tỏa, tạo động lực cho lĩnh vực thương mại phát triển tại châu Á.

Đơn cử, từ khi Hàn Quốc gia nhập lĩnh vực công nghệ vũ trụ, một vài công ty nổi bật đã xuất hiện như KT Sat, Intellian... giúp thúc đẩy dấu ấn thương mại của Hàn Quốc trên thị trường. Từ điều này, Seoul có thể xác định nhu cầu ở một số ngành dọc và mở rộng quy mô thị trường vũ trũ, chẳng hạn như sản xuất vệ tinh.

Khi Hàn Quốc hay bất cứ quốc gia nào có thể cung cấp chuỗi cung ứng trong lĩnh vực sản xuất vệ tinh, các cơ quan vũ trụ, cơ quan quốc phòng có thể tự chủ tài chính, không bị phụ thuộc vào nguồn đầu tư của chính phủ hay hỗ trợ từ nước ngoài. Điều đó giúp các cơ quan nâng cao vị thế trên quốc tế, có động lực phát triển và khám phá tri thức bên ngoài Trái đất.

Có nhiều lý do giúp châu Á xây dựng thế mạnh trong lĩnh vực này. Đầu tiên, các quốc gia châu Á sở hữu nền kinh tế phát triển hoặc mới nổi với nguồn tài chính tương đối mạnh mẽ. Họ sẵn sàng rót tiền đầu tư cho các lĩnh vực mới. Thứ 2, các nước châu Á nhận được nhiều sự hỗ trợ, đầu tư từ nước ngoài, nổi bật là Mỹ. Thứ 3 là nhu cầu cạnh tranh trong khu vực để khẳng định vị thế và vươn ra quốc tế.

Nhìn chung, các dự án không gian của châu Á đã đạt nhiều bước tiến, trong đó, nhiều quốc gia đang chạy đua để chiếm lĩnh thị phần này. Tuy nhiên, để đặt lên bàn cân thì các dự án của châu Á chưa thể tạo dấu ấn mạnh mẽ như các cường quốc vũ trụ như Nga, Mỹ.

Các quốc gia châu Á sẽ còn một hành trình dài để phát triển trong lĩnh vực mới mẻ này. Nhưng do đây là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, việc châu Á vươn lên trong cuộc đua vũ trụ là điều có thể xảy ra.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ